Tự do và văn hóa

Cập nhật: tôi mới đọc được vài ý kiến về việc này ở đây. Tôi thấy ngạc nhiên ở hai chỗ: có người giận dữ vì bài báo của Trí Thức Trẻ và nhiều người làm báo ủng hộ chuyện phạt và đình bản tờ báo này. Nếu một người chẳng quen biết mình tự dưng chửi mình ngu, kết luận của tôi là người đó không bình thường, chẳng đáng bận tâm. Mà có phải chửi mình đâu, tự dưng mình gắn mình với cái identity đó làm gì cho mệt? Còn hoan hô người ta "xử luật rừng" với đồng nghiệp của mình thì chẳng khác nào tự mình tuyên bố "mai mốt ông xử tôi vậy cũng được".

Sau khi phạt 207 triệu đồng và đình bản tờ Trí Thức Trẻ vì dám đăng bài chê gái miền Tây "gây mất đoàn kết dân tộc", trên đà chiến thắng tôi đề nghị Bộ 4T nên phạt và đình bản tất cả các tờ báo đã dám chê ỏng chê eo đàn ông Việt. Tính ra thì mấy bài viết này còn gây chia rẽ dân tộc hơn cả bài báo của tờ Trí Thức Trẻ, vì chắc chắn đàn ông Việt nhiều hơn gái miền Tây rồi. Riêng cá nhân tôi thì tôi sẽ đi tìm một một việc làm mới - tôi không thể làm việc cho một công ty nghĩ rằng đàn ông Việt, trong đó có tôi, quá tệ!


Nghiêm túc mà nói thì bài báo của Trí Thức Trẻ là một trò đùa ngu ngốc và không đáng để bàn đến. Ý tưởng của nó quá ấu trĩ đến nỗi tôi chẳng thấy có chút xíu hứng thú nào để phản bác. Nhưng việc người ta xử lý nó làm cho câu chuyện trở nên thú vị. Có thể xếp bài báo của Trí Thức Trẻ vào dạng hate speech, nghĩa là những phát biểu dựa vào chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc, xu hướng tình dục, v.v. để kích động sự thù hận hay ghét bỏ dành cho một người hay một nhóm người. Tôi không nghĩ đây là mục tiêu của người viết bài, họ chỉ muốn tạo mâu thuẫn để thu hút độc giả dễ dãi, nhưng đây là chỗ duy nhất có thể phạm luật của người viết bài. Muốn luận tội thì phải ra tòa, thành ra tôi rất ngạc nhiên khi Bộ 4T lại có quyền đóng cửa và phạt một tờ báo, mà không cần phải thông qua bất kỳ tòa án nào cả. Liệu VCCorp, công ty chủ quản của tờ Trí Thức Trẻ, có kiện Bộ 4T ra tòa? Tôi nghĩ đó sẽ là một vụ kiện thú vị mà tôi sẽ theo đuổi nếu tôi là người đứng đầu VCCorp. Tôi muốn biết cơ sở pháp lý nào mà Bộ 4T có quyền đình bản một tờ báo, luật đó có vi hiến hay không; tôi muốn hiểu người ta định nghĩa thế nào là gây mất đoàn kết dân tộc và chứng minh rằng bài báo của Trí Thức Trẻ đã gây ra điều đó với những tác hại cụ thể.

Luật các nước quy định về hate speech rất khác nhau. Nhiều nước dân chủ và có tự do ngôn luận có luật hình sự về hate speech, vì người ta e ngại bạo lực có thể phát sinh nếu bị kích động không giới hạn. Nhưng xử lý hate speech phải ra tòa, phải mở hiến pháp ra xem, nếu không sẽ dễ dẫn đến cản trở quyền tự do ngôn luận của người dân, khiến cho người ta tự kiểm duyệt và từ đó làm cho xã hội không còn dân chủ nữa, thành ra người ta rất cẩn thận, chứ không xử lý nhanh như nước mình. Luật của Mỹ không xử phạt hate speech, trừ khi phát biểu đó tạo ra nguy hiểm tức thời. Nghĩa là luật nhấn mạnh đến hậu quả của bài phát biểu, chứ không phải nội dung của nó. Bản thân tôi ủng hộ cách làm này, vì nó cho mỗi người một cơ hội để tự mình suy nghĩ và đánh giá về những gì đã tiếp nhận.

