Tự đốt đuốc mà đi

(Mượn lời tựa một bài viết của anh Giáp Văn Dương)

Trong một bài viết trên blog này tôi có nói hối tiếc lớn thứ nhì trong "sự nghiệp" học tập của tôi là đã không tốt nghiệp đại học và hối tiếc lớn nhất là tôi đã không nghỉ hẳn việc học đại học. Hôm nay tôi muốn nói một chút về suy nghĩ này, nhân dịp đọc bài đã dẫn của anh Dương cũng như bài của một bạn sinh viên về việc mất định hướng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Tôi học đại học rất tệ. Thời gian đến trường đến lớp của tôi rất ít. Chủ yếu tôi chỉ học khi còn một vài ngày nữa là thi. Tôi thường hay nói là vì tôi bận đi làm, nhưng thật ra nếu cố gắng, tôi nghĩ tôi cũng sẽ có thể vừa học vừa làm. Chủ yếu vì tôi làm biếng. Kết quả là sau hơn 5 năm ngoài việc nợ một vài môn chuyên ngành, tôi còn nợ một môn cần thiết để làm luận văn. Tôi quyết định nghỉ, chứ không đi học lại những môn đó nữa.

Tôi chọn học ngành công nghệ thông tin vì tôi cảm thấy tôi thích ngành này. Đây cũng là một ngành thời thượng lúc bấy giờ. Ở thời điểm bắt đầu học đại học thì mục tiêu của tôi rất rõ ràng: tốt nghiệp đại học rồi đi làm kỹ sư an toàn thông tin. Điều buồn cười là lúc đó tôi không biết làm an toàn thông tin là làm gì. Tôi nghĩ đây cũng là tình trạng chung của nhiều bạn bè của tôi. Đa số chúng tôi chọn ngành học vì một sở thích mơ hồ, rồi cố theo đuổi mà dần dà trở thành một sở thích thật sự, hoặc là vỡ mộng rồi lụi tàn.

Trong suốt quá trình học đại học, những gì trường đại học cung cấp cho tôi cũ kỹ và có vẻ như rất thiếu thực tế so với những gì mà tôi thấy trong quá trình làm việc bên ngoài. Làm sao mà tôi thích đi học khi mà những hệ thống mà tôi xây dựng và quản trị ở công ty đang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ, trong khi trường lại dạy những kiến thức tưởng chừng như chẳng ăn nhập vào đâu.

Bây giờ nhìn lại thì tôi thấy nội dung và cách dạy của từng môn học thì đúng là lạc hậu, nhưng toàn bộ giáo trình đại học mà tôi học vẫn cung cấp được một cái sườn kiến thức rất cần thiết cho một kỹ sư công nghệ thông tin. Dựa trên cái sườn này, nếu biết cách tự học thì cũng sẽ thu được một lượng kiến thức đáng kể. Nhưng lúc là sinh viên, thiếu cái nhìn toàn cảnh, thiếu kinh nghiệm, tôi không có cách nào hiểu được như vậy.

Tôi chẳng đổ thừa trường mà tôi học hay các thầy cô. Tôi có nguyên tắc: cái gì tôi làm không được là lỗi của tôi! Cũng có nhiều bạn học như tôi và vẫn học tốt. Dẫu vậy tôi nghĩ điều mà tôi không hài lòng, để rồi dẫn tới việc chán học, là đại học đã không như tôi kỳ vọng. Tôi nghĩ đây cũng không phải là suy nghĩ của cá nhân tôi. Nhiều bạn sinh viên mới vào đại học cũng thường đặt ra những kỳ vọng cao đẹp về đại học.

