một nghề cho chín còn hơn chín nghề

người ta nói, cách tốt nhất để ăn một con voi, là ăn một miếng thịt của nó mỗi ngày. ngẫm lại chuyện học, chuyện làm, mình thấy đây là một lời khuyên có lý. tri thức thì bao la vô tận, không thể nào ngày một ngày hai nắm bắt hết được, mà phải có thời gian, kế hoạch và phương pháp.

có thời gian nghĩa là phải kiên nhẫn và tập trung, ví dụ như muốn ăn một con voi, phải dành ra 3 tháng liên tục. có kế hoạch nghĩa là phải biết mình đang ở đâu và phải làm gì tiếp theo, ví dụ như bây giờ là đang ăn cái đầu, tiếp theo sẽ ăn cái mình của con voi.

có phương pháp nghĩa là phải biết lên kế hoạch, làm thế nào để thực thi kế hoạch trong thời gian dự tính, ví dụ như ăn voi thì phải biết cách xẻ thịt nó ra, biết cách ăn, phải biết con voi thì cái gì ngon, cái gì dở, cái gì cần tập trung ăn kỹ, cái gì bỏ đi cũng được.

trong ba yêu cầu này, cái khó nhất là phương pháp. riêng cách (tự) học, thì trường đại học đã dạy, vấn đề ở đây là không biết nên tập trung học cái gì. lúc này thầy cô, bạn bè, những người đi trước...sẽ là những người chỉ đường tốt nhất.

một kinh nghiệm khác mình rút ra được là đối với lĩnh vực tự nhiên, muốn học xa, học sâu, thì phải bắt đầu từ những môn khoa học cơ bản, trong đó toán là bắt buộc.

những năm đầu đại học, mình đã không hiểu được yêu cầu quan trọng này, nên hết sức lơ là trong việc học toán, hậu quả là những ngày này, mình phải bắt đầu học lại các món lẽ ra phải vững rồi.

nhiều lúc mình tự hỏi, học những thứ này có phí thời gian không? trong khi các bạn xung quanh thì đổ xô đi học MBA, thì mình lại ngồi cặm cụi học đại số tuyến tính, học lý thuyết số, học lý thuyết xác suất & thống kê...mình cũng không biết nữa.

dẫu vậy, mình không hiểu được chuyện, chỉ mới làm trong ngành vài năm, mà có một số bạn đã cảm thấy chán, "muốn gác kiếm", chuyển sang làm kinh doanh hay các vị trí quản lý trung gian, không còn làm kỹ thuật nữa.

mình cũng muốn học về kinh doanh và quản lý, nhưng cái cảm giác chưa nắm vững những kiến thức và kỹ năng nền tảng của cái nghề mình được đào tạo và làm việc bấy lâu nay làm cho mình rất khó chịu.

mỗi lần nghe một bạn lập trình viên kêu chán lập trình sau 3-4 năm làm việc, là mình lại cảm thấy có gì đó rất bứt rứt. kiểu như leo núi, chưa lên đến đỉnh, mà đã vội xuống. đối với mình thì đây mới chính là phí phạm thời gian.

vậy thế nào là lên đến đỉnh, cái gì là nền tảng? mình nghĩ đó là: hiểu hết ngọn ngành và có thể áp dụng tốt những mảng kiến thức của một chương trình đào tạo khoa học máy tính ở các trường đại học.

đây là một nhiệm vụ rất khó, nhưng làm được. làm thế nào thì mình sẽ từ từ trao đổi, dựa trên kinh nghiệm học tập của mình. điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là: có cần thiết không?

tôi làm lập trình, thì chỉ cần biết C, Java, .NET hay Ruby, Python là đủ thôi, chứ cần gì phải học về database, operating system hay là networking? tôi làm mạng thì chỉ cần biết TCP/IP, có thêm cái bằng CCNA là tốt rồi, chứ cần gì phải biết lập trình?

kinh nghiệm làm việc của mình cho thấy đây là tư duy sai lầm. biết nhiều hơn bao giờ cũng có lợi, giúp cho công việc đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều

ví dụ một lĩnh vực mà mình biết chắc là nếu học nó, sẽ đem lại nhiều lợi ích, đó là machine learning, nói nôm na là dạy cho máy tính biết cách tự học những kiến thức mới hay nhận dạng được những pattern trong mớ dữ liệu hỗn độn khổng lồ.

cách đây vài năm, mình có mở một công ty, công ty mình có làm một phần mềm chống spam, và phần mềm này chỉ sử dụng một tí xíu kỹ thuật của machine learning thôi, nhưng đã tỏ ra cực kỳ hiệu quả so với các phần mềm không sử dụng kỹ thuật này.

machine learning cũng được đánh giá là kỹ năng số 1 mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn ứng viên của họ phải có. cũng phải thôi, với lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ được tạo ra mỗi ngày, kẻ nào hiểu được chúng nói gì thì kẻ đó sẽ là người chiến thắng.

quay lại việc các anh kỹ sư máy tính bỏ việc sau khi ra trường vài năm. mình nghĩ đôi khi, chính môi trường làm việc, phải leo cao thì lương nó mới cao, đẩy người ta vào tình thế phải từ bỏ chuyên môn khi chưa đủ độ chín.

