Thư ngỏ thứ hai gửi Quốc hội về Dự thảo Luật An Ninh Mạng

Kính thưa Quốc hội,

Cách đây 10 ngày, thông qua báo chí và mạng xã hội, với tư cách một chuyên gia an ninh mạng, tôi đã gửi đến Quốc hội một lá thư ngỏ, đề nghị không thông qua Dự thảo Luật An Ninh Mạng và đề xuất những điều chỉnh cụ thể giúp kiện toàn an ninh mạng quốc gia và đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế và tự do của người dân. Lá thư của tôi đã lan truyền nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói rằng lá thư đã giúp ông có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Dẫu vậy chỉ trong vài giờ nữa Quốc hội, nhiều khả năng, sẽ vẫn bỏ phiếu thông qua Dự thảo Luật. Tôi viết lá thư thứ hai này, với tâm thức của một người con xa nhà nhưng không lúc nào thôi trăn trở, mong muốn đất mẹ Việt Nam giàu có, thịnh vượng. Tôi xin kể những câu chuyện, những suy tư về mối liên hệ giữa tự do, phát triển và công nghệ, chỉ với hi vọng Quốc hội sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của tự do trên Internet và từ đó hoãn thông qua Dự thảo Luật.

Kính thưa Quốc hội,

Tôi may mắn thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam lớn lên trên Internet. Nếu không có Internet có lẽ đến giờ này tôi vẫn chưa biết cách học và suy nghĩ. Nhà trường chưa bao giờ dạy tôi cách đặt câu hỏi mà chỉ muốn tôi biết nghe lời. Bao nhiêu năm đi học, tôi chưa bao giờ được nghe nói đến tư duy phản biện (critical thinking). Tôi được dạy cách tự kiểm duyệt, biết cái gì không nên nói, biết ghê sợ những ai nói ngược với sách giáo khoa, nhưng tôi chưa bao giờ được dạy cách suy nghĩ như một con người có tư duy độc lập. Tôi không trách thầy cô. Dù nhận đồng lương ít ỏi, nhưng họ luôn tận tụy với công việc và thương học trò. Xét cho cùng họ cũng là nạn nhân.

Những gì tôi không học được ở trường, tôi đã học được từ Internet. Nhờ Internet tôi kết nối với các thế hệ đi trước, đọc những gì họ viết, nghe những gì họ đã nói. Họ thay trường lớp dạy tôi không mù quáng tin tưởng bất kỳ ai, dẫu họ có quyền lực như thế nào, mà phải tự đánh giá và rút ra kết luận cho riêng mình. Nhờ Internet tôi biết được những sự kiện lịch sử mà sách giáo khoa không hề nhắc đến. Nhờ Internet tôi bắt đầu biết suy nghĩ, biết cách nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau và vẫn luôn giữ một tư duy cởi mở để đánh giá và lĩnh hội thông tin mới. Giáo sư Hoàng Tụy, người đã dành cả đời suy nghĩ về giáo dục Việt Nam, nói rằng giáo dục Việt Nam chỉ muốn biến người dân thành công cụ chính trị. Như vậy, nhờ Internet, tôi đã “tự chuyển biến” từ một công cụ chính trị thành một con người tự do và nhờ đó có cơ hội đi cùng thế giới.

Tôi làm việc ở Silicon Valley. Các công ty ở đây cạnh tranh với nhau rất dữ dội, mà cạnh tranh lớn nhất là thu hút tài năng. Qua bao nhiêu năm phát triển ai cũng hiểu rằng tài sản lớn nhất của các công ty, quyết định thành bại hôm nay và mai sau, chính là nhân viên. Các công ty sẽ nhanh chóng phá sản nếu không còn thu hút được nhân tài. Tương tự như vậy, hiền tài là nguyên khí quốc gia, như người xưa đã nói. Nhưng hiền tài là gì nếu không phải là những người có ý kiến mới, có những ý tưởng có thể tạo ra thay đổi đột phá? Khó có thể sáng tạo nếu không có tự do, độc lập trong suy nghĩ. Một quốc gia có quá ít người có thể sáng tạo là một quốc gia yếu và không thể tự đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ.