Bây giờ nhìn lại thì tôi thấy mình ngây thơ quá. Đó là lỗi của tôi. Thử hỏi xem thời nay có ai điên khùng đi kỳ vọng vào chất lượng của một đơn vị do nhà nước quản lý? Có bao giờ bạn đi làm giấy tờ, đi khám bệnh viên công, hay đơn giản như là chạy xe ngoài đường v.v. mà bạn cảm thấy mình được phục vụ một cách chu đáo, hay là đường xá chất lượng tốt, thông thoáng, an toàn đúng như bạn mong muốn?

Các trường đại học, kể cả trường được xem là tốt như trường mà tôi đã học, thật sự chẳng có bất kỳ động lực gì để đáp ứng kỳ vọng của sinh viên cả (nhìn rộng ra thì không chỉ trường đại học mà cả thể chế xã hội hiện tại ở Việt Nam chẳng có bất kỳ động lực gì để mà đáp ứng kỳ vọng của mỗi cá nhân cả, nhưng chuyện này nói sau). Thậm chí nói không ngoa, các trường cũng không có động lực để nâng cao chất lượng giảng dạy. Người muốn làm sinh viên thì nhiều, mà trường đại học thì ít, thành ra cầu bao giờ cũng nhiều hơn cung. Nếu trường có tiếng một chút, thì khỏi phải lo đầu vào. Sinh viên vào trường rồi thì ít khi chuyển đi chỗ khác. Bọn sinh viên cũng toàn lũ ngây dại, có dạy dở thì chúng cũng chỉ có hai cách: bỏ học hoặc cắn răng mà học cho xong, cấm có phàn nàn.

Trường được xem là tốt chủ yếu là do hai lý do: sinh viên đầu vào tốt và những nỗ lực cá nhân của một số thầy cô. Vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng. Thầy tốt sẽ làm thay đổi khoa, khoa tốt làm thay đổi cả trường. Làm thế nào để có thầy giỏi? Lương bổng là một vấn đề lớn, một con voi trong phòng của giáo dục Việt Nam, thành ra chỉ còn có thể kỳ vọng vào những người thật sự yêu thích việc dạy học và có kiến thức ở mức chuyên gia về lĩnh vực mà họ muốn dạy. Nhưng tiếc thay tôi nghĩ những người như vậy chỉ là thiểu số.

Phần đông giảng viên đại học mà tôi được học rơi vào hai nhóm. Nhóm những thầy cô đã lớn tuổi và họ dạy đi dạy lại một hai môn trong suốt nhiều năm liền mà không có bất kỳ cải tiến gì về giáo trình. Rất ít người là chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực mà họ giảng dạy và xem tiểu sử của họ thì không có ai đã hoặc đang làm việc gì khác ngoài việc giảng dạy. Nhóm thứ hai là sinh viên mới ra trường, được giữ lại trường rồi đi dạy. Những người này có thật sự thích việc dạy học hay không đã là một dấu hỏi lớn (vì đa số ở lại trường vì muốn đi du học), nhưng rõ ràng trình độ của họ không đủ để dạy đại học, mặc dù có thể họ năng động hơn nhóm thứ nhất.

Như vậy chỉ còn hi vọng vào sinh viên đầu vào, nghĩa là sinh viên phải dựa vào chính mình. Phải tự đốt đuốc mà đi.

Xã hội chỉ phát triển khi mà những người đi trước vẫn trồng cây mặc dù họ biết là họ sẽ không bao giờ được hưởng bóng mát của chúng. Hãy nhìn vào xã hội của chúng ta và hãy hiểu rằng chuyện đó là cổ tích, ít nhất là trong những năm hiện tại. Có phải đã có ông nghị sĩ từng tuyên bố: cứ mượn nợ, con cháu sẽ trả! Khi chúng ta hiểu được rằng chẳng thể kỳ vọng gì vào nhà trường và xã hội thì việc tự mình phải vươn lên, phải tự cứu lấy mình, phải tự bảo vệ mình sẽ trở thành chuyện hiển nhiên, không cần phải suy nghĩ.

