Luật An ninh mạng: chỗ nào bảo vệ riêng tư cho người dân?

Theo VnExpress, trong cuộc họp báo ngày 3/11/2018, thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an đã nói :

[...] có 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc.

Ngày 25/5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu.

Về con số 18 quốc gia tôi đã phân tích trong bài về dự thảo 03/10/2018, chỉ nhắc lại ở đây là ông Quang nhắc đến "dữ liệu quan trọng" nên chắc ông cũng đã tìm hiểu để thấy rằng Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế, còn Canada chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công như trường học công, bệnh viện công hay cơ quan nhà nước (nguồn). Giả sử như người Mỹ hay người Canda sử dụng Zalo, chính phủ Mỹ và chính phủ Canada không yêu cầu Zalo phải lưu dữ liệu ở Mỹ hay Canada. Do đó tôi thấy thật khó hiểu khi ông Quang đem hai quốc gia này ra làm ví dụ.

Đến khi ông Quang nhắc đến General Data Protection Regulation (GDPR) của Châu Âu tôi chuyển từ khó hiểu sang khó ở. GDPR không giống gì với Luật An ninh mạng Việt Nam, đặt hai bộ Luật này vào cùng một câu giống như ăn hủ tíu mà cho mắm tôm.

Thứ nhất, luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải lưu dữ liệu ở Việt Nam, nhưng GDPR không bắt buộc phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, miễn sao dữ liệu được lưu ở một quốc gia đạt tiêu chuẩn an toàn dữ liệu.

Hiện tại có 13 quốc gia nằm trong danh sách này, trong đó có Mỹ, nếu bên nhận dữ liệu đảm bảo được tiêu chuẩn Privacy Shield. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Facebook, Google, Microsoft, v.v. đều đạt chuẩn Privacy Shield. Tóm lại, Châu Âu không yêu cầu các công ty này phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, mà họ có thể lưu ở Mỹ hoặc ở các nước khác đạt chuẩn. Ở Việt Nam đến cái bồn cầu còn theo tiêu chuẩn Châu Âu, vậy mà Luật An ninh mạng lại không theo.

Thứ hai, GDPR không có bất kỳ điều luật nào yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu của người dân Châu Âu cho Nghị viện Châu Âu hay chính phủ các nước thành viên, vì bảo vệ riêng tư của người dân, trước tiên, là không chuyển dữ liệu cho chính phủ, nếu không có lệnh của tòa án.

Trách nhiệm của chính phủ là giúp người dân bảo vệ dữ liệu, nhưng dữ liệu vẫn thuộc sở hữu của người dân, chứ chính phủ không có quyền tự ý quốc hữu hóa dữ liệu của dân chúng. Trong khi GDPR yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dân Châu Âu và cung cấp công cụ để người dân kiểm soát dữ liệu của chính họ, Luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu cho Bộ Công an, mà không có sự kiểm soát của tòa án hay bất kỳ thể chế độc lập nào.

Thứ ba, Luật An ninh mạng và dự thảo 31/10/2018 tước đi quyền ẩn danh trên Internet, tức là cản trở người dân tự bảo vệ và thực thi quyền riêng tư, vì ẩn danh chính là cách bảo vệ riêng tư tốt nhất. Các công nghệ riêng tư phổ biến như Tor hay VPN chẳng làm gì khác ngoài việc che dấu danh tính của người dùng.

Thay vì giúp người dân che dấu danh tính khi sử dụng Internet, Bộ Công an lại bắt buộc người dân phải tiết lộ danh tính, yêu cầu những công ty Internet phải thu thập, xác minh và cung cấp cho Bộ Công an họ tên, ngày tháng năm sinh cho đến số chứng minh thư, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, v.v.

Thử tưởng tượng mỗi khi đi ăn hủ tíu bà bán hủ tíu yêu cầu bạn phải cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư, sau đó bả chuyển qua cho Bộ Công an khi họ yêu cầu. Rõ ràng chuyện này không thể xảy ra ở ngoài đời. Vậy cơ sở pháp lý nào cho phép Bộ Công an bắt buộc người dân phải khai báo danh tính khi tham gia Internet?