Internet không phải là liều thuốc tiên, có thể giúp chữa khỏi căn bệnh của giáo dục Việt Nam (muốn như vậy, chính phủ phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Ngô Bảo Châu và giáo sư Ngô Quang Hưng), nhưng nếu Internet có thể giúp được tôi, tôi tin rằng Internet cũng sẽ giúp được nhiều thanh niên Việt Nam khác. Với dân số đứng thứ 15 thế giới và người dân trẻ, năng động thuộc hàng nhất nhì thế giới, vị trí của Việt Nam không phải là một nước ở thế giới thứ ba, mà phải thuộc nhóm các nước phát triển nhất. Cái chúng ta thiếu là một bộ máy biến người dân thành nhân tài. Trong khi chờ Bộ Giáo Dục làm đúng chức năng này, chúng ta cần Internet tự do để thanh niên có thể tự học cách học, cách suy nghĩ độc lập từ những người đi trước.

Người ta hay nói do dân trí còn thấp nên Việt Nam không thể làm việc này việc kia, theo “tự do dân chủ kiểu phương Tây". Tôi không biết cách chi để đo lường dân trí quốc gia, nhưng dân trí là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu dân trí thấp, Nhà nước phải làm mọi cách để tăng cường dân trí và càng không thể cản trở tự do thông tin trên Internet, vốn là cánh cửa giúp cho người dân tiếp cận với nguồn kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

Cũng có người nói vì dân trí thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả, do đó cần phải kiểm duyệt Internet. Tôi nghĩ ngược lại. Dân trí càng thấp thì càng phải mở cửa Internet, vì Internet giúp cho người dân thấy được góc nhìn đa chiều. Mới ban đầu, người dân có thể choáng ngợp vì chưa quen xử lý thông tin nhiều chiều, nhưng tôi tin rằng rồi ai cũng sẽ đủ thông minh để tự mình phân định đúng sai. Sống trong một xã hội đa chiều, dẫu là xã hội trên Internet, sẽ khiến người ta nhanh chóng tập được thói quen suy nghĩ độc lập và từ đó kích thích sự sáng tạo.

Kính thưa Quốc hội,

Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của thông tin và không có ngành công nghiệp nào sinh lợi nhiều như công nghệ thông tin. Kinh doanh công nghệ thông tin không khác chi là in tiền. Apple và Samsung có doanh thu còn lớn hơn GDP của cả Việt Nam. Các công ty công nghệ Việt Nam chưa thể vươn ra thế giới và Dự thảo Luật An Ninh Mạng sẽ làm cho ước mơ đó càng xa vời hơn. Khách hàng phương Tây hoặc những ai quan tâm đến quyền riêng tư và tự do ngôn luận sẽ không muốn sử dụng dịch vụ của các công ty Việt Nam, tương tự như việc đa số lo ngại và không muốn sử dụng dịch vụ của các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có thể không cần thị trường phương Tây, nhưng Việt Nam không có thị trường nội địa lớn như Trung Quốc.

Từ vài năm nay, các bạn sinh viên đang học ở các trường đại học Việt Nam bắt đầu sang Silicon Valley làm thực tập sinh. Thực tập 3 tháng đã lãnh lương 600-700 triệu. Nếu được nhận làm nhân viên chính thức, thu nhập khởi điểm không ít hơn 100 nghìn USD, tức là đi làm chỉ một năm một bạn sinh viên mới ra trường đã thành tỉ phú Việt Nam và có thể bắt đầu gửi kiều hối về giúp đỡ gia đình và kiến thiết đất nước. Nhưng những công việc tốt như vầy không chỉ sinh viên Việt Nam muốn có, mà sinh viên Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc đều thèm khát. Nếu Internet bị ngăn chặn, nếu tự do thông tin luôn trong tình trạng bị đe dọa, sinh viên Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với sinh viên các nước khác và quốc gia lại mất đi một nguồn nguyên khí.

Kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam nổi tiếng nhất thế giới có lẽ là anh Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird. Nếu không có Internet, làm sao, chỉ qua một đêm, một thanh niên đến từ một quốc gia nghèo nàn lạc hậu lại có thể khiến cả thế giới phải say mê? Internet và công nghệ thông tin, do đó, là cơ hội đổi đời, tạo ảnh hưởng lên thế giới của thanh niên Việt Nam và cũng là cơ hội thay đổi vận mệnh dân tộc. Kiểm duyệt, cản trở tự do Internet là cách nhanh nhất để quay lưng lại với cơ hội này.

