Từ thiện kiểu Mỹ

Tặng mẹ Tr.

Mẹ tôi thích cho tiền người nghèo, người già, còn tôi thích góp tiền cho người giàu, người trẻ khỏe.


Từ nhỏ mẹ tôi đã tập cho tôi thói quen giúp đỡ người khác. Đi đường gặp người già, người nghèo, mẹ tôi hay đưa tiền kêu tôi đem cho. Có lần mẹ tôi gặp tai nạn phải vô cấp cứu ở Chợ Rẫy. Khám xong xuôi, bả hỏi tôi có tiền không? Tôi hỏi chi, bả nói để đem cho mấy người bệnh nghèo, nằm la liệt thấy thương quá. Tôi phì cười, mẹ ơi là mẹ, vừa qua đại nạn mà chẳng nghĩ gì đến bản thân.


Bây giờ mẹ tôi hay tổ chức đoàn đi cứu trợ. Đoàn của mẹ tôi toàn mấy bà già, nhưng hăng hái lắm, lên rừng xuống biển, hễ chỗ nào có người nghèo, người khổ là đi. “Mẹ đang tính bớt lũ rồi ra Quảng Trị, vô chỗ vùng sâu vùng xa, ít người tới để cho”, mẹ tôi nói khi tôi hỏi tính chừng nào đi cứu trợ miền Trung.


Có lần tôi đi với mẹ tôi vô Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa mới biết mấy bà già trong đoàn “sang chảnh" cỡ nào. Mỗi bà cầm một xấp tiền trên tay, phát hết mới về. Tôi nhẩm tính chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, mỗi bà phải phát cỡ 5-10 triệu.


Tôi ghẹo, mẹ cho hết vầy còn gì để lại cho con? Bả nói, tao để lại cho mày trí tuệ, sức khỏe rồi còn muốn gì nữa hả con. Tức là chị Tr. tự khen chị ấy thông minh đó bà con.


Tôi nghĩ có nhiều lý do mẹ tôi thích đi cứu trợ. Mẹ tôi tin ở hiền gặp lành, giúp đỡ người khác con cháu sẽ được hưởng phước. Bả cũng thích đi đó đi đây, đi riết thành thói quen, ở nhà hoài không chịu nổi. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, nên có lẽ bà đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh.


Có máu của mẹ tôi chảy trong người nên lâu nay tôi vẫn ủng hộ người nghèo, người già, nhưng chỉ từ khi qua Mỹ tôi mới biết muốn làm từ thiện hiệu quả cũng phải học.


Muốn đóng góp, trước tiên phải có tiền. Luật Mỹ rất hay, tiền đóng góp cho các tổ chức từ thiện được miễn trừ thuế. Tôi nghe nói là luật Việt Nam cũng vậy, bạn nào rành nhờ xác nhận giùm. Chỗ tôi làm lại có thêm chính sách matching: mỗi USD tôi đóng cho các tổ chức từ thiện, công ty sẽ cho thêm một USD, tối đa 7.000 USD/nhân viên/năm (năm 2020 được đặt cách tăng lên 10.000 USD).


Nhờ các chính sách này mà mỗi 0,5 USD tôi cho đi, bên nhận sẽ được 2 USD hoặc hơn nữa. Hồi xưa tôi cứ nghĩ đây là kiểu “trốn thuế" của bọn nhà giàu, nhưng kỳ thực đây là chính sách giao lại quyền quyết định đầu tư công cho người dân. Thay vì chuyển hết vào ngân khố của Chú Sam, mỗi năm tôi có một số tiền nho nhỏ để quyết định cho ai và ủng hộ hoạt động nào.


Nếu chưa quyết định được, tôi có thể mở quỹ (gọi là donor-advised fund), đầu tư số tiền mà tôi sẽ ủng hộ từ thiện, toàn bộ lợi nhuận sẽ không bị tính thuế. Tôi nhẩm tính nếu đóng góp đều đặn, từ đây đến lúc nghỉ hưu, quỹ của tôi sẽ có một khoản tiền kha khá, tha hồ cho.