Tôi không rõ luật Việt Nam quy định về hate speech như thế nào, nhưng tôi thấy chính quyền, báo chí, truyền hình và ngay cả trong sách giáo khoa có nhiều hate speech còn nặng nề hơn. Ví dụ như người ta gọi những người đi lính cho chính quyền Sài Gòn cũ là ngụy quân. Đây là gì nếu không phải là chia rẽ dân tộc, khi mà nhiều người dân Việt Nam rơi vào nhóm này? Chính quyền có thể khác nhau, ý thức hệ có thể khác nhau, nhưng người mang thân đi giúp nước vào thời nào cũng cao cả, cũng là anh hùng, không thể là giả được. Thành ra nhân tiện xử báo Trí Thức Trẻ, hay là chúng ta xử luôn tất cả trường hợp gây mất đoàn kết dân tộc như thế này?

--

Một học giả người Mỹ từng nói rằng vấn đề lớn nhất của việc đấu tranh cho quyền con người là người ta phải dành phần lớn thời gian để bảo vệ quyền của bọn vô lại [1]. Bởi dẫu sao đi chăng nữa thì họ vẫn là con người. Khi cảnh sát Mỹ bắt sống được một trong hai thủ phạm của vụ đánh bom cuộc đua marathon ở Boston cách đây hơn năm ngoái, điều đầu tiên mà người Mỹ tranh luận là liệu anh này có được nhắc nhớ về quyền Miranda - quyền được im lặng, không phải trả lời thẩm vấn của cảnh sát và có luật sư riêng bảo vệ quyền lợi ngay từ khi bị bắt. Quyền Miranda có nguồn gốc từ Tu Chính Án Số Năm trong Bộ Luật về Quyền Con Người của Hiến Pháp Mỹ. Nhiều người Mỹ hiểu rằng nếu lúc đó họ không bảo vệ quyền của nghi phạm, dẫu người đó có thể đã phạm tội tày trời, thì một ngày nào đó sẽ chẳng có ai bảo vệ quyền của chính họ, khi họ phải một mình đối mặt với cảnh sát và bộ máy chuyên chính.

Tôi chẳng ưa gì mấy tờ báo lá cải và cái đám phóng viên chuyên ngồi bịa chuyện giật gân éo le rẻ tiền. Cả đám bọn chúng chẳng đem lại lợi ích gì cho xã hội; chúng chỉ tạo ra rác và rác và rác, đọc vào thêm dơ cái đầu của mình. Nhưng tôi nghĩ ai cũng có quyền nói và báo chí có quyền tự do xuất bản những gì họ muốn; chuyện yêu hay ghét báo lá cải không thể làm thay đổi cái quyền tự nhiên này. Tôi ghét báo lá cải thì tôi không đọc chúng, nhưng tôi vẫn ủng hộ và phải lên tiếng để bảo vệ quyền tự do xuất bản của họ, nhất là khi họ đang bị đàn áp như bây giờ. Sẽ thật vô nghĩa nếu chúng ta chỉ bảo vệ quyền tự do của những người hay những tổ chức có ý kiến giống với mình. Sức mạnh và lợi ích của quyền tự do ngôn luận chỉ trở nên hiện hữu khi chúng ta ra sức bảo vệ những người có ý kiến hoàn toàn trái ngược.