mình nghĩ đây cũng là một điểm mà người làm quản lý cần phải chú ý: lương bổng và quyền lợi là một hàm của năng lực và hiệu quả công việc, chứ không phải của chức vụ hay vị trí.

nhìn xung quanh, mình thấy rất khó tìm được ai đó có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong một lĩnh vực kỹ thuật nào đó. cao nhất chỉ là 5 năm.

mình cũng đi làm hơn 5 năm rồi. và mình nghĩ bây nhiêu thời gian chỉ đủ để biết là mình đang thiếu kiến thức và kỹ năng nào, cần phải học thêm cái gì, để làm việc cho tốt hơn.

vả lại, bạn nào cũng học MBA, về làm sếp hết, thì các bạn quản lý ai? những bạn mới ra trường, làm được 3-4 năm khác? rốt cuộc toàn những bạn không có kinh nghiệm và không đủ kiến thức làm việc với nhau.

hậu quả là cái gọi là "nền CNTT VN" toàn phải đi mua đồ của nước ngoài về xài, bởi trong nước không tự sản xuất được, nguyên nhân chính là không có thợ lành nghề. bao nhiêu ngân hàng ở VN sử dụng phần mềm nước ngoài? ngay cả FPT, một công ty tự xem là đi đầu ở VN về công nghệ, nhưng khi thành lập ngân hàng, họ vẫn phải bỏ tiền ra mua phần mềm của Ấn Độ.

nhiều bạn cho rằng, và mình đồng ý, do chúng ta còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. vậy hà cớ gì khi mới làm việc có vài năm, chưa đâu vào đâu, lại chuyển chuyên môn?

Comments

"nhưng cái cảm giác chưa nắm vững những kiến thức và kỹ năng nền tảng của cái nghề mình được đào tạo và làm việc bấy lâu nay làm cho mình rất khó chịu."

Em hoàn toàn đồng ý với anh.
Quả thật là rất khó chịu, em vẫn thường xuyên ngậm nhấm cái cảm giác đó đây. Đến nỗi em cảm thấy rất khó để bắt đầu một điều gì đó vì luôn cảm thấy cái mình đang có vẫn chưa chắc chắn.
Admin said…
bài viết rất hay. Mình cũng là sv cntt nhưng học chẳng tới đâu. Mình đọc bài này cảm thấy rất hợp với tâm trạng lúc này. Mình thích đoạn này "người ta nói, cách tốt nhất để ăn một con voi, là ăn một miếng thịt của nó mỗi ngày. ngẫm lại chuyện học, chuyện làm, mình thấy đây là một lời khuyên có lý. tri thức thì bao la vô tận, không thể nào ngày một ngày hai nắm bắt hết được, mà phải có thời gian, kế hoạch và phương pháp."
Luc quang Manh said…
This comment has been removed by the author.
Luc quang Manh said…
Bài viết của bạn rất hay và nó giúp mình rất nhiều.

Mình cũng có suy nghĩ như bạn, bạn ạ! Mình học đủ các thứ trong ngành IT để phục vụ đam mê của mình. Nhưng giờ đây thấy lương thấp quá nhiều khi mình cũng nản.

Nhưng mình đọc bài viết này của bạn. Mình hiểu ra mình phải kiên trì hơn nữa. Giống như ông thầy của mình nói: "giống như kéo một chiếc xe bò lên dốc vậy. Khi sắp tới đỉnh thì lúc đó rất mệt. Nếu ta gắng chút nữa thì nên được đỉnh dốc. Còn ta không gắng ta lại rơi xuống chân dốc và làm lại từ đầu.".

Cám ơn bài viết của bạn rất nhiều!
chairuou said…
Học lại đi, chả thừa đâu :)
Chục năm nữa có khi không muốn làm Managơ có khi còn bị bắt làm ấy chớ.
Mà managơ...chán lém hê hê hê.
Anonymous said…
Viec hoc tap va nghien cuu nhu thuyen nguoc nuoc khong tien at se phai lui.
Anonymous said…
Bài viết của anh Thái rất hay, đọc bài của anh xong em càng có thêm quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn
Phải công nhận cậu viết bài này hay thật, cũng giống quan điểm của mình. Tớ đây làm quản trị mạng từ khi ra trường đến nay, được 7 năm. Dẫu biết rằng mình được đào tạo để làm lập trình viên nhưng đã chót theo nghề quản trị mạng thì sẽ cố gắng theo đến cùng. Trước đây mình cũng đã có lúc nghĩ đến làm kinh doanh về IT như support nhưng mình nghĩ là phải tích lũy thêm kinh nghiệm kiến thức trước khi có thể làm kinh doanh
thời gian thì ai cũng có như nhau, một ngày 24 tiếng. Nhưng mà phương pháp và kế hoạch thì không phải ai cũng làm được. tôi thích nhất câu nói "mình đang ở đâu và phải làm gì tiếp theo?" và tôi cũng đang tìm câu trả lời cho câu hỏi này !
Trong cái xã hội không sản xuất, chỉ nhăm nhăm chộp giật CK với Bất động sản cộng tham nhũng thì cũng khó trách các bạn trẻ nhăm nhăm đổi nghề! Cái gì cũng có lý do của nó!
vhtk said…
Rất cảm ơn anh Thái về bài viết này. Em đã có thêm niềm tin để tiếp tục.