Tôi đi biểu tình ở Mỹ
Hình của báo Thanh Niên |
Tôi đi biểu tình lần đầu là khi biểu tình tự phát chống chính quyền Trung Quốc nổ ra ở Sài Gòn vào năm 2007. Lần đó chẳng làm được gì, không biểu ngữ, không cờ phướn vì thiếu chuẩn bị, ra đến nơi cũng không hò hét được gì, vì cứ bị cảnh sát với dân phòng lùa hết chỗ này sang chỗ khác. Lần thứ hai tôi đi biểu tình, cũng lại là chống chính quyền Trung Quốc, là ngày hôm qua. Bọn tôi biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco (SF), rồi diễu hành gần hai cây số đến Union Square, quãng trường trung tâm thành phố.
Theo thông tin trên mạng thì muốn biểu tình phải xin giấy phép và nơi xin là sở cảnh sát San Francisco (SFPD), nên tôi gọi điện lên hỏi. Người ta hướng dẫn là chỉ cần lên điền một cái đơn theo mẫu là được. Hình như có thể nộp qua mạng, nhưng do làm lần đầu nên tôi muốn nộp đơn trực tiếp, để có thắc mắc gì thì hỏi luôn. Tôi cũng hơi lo lắng, không biết có nhận được giấy phép trước thời gian dự kiến của cuộc biểu tình hay không.
Hóa ra đúng là chỉ cần điền một cái đơn theo mẫu là được. Không tốn tiền gì và chỉ mất chưa đến 10', chưa kể thời gian chạy từ nhà lên SFPD. Người ta hẹn hôm sau sẽ có một sĩ quan cảnh sát gọi điện thoại lại để xác nhận là được cấp phép hay không. Viên sĩ quan gọi cho tôi giọng rất vui vẻ, dặn dò rằng chỉ cần không tràn xuống lề đường là được, họ sẽ cử cảnh sát ra để đảm bảo an ninh trật tự và giúp đỡ đoàn khi diễu hành. Ông cảnh sát còn nói với tôi là "Chỗ lãnh sự quán Trung Quốc này có biểu tình hoài hà" :-).
Đến ngày đến giờ, mấy ông cảnh sát có mặt đúng hẹn, rồi theo chân đoàn biểu tình cho đến khi chúng tôi rã đám. Khi đoàn đi diễu hành, họ chạy xe theo để đảm bảo chúng tôi qua ngã tư an toàn và không làm ách tắc giao thông. Khi bọn tôi hỏi có thể dùng loa để hô khẩu hiệu không, mấy ổng kêu "Vô tư đi, mấy anh dùng cái gì để nói cũng được, đừng lo". Lúc đó tôi hiểu rằng trách nhiệm của người cảnh sát là đảm bảo cho người dân chúng tôi được thực thi quyền tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp Mỹ. Họ cứ thế mà làm, chẳng phải băn khoăn có ai "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" hay không.
Đối ngoại thì nhẹ nhàng, còn đối nội thì có phần nhiêu khê hơn.
Bọn tôi thông báo kế hoạch biểu tình cho cộng đồng cựu du học sinh, những người đang làm việc ở đây như tôi, và cả những bạn sinh viên học sinh đang học ở các trường đại học trong vùng và yêu cầu ai đi được thì đăng ký trên một cái spreadsheet. Tôi để chế độ "Ai cũng được phép sửa" và vài tiếng đồng hồ sau thì có ai đó vào xóa hết thông tin trong cái spreadsheet và phán rằng chúng tôi là "bọn phản động". Tôi không biết ai là người làm việc này, nhưng tôi cũng muốn cảm ơn, vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi được gọi là phản động. Tôi chưa bao giờ yêu nước đến mức được xem là phản động cả. Thật vinh dự.
Một vấn đề nổi cộm của cuộc biểu tình là màu cờ. Hai câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất là: có được đem cờ đỏ sao vàng không? Liệu có ai đem cờ vàng ba sọc không? Tôi chủ trương đây là cuộc biểu tình mở, bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Tôi nghĩ mang cờ gì là chuyện của mỗi cá nhân, chứ cả thảy buổi biểu tình không đại diện mà cũng không loại bỏ bất kỳ màu cờ gì. Buổi biểu tình chỉ đại diện cho người Việt Nam. Miễn sao là người Việt Nam hoặc có quan tâm đến tình hình Việt Nam là được chào đón. Ví dụ như ai là công dân CHXHCNVN thì sẽ đem cờ đỏ sao vàng, ai là công dân của VNCH thì có thể đem cờ vàng ba sọc. Tất cả đều được chào đón. Chúng ta là đồng bào.