Nhưng cho ai?


Tôi ưu tiên cho các quỹ từ thiện của người giàu, người trẻ khỏe. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng mấu chốt nằm ở sự khác nhau giữa cứu trợ (charity) và từ thiện (philanthropy). Ông bà ta nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi nghĩ cứu trợ là giúp người ta chữa bệnh, còn từ thiện là giúp phòng bệnh.


Miền Trung lũ lớn, bà con trong nước và ở hải ngoại ào ạt đóng góp để tiếp tế cho đồng bào trong vùng lũ. Đây là hoạt động cứu trợ, rất cần thiết để giải quyết khó khăn trước mắt. Bảo vệ mạng sống và no cái bụng đã, sau đó tính tiếp.


Trong dịp này tôi được bạn giới thiệu về dự án Nhà Chống Lũ. Trang chủ của dự án viết rằng bắt đầu từ 2013, Nhà Chống Lũ thiết kế các mô hình nhà ứng phó với thiên tai, đồng thời, gây quỹ và hỗ trợ tài chính để các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà an toàn, từ đó giảm nhẹ tác động xấu của thiên tai đến cuộc sống hàng ngày của họ.


Nhà Chống Lũ là một dự án từ thiện. Nếu bạn tìm hiểu về những người lập ra và vận hành dự án này, bạn sẽ thấy họ đều là người giàu có, thành công, nếu không thì cũng trẻ khỏe, tràn đầy năng lượng! Phải vậy mới có thời gian theo đuổi những hoạt động vì cộng đồng. Tôi muốn ủng hộ những người như thế, đơn giản vì dự án của họ có khả năng thành công cao hơn, tức là tiền tôi góp vào sẽ có cơ hội tạo ra những thay đổi tích cực, lâu dài.


Ở Mỹ có vô vàn tổ chức cứu trợ, từ thiện và hằng hà sa số tổ chức phi lợi nhuận. Có những tổ chức lớn, nhiều người biết như Gates Foundation (của gia đình Bill Gates), Hội Chữ thập đỏ, Bác sĩ không biên giới, Wikipedia Foundation (làm ra bách khoa toàn thư Wikipedia), hay Mozilla Foundation (làm ra trình duyệt vang bóng một thời Firefox).


Cũng có những tổ chức bé xíu xiu, được lập ra để giải quyết một vấn đề nào đó mà người sáng lập quan tâm. Đóng góp cho những tổ chức như vậy không bị tính thuế, tức là, chính sách thuế đã góp phần khuyến khích người dân chủ động giải quyết các vấn đề xã hội mà họ quan tâm.


Các tổ chức cứu trợ, từ thiện và phi lợi nhuận tạo ra một mạng lưới hiệp hội dân sự (civil society, thường được dịch là xã hội dân sự) có vai trò quan trọng trong xã hội. Họ tạo ra một khối đối trọng với khối nhà nước và khối doanh nghiệp, với rất nhiều đóng góp về kinh tế, sáng tạo nghệ thuật, khoa học, công nghệ.


Đơn cử như Internet mà chúng ta biết như ngày hôm nay sẽ không tồn tại nếu không có phong trào phần mềm nguồn mở và phần mềm tự do, được khởi xướng và thúc đẩy bởi những tổ chức phi lợi nhuận như Free Software Foundation, Apache Foundation hay Linux Foundation.


Nếu như báo chí truyền thông là nhánh quyền lực thứ tư (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp), các hiệp hội dân sự là nhánh quyền lực thứ năm của một thể chế khỏe mạnh. Đằng sau mỗi tổ chức dân sự thường là những công dân tâm huyết, dấn thân với thời cuộc. Họ làm việc vì muốn phụng sự cộng động, muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực, muốn giải quyết các vấn đề mà họ thấy quan trọng. Lịch sử cho thấy đây là những con người sẽ tạo ra và dẫn dắt những phong trào tự phát (grassroots movements) dẫn đến những thay đổi tích cực, lâu dài cho xã hội.