Rất nhiều lần các quan chức chính phủ Việt Nam phát biểu họ muốn biến Sài Gòn hay Bình Dương thành một Silicon Valley thứ hai. Đây là một ước muốn đầy tham vọng, nhưng khó thành hiện thực. Nền tảng của Silicon Valley là sự tự do sáng tạo. Có tự do như các nước châu Âu còn không mở được Silicon Valley, không có tự do thì sao mà làm được.

Kính thưa Quốc hội,

Đất nước đang ở trong những thời khắc lịch sử.

Hình ảnh đoàn người biểu tình trước Dinh Thống Nhất vào buổi sáng ngày 10/6/2018 khiến tôi không thể không liên tưởng đến hình ảnh hai chiếc xe tăng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30/4/1975. Sự kiện 30/4/1975 đã được đưa vào sách giáo khoa, ai lớn lên ở Việt Nam đều đã từng phải học thuộc lòng. Nhưng liệu con cháu chúng ta sẽ học về sự kiện ngày 10/6/2018 trong sách giáo khoa hay là phải vượt tường lửa để đọc trên Wikipedia? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này nhưng hai lựa chọn là hai con đường rất khác nhau mà Việt Nam sẽ đi. Con đường thứ nhất đi cùng thế giới, con đường thứ hai không biết sẽ dẫn về đâu.

Tôi chỉ biết rằng thế giới đang đi rất nhanh, sẽ không chờ để Việt Nam quay lại “đổi mới" thêm một lần nữa.

Sunnyvale, 12/6/2018
Dương Ngọc Thái.

Comments

Vu Le said…
Rất tâm huyết a Thái ơi

Suốt ngày ra rả CM 4.0, cái luật này mà thông qua chắc quay lại 1.0 quá

Đúng là nói 1 đằng làm 1 nẻo
Unknown said…
Người dân biết nhiều , hiểu rộng, có cơ hội học hỏi văn minh thế giới là tốt cho quốc gia, chúng ta đã chậm chân quá rồi, không thể chậm hơn nữa.
Unknown said…
Cảm ơn anh, anh đã cố gắng hết sức rồi
Tung said…
12/6/2018 Luật vẫn được thông qua anh ạ...
Anonymous said…
Anh đã viết tiếp lá thư thứ 2 nhưng chuyện đã rồi anh ơi, bản thân em sẽ cố gắng có thể tư duy độc lập, biết đặt câu hỏi không bao giờ coi thứ gì là hiển nhiên. E cảm ơn anh, người con của Việt nam <3
Huy said…
Tôi từ lâu rồi chẳng trong chờ vào quốc hội.
Họ chỉ như 1 lũ người ăn không ngồi rồi và chẳng giúp ích gì được lắm cho dân. (Xét đến như giai đoạn hiện nay)

Dù sao cám on Thái đã dốc tâm huyết và muốn đất nước ngày càng đi lên.
koreadinh said…
Chiếc xe cồng kềnh lạc hậu, rệu rã đang lao xuống dốc, thì không có phép màu nào chặn lại được
jack20 said…
Quá hay a Thái, trân trọng a.
Anonymous said…
Được thông qua rồi 😥
Unknown said…
Ủng hộ anh Thái. Chúc anh có nhiều sức khỏe và thành công :)
Unknown said…
Toàn những ô ngu dốt về internet nhưng lại ban hành luật
Kdrama-Lover said…
Cám ơn những điều anh chia sẽ, rất tiếc là luật đã được thông qua.
Unknown said…
Sự tăm tối đang dần phủ nên thế giới internet tại Việt Nam ta. Dự thảo luật đã được đóng dấu và cuộc chiến không hồi kết của những người đam mê học hỏi, tìm tòi sắp bắt đầu vào ngày 01/01/2019.

- Những con người nhỏ bé như chúng ta không thể chống lại chính sách của những người cầm quyền.