Tôi muốn những tờ báo như Trí Thức Trẻ sập tiệm, nhưng không phải là bị chính quyền đóng cửa, mà tôi sẽ ráng thuyết phục những người khác không đọc chúng nữa. Nếu tôi thành công, mấy tờ báo lá cải sẽ chết một cách tự nhiên. Tôi sẽ không bao giờ thành công, bởi trong bất kỳ xã hội nào cũng có nhiều người có nhu cầu tìm đọc những thứ mà báo lá cải viết, nhưng đây chính là mấu chốt của vấn đề. Ai cũng có quyền tự do quyết định mình sẽ đọc cái gì và suy nghĩ về cái gì. Không ai có quyền áp đặt người khác phải làm theo cách họ nghĩ là đúng. Không ai có quyền áp đặt cả xã hội nên và không nên đọc cái gì. Mỗi người trưởng thành sẽ tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của họ. Chừng nào báo lá cải còn có ích cho nhiều người thì chừng đó chúng vẫn sống tốt.

Ở nước mình người ta hay nói đến tình trạng thờ ơ, lãnh cảm, vô cảm với tình hình đất nước hay thực trạng xã hội. Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa là xã hội không bảo vệ những người dám đưa ra những ý kiến trái chiều, dám nói lên những điều mà nhiều người sẽ không đồng ý. Nguồn gốc phát triển của xã hội đến từ sự tự do thể hiện của mỗi cá nhân và nhiều người chỉ bắt đầu nghĩ khác đi và lên tiếng khi biết rằng họ sẽ an toàn, dẫu ý kiến của họ có ngông cuồng, có điên khùng đến cỡ nào đi chăng nữa. Một bài báo dẫu ngu ngốc nhưng vô hại mà vẫn bị trừng phạt nặng nề như vậy thì thử hỏi có ai còn dám nói một cái gì đó thông minh, đáng suy nghĩ, nhưng trái ngược với ý chí của chính quyền và đám đông?

Cách đây mấy hôm tôi có nghe đài được một câu chuyện khá thú vị. Henry DeGroot là một học sinh trung học người Mỹ. Học kỳ vừa rồi Henry sang Trung Quốc du học, theo một chương trình trao đổi học sinh. Trong một lần đi giao lưu với các học sinh Trung Quốc, trước khi ra về thì một cậu học sinh Trung Quốc kêu Henry viết lưu bút bằng tiếng Anh. Thế là cậu ấy viết thế này: "Don't believe the lies your school and government tell you. Democracy is for cool kids. It's right to rebel". Không hiểu sao nhà trường phát hiện ra chuyện này, nên họ khiển trách và phạt Henry. Khi về lại Mỹ thì trường Henry đang theo học cũng trách rằng cậu ấy đã không tôn trọng người Trung Quốc và những gì cậu ấy viết đã làm tổn hại chương trình trao đổi học sinh. Điều làm tôi thấy thích thú là thái độ của Henry. Khi trả lời phỏng vấn Henry nói rằng cậu ấy không thấy hối hận vì chuyện này, bởi lẽ cậu ấy thật sự tin vào những gì mình nói và viết. "I don't believe the [US] school should be supporting a policy of suppressing free speech". Khi được yêu cầu viết thư xin lỗi, Henry viết thế này: "[...] in my culture, individualism and criticism are important and that we don't believe that any idea should be too taboo to talk about". Năm nay Henry 18 tuổi.

Ở chỗ tôi làm người ta có tổ chức một ngày hội văn hóa để nhân viên các nước có thể trưng bày, trình diễn, v.v. về văn hóa của nước mình và họ có hỏi xem hội người Việt Nam có muốn tham gia hay không. Chuyện này làm tôi suy nghĩ về văn hóa nói chung và văn hóa của người Việt Nam mình nói riêng. Tôi thấy văn hóa là một khái niệm rất rộng, nhưng mà tựu trung lại tôi thấy nội dung quan trọng nhất của một nền văn hóa là những cách cư xử, những giá trị được phần lớn người dân trong xã hội chấp nhận và quan trọng hơn hết là được họ bảo vệ. Như Henry đã nói ở trên, trong cái nền văn hóa [nước Mỹ] mà cậu sinh ra và lớn lên sự tự do cá nhân và tư duy phê phán rất quan trọng.