Về mặt kỹ thuật, mạng Internet không hề yêu cầu chúng ta phải dùng danh tính thật. Bản chất của Internet là ẩn danh. Ai cũng có thể vào blog này hoặc email cho tôi mà không cần phải báo cho tôi biết họ là ai. Tiết lộ danh tính hay không là một lựa chọn của người dân, chính phủ không có quyền ép buộc.

Tôi đoán chính phủ muốn biết danh tính của người dùng Internet để dễ bắt tội phạm. Nhưng có lẽ nào vì những trang blog không do dân chúng tạo ra như Chân Dung Quyền Lực hay Quan Làm Báo mà phải hi sinh riêng tư của tất cả dân chúng và cả hệ thống chính trị?

Dân chúng lên tiếng phê phán chính quyền và các quan chức là phúc chứ không phải họa. Sợ là sợ dân giàu và giỏi bỏ đi hết, chứ sợ gì chuyện người ta bức xúc. Phàm đã là quan chức chính phủ, tức đã là người của công chúng, hãy để cho công luận quyết định công và tội. Cây ngay không sợ chết đứng, nếu có ai đó nói sai về mình, thay vì dùng quyền lực để bịt miệng người ta, hãy để công chúng lên tiếng bảo vệ. Người dân luôn biết rõ ai làm được việc cho họ, đừng sợ làm tốt mà người ta không biết đến.

Cuối cùng, còn gì mỉa mai và cay đắng bằng khi bộ luật tước đi quyền ẩn danh của dân chúng lại được Quốc hội bỏ phiếu ẩn danh. Ngoại trừ lác đác vài ba vị đại biểu đã lên tiếng, cho đến nay dân chúng hoàn toàn không biết ai đã bỏ phiếu thuận, ai đã bỏ phiếu chống Luật An ninh mạng.

Đất nước mình lạ quá phải không em? Những người quyền cao chức trọng cần phải tuyệt đối rõ ràng minh bạch lại được quyền ẩn danh hèn nhát, còn người dân thấp cổ bé họng lại sắp bị tước đi cả cái quyền lẩn mình vào đám đông để tự vệ trước cường quyền.