Mong anh có nhiều chia sẻ hơn về vấn đề này.
Unknown said…
Cảm ơn anh Thái. Xin đừng bỏ rơi chúng tôi ở VN!
nodeviet said…
Vẫn đọc blog của anh từ những bài security. Ủng hộ anh Open source - Open Internet!
Unknown said…
Thank you for your words anh, great insights worth spreading!
- Tu Nguyen
tinyKomodo said…
This comment has been removed by the author.
tinyKomodo said…
Cá nhân mình cho là nhà cầm quyền nhận thấy nguy cơ từ những thông tin public/sharing trên face, ví dụ ngay như đợt biểu tình vừa rồi. Đây có thể là lý do chính của việc làm luật và thông qua nhanh chóng như vậy.
Bảo vệ thể chế là ưu tiên cao nhất của ĐCS. Cái gì mà dân trí văn minh còn xếp hàng xa lắm, ngoài tầm nhìn chế độ.
Unknown said…
Bài viết rất hay nhưng đáng tiếc nó chỉ dành cho những ai có ý chí tự doc và ko bị nhồi sọ ko vị kỷ chủ nghĩa bản thân và có trình độ nhận thức...ĐBQH ko đại diện cho dân nhân mà chỉ đại diện cho các nhân họ cùng vị trí và lợi ích từ đảng mà họ đang có.
Unknown said…
Anh viết hay quá ạ.
Em là 1 kỹ sư IT ở VN, em xin hỏi anh là chính sách của Google có sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân của nguời dùng cho một bên thứ ba nào không
RacTun said…
Tôi nghĩ Quốc Hội, chỉ khoảng không tới 1% người có thể hiểu được bước thư về an ninh mạng của Thái.

Nên gửi tới quốc hội thật vô ích.

Có thể viết vắn tắt và bằng cách khác hiệu quả hơn.
Unknown said…
Many thanks for anh Thai's voice even though (I always know that ) they -Vietnamese Gov.- never listen the true and "real-time" advice from their outside world .
Công nghệ 4.0: 0 nghe - 0 nói - 0 thấy - 0 biết
Tientran said…
Lại thêm luật này. Bao giờ mới hết u mê?
Anonymous said…
Cảm ơn anh, sao những người có tài tâm huyết thế nhỉ? Vậy mà Việt Nam vẫn đang bị chìm đắm bởi một đống logic của những kẻ bất tài :D
RacTun said…
"Đàn khảy tai trâu"
Yêu Nước said…
Em ko hiểu đoạn này:
Ko rõ a Thái đã đọc hết luật An ninh mạng chưa? Em ko thấy có điểm nào là chặn Internet mà khiến cho Sinh viên Việt Nam ko tiếp cận được tri thức và tài nguyên trên Internet cả. Em thấy có vẻ anh đang nhận định hơi tiêu cực.
"Nhưng những công việc tốt như vầy không chỉ sinh viên Việt Nam muốn có, mà sinh viên Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc đều thèm khát. Nếu Internet bị ngăn chặn, nếu tự do thông tin luôn trong tình trạng bị đe dọa, sinh viên Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với sinh viên các nước khác và quốc gia lại mất đi một nguồn nguyên khí."
Thai Duong said…
Yêu nước: giả sử Facebook hay Google không tuân thủ yêu cầu của luật an ninh mạng và chính phủ sẽ chặn các dịch vụ của hai hãng này. Hoặc giả như chính phủ yêu cầu Wikipedia phải xóa bài. Họ không đồng ý, thế là chặn.

Lúc đó có phải là không tiếp cận được tri thức và tài nguyên trên Internet hay không?
RainConverse said…
Chính phủ ra thông qua luật này ko chỉ có mình anh phải lo âu, nhưng anh xóa comment thì cũng có khác chi họ.
Thai Duong said…
RainConverse: tôi chưa bao giờ xóa comment có nội dung đàng hoàng, trừ khi là comment spam quảng cáo. Nếu bạn viết gì đó mà không thấy xuất hiện, có lẽ trong lúc duyệt comment tôi đã xóa nhầm. Vui lòng viết lại nhé.
Thai Duong said…
Quy định comment ở blog này khá đơn giản: comment vô bài cũ sẽ phải được duyệt rồi mới cho gửi lên, comment vô bài mới thì không.

Tôi đặt ra quy định này vì có quá nhiều spam.