Phải dậy, phải đốt đuốt, phải đi thôi. Ngay bây giờ! Người ta đã đi xa và đang đi nhanh lắm rồi.

--

Đuốt thì đốt rồi, nhưng... đi đường nào bây giờ? Bài dài rồi, mai nói tiếp :-).

Comments

Nhutxomit said…
Rất cảm ơn anh vì những chia sẻ này ạ. Bản thân em thấy mình cũng không thể đổ lỗi cho xã hội để rồi lãng phí cuộc đời, tuổi trẻ của mình được. Rất nhiều lúc, em cũng không biết phải đi đường nào, rất bế tắc. Có khi nghĩ, hay cứ ra trường kiếm một công việc rồi sống ngày ngày thế thôi, nhưng cái "muốn" trong người mình nó lại làm mình day dứt.
Mong sớm được đọc bài Đi đường nào của anh.
Hương
Anonymous said…
Một nỗ lực phản tư thành thật, và một thao thức chân tình vì lợi lạc cho cả mình cùng người. Cầu chúc bạn ngày càng tinh tấn.--
Nguoixanh Tihon said…
This comment has been removed by the author.
Nguoixanh Tihon said…
Vậy là cho đến giờ anh vẫn chưa có bằng ĐH ạ ???
Anonymous said…
a nói đúng quá
Anonymous said…
a nói đúng quá
Unknown said…
Chào anh Thái.

Bài viết của anh có gì đó giống với hoàn cảnh và suy nghĩ của em quá. Hiện tại em đang làm đồ án và em quyết định không trả nợ các môn để ra trường. Em nghĩ thời gian, tiền bạc cho việc học lại em sẽ dành để tự học và trau dồi thêm kiến thức từ công việc hiện tại.

Hi vọng anh sẽ luôn có những bài viết hay về kỹ thuật và định hướng như thế này để các đàn em được học hỏi. Cảm ơn anh nhiều.

-hh
[R] said…
Đó là thực trạng của đại học,trên lớp thầy cô dạy khá chiếu lệ,kiến thức thì nhiều mà lí thuyết chay,em cố gắng hiểu bản chất nó qua việc thực hành code chứ không đọc chay slide thôi vì sẽ quên ngày sau vài ngày .Bản thân em là sinh viên năm 2 BK HCM,em cũng cố gắng học tốt các môn chuyên ngành trên lớp như Cấu trúc dữ liệu giải thuật,hệ điều hành,hệ cơ sở dữ liệu,em biết đó là nền tảng tốt cho tự nghiên cứu sau này.Ngoài ra em cũng đang tự luyện C,em tự định hướng cho bản thân bằng các bài viết trên mạng.Các bài viết của anh đã định hướng cho em rất nhiều :).Cám ơn vì bài viết của anh.
Tuyệt vời, anh Thái ơi!
Mong chờ bài viết tiếp theo của anh.
Unknown said…
Chào anh Thái,
Bài này anh viết hay quá, giống như tâm trang 10 năm trước. Cho em share bài này nhé. Cảm ơn anh
Chào anh Thái, đúng là những người học và làm về CNTT thì đôi khi luôn cảm thấy cái ghế nhà trường, ghế đại học sao mà thừa thãi. Nhưng để thành công, hoặc đơn giản chỉ cần biết rõ những gì những người học CNTT cần làm, phải làm thì môi trường đại học mang đến cho ta những gì cơ bản là không thể thiếu. Còn nếu đã học CNTT mà không biết tự đi, tự học thì có lẽ không nên học :D ; hơn nữa trong môi trường này những người tự đốt đuốc được mà đi như anh đâu có nhiều. Ở 1 khía cạnh nào đó thì anh đúng, còn ở 1 khía cạnh nào đó anh vẫn sai lầm. Cám ơn anh vì 1 bài viết rất chân thành
thanh bao said…
This comment has been removed by the author.
Unknown said…
cám ơn anh, bài viết rất tuyệt vời