Comments

linh said…
"Cuối cùng, còn gì mỉa mai và cay đắng bằng khi bộ luật tước đi quyền ẩn danh của dân chúng lại được Quốc hội bỏ phiếu ẩn danh", anh viết câu này hay quá!.
Unknown said…
Bài viết hay, chỉ tiếc rằng không mấy bạn trẻ và không mấy người quan tâm đến những vấn đề quan trọng đối với từng cá nhân trên không gian mạng và trong cái xã hội thật. Nếu Thái có ghé Ottawa chơi thì gửi email cho anh.
kien said…
"Cây ngay không sợ chết đứng" - Câu này quả thật quá khó với họ.
Unknown said…
"Cây ngay không sợ chết đứng" Câu này hoàn toàn sai nhé.
Ở xứ đông Lào, nhiều cây ngay vẫn có thể chết treo cổ hoặc chết từ từ hoặc không chết đứng thì chết sấp mặt.
Sinhzun said…
Rất cảm ơn anh vì những bài phân tích chi tiết về dự thảo luật ANM. Trong bài này anh có đề cập đến GDPR yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm cung cấp công cụ để người dân có thể kiểm soát dữ liệu của chính họ. Điểm này anh có thể nói kỹ hơn không ạ, ví dụ công cụ gì, kiểm tra như thế nào, làm sao biết dữ liệu của mình an toàn?
Unknown said…
Hi anh Thái, anh có thể phân tích về vụ lộ dữ liệu email người dùng của Thế giới di động không?
Hoang Tra said…
Mình nghĩ, luật an ninh mạng này là phép thử của Google và FaceBook trong việc thỏa mãn yêu cầu của nhà cầm quyền độc tài. Nếu Google và FaceBook đáp ứng tốt yêu cầu của VN thì đó là cơ sở để 2 hãng này đem ra thương lượng với chính quyền TQ để tiến vào thị trường 1,4 tỷ dân này! Nhưng xem ra mọi chuyện không đơn giản như phía chính quyền VN nghĩ! Google và Facebook cung cấp thông tin về lịch sử chát, email, ... cho chính quyền thì không dễ gì các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới bỏ qua!
Guhnn said…
Chào anh Thái, cám ơn anh vì bài viết.
Cá nhân tôi thấy anh phân tích hay ở góc nhìn của anh, tuy nhiên lại phiến diện.
Thứ nhất, anh chỉ tập trung vào việc phê phán chính quyền, trong khi tôi nghiên cứu luật còn thấy nhiều quy định về các hành vi phạm tội khác nữa như tấn công mạng, mại dâm, lừa đảo, đánh bạc. Phê phán chính quyền cũng nhiều loại, tôi cũng thích người dân lên tiếng phê phán tiêu cực, nhưng không phải loại nào cũng hay, với tôi, những người xúc phạm quốc kỳ hay lãnh tụ dân tộc là không ổn. Lịch sử là bài học chứ không phải để phê phán hay phán xét.
Thứ hai, anh cho là Chính phủ không có quyền quốc hữu hóa dữ liệu dân chúng. Vậy họ quản lý dân chúng ra sao? Một nước dân chủ như Mỹ, hệ thống dữ liệu công dân do Chính phủ nắm, anh chỉ cần một cái tên, một dấu vân tay là có thể truy ra tất cả. Tôi nghĩ ở Việt Nam hay ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy thôi. Anh phát hiện vụ giết người và thấy dấu vân tay, anh không quản lý dữ liệu đó sao anh bắt được thủ phạm. Mỹ nói là không yêu cầu, vì đơn giản mọi dữ liệu đều đã ở Mỹ rồi. Mọi thông tin công dân Việt Nam thích gì, tối nay đi đâu, ăn gì, hẹn hò với ai, chính phủ Mỹ đều biết, tôi mua vé máy bay đi du lịch nước ngoài, ngay lập tức tất cả quảng cáo trên các trang web tôi vào đều có thông tin giới thiệu dịch vụ nước đó! Vậy quyền riêng tư của tôi có đảm bảo không? Trong khi tôi là công dân Việt Nam, chính phủ Việt Nam chưa kịp biết thì Mỹ đã biết rồi. Nếu đứng ở góc độ quản lý nhà nước thì điều này không ổn.
Bản chất của Internet đúng là ẩn danh, nếu anh vào mạng bình thường, tuân thủ pháp luật, anh chẳng phải sợ điều gì cả. Luật bảo vệ anh khi có người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay nói xấu anh. Nhưng nếu anh dùng sự ẩn danh để phạm tội, đi lừa người khác thì anh lại nằm trong đối tượng của Luật.
Tóm lại, tôi thấy Luật an ninh mạng không tệ như anh phân tích. Còn nhiều khía cạnh khác liên quan đến bảo vệ người dân nằm rải rác trong Luật mà anh vẫn chưa đưa ra, khiến nhiều người đọc nếu không tìm hiểu kỹ luật sẽ rất dễ đánh đồng với tất cả nội dung luật.
Thân gửi.
Unknown said…
@guhnn:
Tác giả đang phân tích đến khía cạnh vi phạm quyền tự do định đoạt thông tin cá nhân trên không gian mạng, nghĩa là chỉ chú ý đến những điều đã tước đi quyền đó. 1 bộ luật có nhiều điều đúng không có nghĩa là nó đúng hoàn toàn, những điều đúng đắn mình ko cần phải bàn tới.