Thú thật thì ở đây tìm cờ đỏ sao vàng rất khó, nên bọn tôi cũng nghĩ nếu buổi biểu tình không có cờ đỏ sao vàng mà chỉ có cờ vàng ba sọc thì kể ra cũng kỳ, vì phần lớn chúng tôi sinh ra đã là công dân CHXHCNVN, dẫu có thể không thích chính quyền hiện tại nhưng màu cờ đỏ sao vàng vẫn quen thuộc và thiêng liêng nhất. Có vài đề nghị (từ những người không đi biểu tình :-) là chúng tôi nên liên hệ với lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco để mượn cờ và áo. Người của lãnh sự quán cũng có liên hệ với tôi, nhờ tôi mời một số kiều bào đang sống trong vùng đến biểu tình, vì họ e rằng họ mời người ta không đi.
Tôi không muốn mời ai cả, vì tôi cho rằng biểu tình cho đất mẹ vừa là trách nhiệm, vừa quyền lợi của người tha hương như chúng tôi. Mỗi người nên tự nguyện tham gia. Tôi và người bạn đứng ra tổ chức cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là vẫn biểu tình nếu chỉ có vài người tham gia. Tôi cũng không liên hệ với lãnh sự quán, vì không muốn có sự hiểu lầm rằng cuộc biểu tình này là do chính phủ Việt Nam tổ chức. Rất may là vào phút chót hội du học sinh Việt Nam ở Bắc California tham gia và họ có đầy đủ áo cờ rất đẹp. Như thấy trong hình, rốt cuộc chỉ có cờ đỏ sao vàng. Tôi nghe nói là người cờ vàng ba sọc đã biểu tình một tuần trước đó.
Có người hỏi tôi là tại sao lại tổ chức biểu tình, lãnh sự quán Trung Quốc đóng cửa vào chiều thứ bảy, mục tiêu của đoàn biểu tình là gì?
Tôi nghĩ nếu không xem được trực tiếp thì họ có thể xem trên lại buổi biểu tình trên... Facebook :-). Thời đại truyền thông xã hội mà. Quan trọng là mình có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ, còn lại thì để truyền thông làm nhiệm vụ phát tán.
Tôi không biết chắc lý do những người khác biểu tình, nhưng với cá nhân tôi thì biểu tình trước hết là cho bản thân mình. Tôi xin mượn lời của anh Trình Quốc Tuấn viết cho con gái chưa tròn hai tuổi:
"Hôm nay có người đã hỏi ba: đi làm gì, giải quyết được gì?
Ba đã trả lời: tại sao lại hỏi đi làm gì, giải quyết được gì? Đơn giản là xuống đường để chia sẻ tình cảm của mình với tổ quốc, để được đi cùng những người mà trong cuộc sống chưa một lần gặp, nay đứng bên nhau nhìn về một hướng. Để thấy mình không cô đơn, để giải toả sự phẫn uất của một công dân khi chủ quyền bị chà đạp. Thứ tình cảm đó nó thiêng liêng từ trong máu mủ và ko vụ lợi thì tại sao phải hỏi quá nhiều phải không con!"
Tôi đi biểu tình còn là vì đây là quyền tự do của tôi. Tôi đang sống ở một xứ sở tự do, nếu tôi có quyền nói mà tôi không dám nói thì không khác chi là tôi tự tước đi tự do của tôi. Tôi không thể làm như thế được. Có vài người nói với tôi là họ cũng muốn đi, nhưng sợ bị chụp hình chung với cờ vàng ba sọc, sợ bị đánh dấu là có hoạt động chính trị, v.v. nên thôi. Tôi hiểu nỗi sợ của họ, nhưng chính vì thế mà tôi càng muốn đi, để cho người ta thấy là sợ hãi và tự kiểm duyệt không phải là việc làm của một con người tự do.
Vả lại nếu chúng tôi không đi, thì ai sẽ đi? Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ làm gì đó?
Comments
Đến bao giờ quê hương mình mới có được cái quyền này đây?