Người Mỹ tôn trọng và bảo vệ tiếng nói của mỗi cá nhân, bởi vì họ biết rằng xã hội muốn phát triển thì phải chào đón những ý kiến tư tưởng mới, dẫu chúng có trái chiều, đi ngược lại với hiểu biết hay những chuẩn mực hiện tại đến đâu. Hiền tài là nguyên khí quốc gia và đóng góp quan trọng nhất của những cá nhân xuất chúng chính là những phát kiến, những ý tưởng mới của họ. Nếu người dân không được nói, hay ai nói sẽ bị bắt, bị bỏ tù, bị làm hại, mất hết tất cả, thì còn ai dám nói gì nữa? Thậm chí người ta còn không dám nghĩ, chứ đừng nói là mở miệng ra! Khi mà cả xã hội còn rất ít người dám suy nghĩ và dám lên tiếng thì xã hội đó sẽ trở nên thế nào? Những vị khai quốc công thần nước Mỹ hiểu rõ điều này, thành ra hiến pháp của nước này bảo vệ quyền tự do thể hiện, tự do ngôn luận của người dân.

Quay trở lại với văn hóa của Việt Nam. Người Việt Nam mình không tôn trọng tự do cá nhân của người khác và cũng chẳng buồn quan tâm đến tự do cá nhân của chính bản thân mình. Tôi nghĩ không thể có bạn học sinh Việt Nam 18 tuổi nào có thể phát biểu và hành động như Henry DeGroot. Đơn giản vì chúng ta chưa từng được dạy dỗ như thế. Trường học dạy cho chúng ta biết tự kiểm duyệt, biết cái gì không nên nói, biết ghê sợ những người nói những điều ngược với những gì chúng ta được nhồi nhét, chứ không phải cách suy nghĩ để tự đánh giá những ý kiến trái chiều đó. Ở Việt Nam tự do rất phản động. Ai dám suy nghĩ và hành động trái với chính quyền không những sẽ bị chính quyền đàn áp, mà còn bị phần lớn xã hội tẩy chay, xa lánh. Thử đọc thư của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn xin ra khỏi Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập:
Tuy nhiên, thật không ngờ, sau khi ghi tên vào danh sách Ban Vận động, tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực từ các tổ chức, cơ quan, gia đình và bè bạn như thể tôi đang tham gia vào một tổ chức phản động, đối lập thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa. Gia đình lo lắng, bạn bè bị tổn thương, các đối tác không tiếp tục hợp đồng… khiến tôi chưa tham gia được việc gì với Văn đoàn  mà cuộc sống đã gặp nhiều đe doạ, cuộc sống gia đình đã chịu nhiều ảnh hưởng. 
[...] 
Tôi nghĩ rằng việc ghi tên vào danh sách Ban vận động cũng chỉ là một cách tỏ thái độ ủng hộ việc này, chứ tôi chưa hề có một đóng góp cụ thể nào cho công việc của Ban vận động. Không làm được gì cho Văn đoàn mà lại làm cho những người thân bạn bè và xã hội lo lắng, hồ nghi và xa lánh. Mặt khác, cũng đã có nhiều anh chị em tâm huyết và có vai trò tích cực hơn tôi đã xin rút tên do nhiều lý do khác nhau.
Tôi không biết nguyên nhân ở đâu. Có phải vì chúng ta bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt lâu ngày dài tháng, sống không có tự do quá lâu nên riết rồi chúng ta sợ tự do và những con người tự do? Hay là vì văn hóa Việt Nam chưa bao giờ tôn trọng và bảo vệ tự do? Hay là có một nguyên nhân sâu xa nào khác? Dẫu sao đi chăng nữa thì thực trạng này cần phải thay đổi, nếu chúng ta thật sự muốn dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúng ta phải xây dựng một nền văn hóa tối đa hóa cơ hội nhận ra rằng chúng ta đang sai, một văn hóa cảm ơn và tưởng thưởng cho những người phát hiện ra rằng chúng ta đã sai. Nếu chúng ta chỉ lắng nghe những ai nói đúng ý với mình thì không có cách nào phát hiện ra sai lầm cả. Thành ra cần phải chào đón những ý kiến tư tưởng mới, dẫu chúng là trái chiều, nghịch ý. Nhưng không phải ai nói gì chúng ta cũng tiếp thu; mà chúng ta cần tư duy phê phán để loại bỏ những ý kiến, tư tưởng dở ẹc. Mỗi người phải biết chọn lọc nên suy nghĩ và bàn luận về chuyện gì. Ý kiến mới sẽ được chào đón, nhưng ai cũng có quyền mổ xẻ, bàn luận, đánh giá, phê bình chúng. Rất ít người thấy thích thú khi bị người khác chỉ ra rằng họ đã sai, nhưng một trong những mục tiêu chính của một thể chế dân chủ là làm gia tăng cơ hội nhận ra rằng chúng ta đang sai, để có thể sửa sai kịp thời.

