thứ ba với Morrie
----
gần đây chợt thích Lê Thị Liên Hoan ghê. chắc là từ lúc xem lại "Hợp Đồng Mãnh Thú". thông minh, rất hài và chua cay. nhà sách Nguyễn Huệ đang có bán một tập truyện phiếm của ổng, nên đọc, rất giải trí nhưng cũng gợi nhiều suy nghĩ nếu muốn suy nghĩ ;-).
đọc Lê Hoàng, Hồ Anh Thái và nhiều ông bà nhà văn khác mới thấy cũng có thời họ viết vừa vụng vừa chán. cái mà tôi đọc được ngày hôm nay là kết quả của quá trình viết và nghĩ liên tục trong nhiều năm trời, chứ chẳng phải tự dưng đặt bút xuống là viết hay được liền.
thành ra già đi cũng hay, chứ không có gì đáng sợ cả. gừng càng già càng cay thôi. không biết đến năm 40 tuổi, rồi 60 tuổi, tôi sẽ cay đến cỡ nào nhỉ? không thể chờ được!
----
đó cũng là một bài học mà Morrie dạy cho Mitch vào những buổi chiều thứ ba mà hai người gặp nhau, tại nhà Morrie, trong những ngày cuối cùng của Morrie trên cõi đời. già đi không có gì đáng sợ cả.
không lên gân, không dạy đời, mà rất nhẹ nhàng và truyền cảm, một người già gần đất xa trời ngồi trò chuyện và giải thích cho một ông trung niên về ý nghĩa của cuộc sống.
rốt cuộc rồi cuộc sống có ý nghĩa gì? cái gì là quan trọng? cái gì là không quan trọng? làm thế nào để hạnh phúc? hôn nhân, tình yêu, tiền bạc, tuổi già, cái chết? mỗi thứ ba là một câu chuyện, một chia sẻ. hoàn toàn có thật.
hồi còn trẻ, con người ta thường có xu hướng đánh giá thấp ý kiến của người lớn tuổi, bởi vì họ cho rằng người già không đi theo kịp thời đại, không hiểu được cái thời đại mới mà người trẻ đang sống. nhưng, nếu bây giờ bạn phải chọn lắng nghe ý kiến của chính bạn ngày hôm nay hoặc ý kiến của bạn 10 năm về trước, thì bạn sẽ chọn lắng nghe ai?
có thể sẽ có lúc chúng ta không đồng tình với Morrie, nhưng còn gì thú vị hơn ngồi nghe một người già sành đời, đã sống trọn vẹn cuộc đời, chia sẻ những chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống?
có nhiều câu chuyện, nhưng tôi thích nhất là lúc Morrie nói về cảm xúc.
Morrie sắp chết. ông bị một loại bệnh làm cho các bộ phận trên cơ thể dần dần hết hoạt động. nó làm cho ông cực kỳ đau đớn. dẫu vậy lúc nào Morrie cũng giữ được một trạng thái tươi tỉnh và lạc quan. Mitch hỏi tại sao? tại sao đau đớn như vậy mà Morrie vẫn không u buồn?
đây là cái khác biệt giữa "tuesdays with Morrie" với những cuốn sách khác. nó không cố gắng lên gân. lên gân là kiểu như Morrie sẽ trả lời "ờ tao không u buồn vì cuộc đời còn quá nhiều niềm vui để tận hưởng". nói vậy nghe cũng hay, nhưng là nói xạo.
Morrie trả lời, "ờ buồn chứ. buồn nhiều là đằng khác. có những buổi sáng thức dậy tao khóc hù hụ". Morrie sẽ khóc, khóc cho đến tận cùng của nỗi buồn, rồi ông sẽ nhảy ra khỏi nỗi buồn đó, để sống tiếp hết ngày hôm đó, hay tuần đó mà không phải u buồn nữa, bởi vì, Morrie nói, cuộc đời còn quá nhiều cảm xúc khác để mà trải nghiệm.
đó là bí quyết của Morrie. ông sống là để trải nghiệm các cảm xúc khác nhau. ông sẽ trải nghiệm cho trọn vẹn, quay cuồng đến tận cùng một cảm xúc nào đó, rồi ông sẽ tách ra, để mà đi tiếp, và trải nghiệm các cảm xúc khác.
thử dừng lại vài giây và suy nghĩ về bí quyết của Morrie.
chúng ta thường sống trong sợ hãi. sợ đau đớn vì không được yêu, nên chúng ta chọn không yêu một ai đó quá say đắm. sợ đau buồn vì thương nhớ, nên chúng ta quay mặt đi, gạt phắt sang một bên những cảm xúc hay những suy nghĩ liên quan đến người thân đã mất. sợ nhục nhã ê chề vì thất bại, nên chúng ta chọn những công việc bình thường dễ dàng, rồi âm thầm từ bỏ những ước mơ đã từng là cháy bỏng. ngay cả nỗi sợ, có mấy ai đã trải nghiệm sự sợ hãi đủ để có thể tự tin nói rằng: tôi đã biết sợ là gì?
Morrie nói rằng, chẳng có gì phải sợ. bởi vì mỗi cảm xúc là một ân huệ...
Comments
Mình có đọc qua, có điều mình quan tâm ngoài cách đè nén, tránh né, chấp nhận các cảm xúc khó chịu ra, còn cách nào khác không ? ví dụ diệt tận gốc để nó không bao giờ nổi lên nữa