Ở Việt Nam những năm gần đây đã xuất hiện những hội nhóm, tổ chức như vậy. Ví dụ nhóm Xanh Hà Nội ấp ủ mục tiêu sẽ trồng được 1 triệu cây, phủ xanh Hà Nội, thúc đẩy một phương châm sống hài hòa với thiên nhiên, vì tương lai bền vững.


Hay như dự án Đại Ký Sự Biển Đông của một nhóm học giả, nhà nghiên cứu đau đáu với chủ quyền lãnh thổ. Bản tin Biển Đông của dự án cung cấp thông tin đa chiều, trung thực với những phân tích chuyên sâu về diễn biến ngoài biển khơi mà phần lớn chúng ta vì bận rộn cuộc sống không thể tự tìm hiểu.


Tôi ham làm việc, chuyện gì cũng muốn làm. Người làm máy tính như tôi vì phải thường xuyên tự học nên hay có tâm lý cái gì mình cũng tự làm được. Thực tế phũ phàng, tôi thấy mình chẳng làm được gì ra hồn. Giờ tôi muốn tập trung vào chuyện tôi làm tốt nhất, còn lại góp tiền để người khác làm.


Tôi học được từ người Mỹ rằng làm từ thiện không chỉ là cứu trợ khẩn cấp, mà còn là xác định các vấn đề xã hội mình muốn giải quyết, ai đang giải quyết các vấn đề đó và mình có thể giúp gì cho họ. Mỗi người làm tốt phần của mình, xắn tay giải quyết chuyện mình quan tâm, xã hội tự khắc sẽ đi lên.

Comments

HaDzuong said…
Làm từ thiện không phải dễ, không chỉ có tiền là xong, mà đôi khi nhiều tiền lại bị áp lực rất lớn từ dư luận bủa vây. Thông thường những người cho đi sẽ không mong nhận lại nhiều cho bản thân họ, tuy nhiên thực tế cuộc sống lại chỉ ra rằng, có những người ăn không ngồi rồi lại đâm bị thóc chọc bị gạo đòi những cá nhân phải rõ ràng minh bạch trong việc phân phát số tiền từ thiện.

Về vấn đề này, Thái nghĩ sao? Điển hình là 2 case của VN là MC Phan Anh và gần nhất là Thủy Tiên.

Thai Duong said…
Tôi nghĩ lo chuyện thiên hạ thì tất nhiên thiên hạ sẽ có ý kiến. Ý kiến cũng có nhiều loại. Loại có tính xây dựng, chỉ cho người ta cách làm cho đúng (vì chưa chắc gì người đứng ra nhận tiền biết cách sử dụng tiền thế nào). Cũng có loại chỉ muốn chọc gậy bánh xe, phần nhiều là vì đố kị. Tôi còn thấy hiện tượng "không phải dự án của tôi thì tôi không ủng hộ", tức là mọi thứ phải xoay quanh họ thì họ mới thấy hứng thú đi giúp người khác, chứ còn có ai nổi hơn họ sẽ không cam. Với giới ngôi sao thì chuyện này cũng dễ hiểu, vì nổi tiếng là nghề của họ. Nếu giúp người khác nổi tiếng mà họ không được gì thì họ nghĩ rằng họ đã thiệt.

Nói vậy chứ, tôi nghĩ minh bạch là cần thiết. Bà con đóng góp có quyền được biết tiền sẽ được sử dụng ra sao. Nếu chưa có kế hoạch thì nên thông báo ngắn gọn đang suy nghĩ, rồi sẽ thông báo chi tiết trong vòng bao nhiêu ngay. Cứu trợ sau lũ sẽ cần nhiều tiền và một kế hoạch rõ ràng.
Anonymous said…
Hay!
Le Coi said…
Cám ơn bài viết của em. Chị rất đồng cảm và chia sẻ.