Siêu hacker

1. MPlayer, Google Chrome, VLC, MythTV... có chung điểm gì? Chúng đều xài thư viện FFmpeg. Rất nhiều phần mềm khác sử dụng thư viện này và có thể cái tivi hay chiếc điện thoại của bạn cũng sử dụng FFmpeg.

2. Xen, VirtualBox, Linux Kernel-based Virtual Machine... có chung điểm gì? Chúng đều dùng công nghệ của QEmu. Xen nghe có vẻ xa lạ? Amazon EC2, và có thể công nghệ điện toán đám mây mà bạn đang dùng, sử dụng Xen.

3. IOCCC, ra đời năm 1984, là một cuộc thi quốc tế để chọn ra đoạn mã C rối rắm sáng tạo nhất. Đúng như tên gọi, các đoạn mã chiến thắng IOCCC thường rối rắm nhưng lại cực kỳ sáng tạo và đương nhiên phải hữu ích.

Đơn cử như năm 2000, người chiến thắng viết một chương trình có kích thước 475 byte, in ra giá trị của 2^6972593 - 1, số nguyên tố lớn nhất từng được biết đến tại thời điểm đó, trong vài phút. Đừng thử ở nhà: viết chương trình tính số đó, xem coi mất bao lâu.

Đơn cử như năm 2001, người chiến thắng viết một trình biên dịch có thể tự biên dịch chính nó, có thể biên dịch và chạy mã nguồn C mà không cần phải có một chương trình hỗ trợ nào khác. Kích thước trình biên dịch này lên đến...2048 byte.

4. Tính các chữ số thập phân của số Pi là một thú vui của nhiều người từ vài ngàn năm nay. Cho đến năm 1995, thuật toán tốt nhất để tính chữ số thứ n trong hệ nhị phân của Pi mất thời gian O(n^3log(n)^3). Năm 1997, một thuật toán mới được công bố với thời gian tính toán chỉ mất O(n^2), nghĩa là tốt hơn thuật toán cũ 43%.

Năm 2009, thuật toán này cho đến nay vẫn được xem là thuật toán tốt nhất cho bài toán này và nó đã được dùng để tính chữ số thập phân thứ 2.7 ngàn tỉ của Pi, giữ kỷ lục thế giới vào thời điểm đó. Điều đáng nói là toàn bộ quá trình tính toán được thực hiện bằng một máy tính để bàn có giá 3.000 USD, trong khi kỷ lục cũ được thực hiện bằng một siêu máy tính gồm 640 node, mỗi node có tốc độ tính toán 147.2 gigaflops với tổng bộ nhớ là 13.5 terabyte.

5. Cách đây vài ngày trên Internet xuất hiện một đoạn chương trình cho phép bạn khởi động và chạy phiên bản mới nhất của nhân Linux ngay trên trình duyệt. Có đủ trọn bộ busybox, vi, emacs và cả một trình biên dịch. Chỉ thiếu mỗi...Firefox nữa thôi là bạn có thể chạy Firefox trong Linux trong Firefox trong Linux. Àh tôi quên nói là chương trình này, do chạy trên trình duyệt, được viết toàn bộ bằng...Javascript.

----

1, 2, 3, 4, 5 có điểm gì chung? Chúng đều là thành quả của một người. Fabrice Bellard.

Comments

Long said…
cám ơn anh, giờ em mới được biết. Lâu rồi cũng ít thấy a post bài, chắc học nặng quá ạ? :D
seriwriting said…
Link cho những ai quan tâm đến điểm số 5 trong bài viết của anh Thái: http://bellard.org/jslinux/
tran said…
sao lại có những người như thế nhỉ
Alcorest said…
@tran: không phải là những người mà chỉ là 1 người.
Trong các blog kết nhất là blog của AThai ^^
trungndbk said…
Thêm 1 achievement cho hắn BPG (Better Portable Graphics)
Quả khủng và đáng ngưỡng mộ
https://www.tinhte.vn/threads/dinh-dang-anh-bpg-mang-lai-chat-luong-tuong-duong-jpeg-nhung-dung-luong-chi-bang-1-nua.2402710/
Anonymous said…
ông này mảng nào cũng biết, từ cái code cho nhân phần cứng tới phần mềm cái gì cũng chơi, kinh khủng