Tạo dựng được một nền văn hóa như thế không phải là chuyện một sớm một chiều và sự thật tôi cũng không biết được nên làm những việc cụ thể gì. Điều mà tôi biết là mọi thứ phải bắt đầu từ những người như tôi và bạn. Những người vô danh, hoàn toàn bình thường như chúng ta chính là hạt nhân của công cuộc thay đổi này, bởi lẽ văn hóa của một cộng đồng là gì nếu không phải là cách hành xử của một người vô danh trong cộng đồng đó. Nhìn vào cách cư xử của một người Nhật bất kỳ chúng ta có thể nhận ra văn hóa của họ. Chúng ta phải sống như những con người tự do nếu muốn xây dựng một nền văn hóa yêu tự do. Không có lựa chọn nào khác cả.

[1] Nguyên văn của H. L. Mencken: “The trouble with fighting for human freedom is that one spends most of one’s time defending scoundrels. For it is against scoundrels that oppressive laws are first aimed, and oppression must be stopped at the beginning if it is to be stopped at all.”

Comments

Anonymous said…
Great article!

Đọc bài viết của bạn mình chợt nhớ tới câu này, ko rõ của ai: "Tôi không đồng ý với những điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh."

Mỹ và VN khác nhau nhiều quá!
Anonymous said…
Không hay mà là quá tuyệt vời. Tầm hiểu biết của anh chủ Topic rất sâu và chuẩn
Hịwjd said…
Hình như anh sai chỗ này, theo em nhớ là công văn của bộ 4T là Trí Thức Trẻ vi phạm nghiêm trọng luật báo chí chứ không nói về hate speech, mà khái niệm luật báo chí thì cũng rất phiêu, mấy cha muốn định nghĩa thế nào thì không ai hiểu được.
Người ta có câu ngu dân thì dễ trị, dân có tinh thần phản biện thì trị sao nổi? Do đó ngay từ trong sách giáo khoa đã luôn áp đặt tư tưởng, quan điểm cho học sinh. Tác hại việc này rất lớn, không chỉ là áp đặt về tư tưởng chính trị cho thế hệ trẻ mà vô tình chung gây nên lối sống, cách học, cách suy nghĩ một cách máy móc, bị người khác áp đặt mà không hề có sự suy nghĩ theo chiều hướng khác, nhiều chiều. Cùng với tư tưởng phong kiến còn khá nặng nề thì với cách làm này đã hình thành nên một thế hệ không hề biết phản biện và tranh luận là gì, cứ kiểu này thì VN chỉ mãi đi học công nghệ nước khác mà chẳng sáng tạo gì cho mình, thật là một chính sách nhỏ mà tác hại lớn vô cùng...
ringtonehindi said…
Sáng tao qua từng nét chữ của bài viết ??
Key : vinaphone khuyen mai - nap tien dien thoai - nap the zing - khuyen mai vinaphone