Lịch sử không phải là bài học nếu lịch sử được viết theo nguyên tắc trung thực khách quan, còn 1 lịch sử được viết bởi bên chiến thắng tô lên những thành tích và che giấu những sai lầm, những tội ác thì đó là lịch sử cần được phán xét lại để trả lại đúng sự thật lịch sử.
Bạn đưa ra việc chính phủ Mỹ có thể truy tìm lịch sử hành động của 1 người chỉ qua dấu vân tay hay cái tên, điều mà bạn rằng có thật đó thật ra chỉ là trong phim thôi, bởi vì FBI, CIA còn phải nhờ cậy đến quyền lực của toà án để buộc Apple mở khoá điện thoại của tội phạm mà vẫn bị từ chối kìa, nên việc truy ra mọi thứ từ dấu vân tay là chuyện tầm xàm và nó không liên quan đến thông tin cá nhân trên không gian mạng, đó là dữ liệu cơ bản của công dân mà quốc gia nào cũng có, thử hỏi chính phủ Mỹ xem họ có được pass vào FB của công dân hay mã thẻ tín dụng của công dân ko?? NHưng dữ liệu cá nhân trên không gian mạng có thể lưu những thông tin đó đấy.
Còn cái mà bạn tin rằng chính phủ Mỹ biết về bạn thực tế là thuật toán của trang mạng thôi, bạn đặt vé đi du lịch hoặc tìm hiểu thì google sẽ ghi lại việc bạn tìm kiếm rồi gửi tới cho bạn những quảng cáo có liên quan đến nơi bạn đang tìm hiểu, chẳng có chính phủ nào liên quan ở trong này cả. Bạn thử google về việc làm răng xem, mình đảm bảo khi bạn mở trang web lên thì nó sẽ hiện thị những quảng cáo về nha khoa, đó là thuật toán của google.
Có nhiều bạn nguỵ biện rằng không làm sai thì việc gì phải sợ, nhưng thực tế chưa cần đến luật ANM thông qua, những người không làm gì sai theo quy định của pháp luật như Mẹ Nấm, như Dũng Vova, Yến Trần v.v... những người đang đấu tranh cho quyền tự do của công dân vẫn thường xuyên bị công an đến thăm hỏi, dòm ngó, thậm chí là canh cửa, cho côn đồ đánh lén. Họ có cần được bảo vệ thông tin cá nhân ko?
Tóm lại, bài viết chỉ giúp nhìn ra những vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến quyền bảo vệ thông tin cá nhân thôi, những điều ko liên quan được thi hành thì càng được ủng hộ.
Kha Tran Ac said…
Luật chưa có hiệu lực thi hành mà BBC, VOA, RFI, RFA đã bị chặn hết rồi.
Guhnn said…
@Phương Đông Đặng
Bạn nói đúng ở điểm nghị định này có thể còn nhiều điểm chưa hợp lý, vì đây mới là bản dự thảo, đang được kêu gọi góp ý.
Vấn đề lịch sử, dù có là thông tin bên thắng hay bên thua, đấy vẫn là lựa chọn của lịch sử. Giờ thông tin đa chiều và dễ dàng tiếp cận, thay vì ngồi phán xét, tôi nghĩ nên chiêm nghiệm và rút ra bài học từ đó thì hay hơn. Vấn đề này không nói nữa vì đây là quan điểm riêng của mỗi người.
Việc chính phủ Mỹ truy ra được thông tin từ hệ thống quản lý dân cư của họ không chỉ nằm trên phim bạn ạ. Những dữ liệu cơ bản đó chính phủ nước nào cũng nắm giữ. Đúng là chỉ có dữ liệu trên mạng giờ đang là vấn đề cần phải bàn cãi thôi. Chính phủ Mỹ đã từng có thể có rất nhiều thông tin từ các công ty công nghệ. Bạn có thể tìm hiểu tại đây: https://en.m.wikipedia.org/wiki/PRISM_(surveillance_program)
Sau khi PRISM bị lộ thì không còn dễ dàng như trước. Hiện nay, có thể Mỹ không thể tự do có thông tin fb và thẻ tín dụng của công dân (pass fb thì chắc fb cũng ko có để cung cấp đâu, tôi đoán vậy), nhưng khi họ gặp vấn đề liên quan đến tội phạm hoặc an ninh quốc gia thì hoàn toàn có thể. Ví dụ luôn vụ Apple ko chịu mở khóa, đây là vụ khủng bố xả súng khiến 14 người bị chết và 22 người bị thương, bạn có nghĩ Apple sẽ từ chối yêu cầu cung cấp thông tin trước một vụ án nghiêm trọng như vậy không? Tất nhiên là không, họ đã cung cấp rất nhiều thông tin backup trên icloud của tội phạm để phục vụ điều tra vụ án, tuy nhiên chức năng backup lại bị khóa một thời gian dài trước khi vụ án xảy ra. Cảnh sát Mỹ muốn lấy những thông tin gần đây để điều tra mở rộng kẻ liên quan, tuy nhiên, thay vì yêu cầu apple mở khóa chiếc iphone 5c này thì lại yêu cầu apple tắt chức năng gõ mật khẩu sai 10 lần sẽ khóa máy, để họ về tự bruteforce ra mật khẩu. Yêu cầu này đòi hỏi apple phải tự viết phần mềm hack mình mà lại có thể bị sử dụng cho các yêu cầu khác hoặc bị nước khác chiếm đoạt, rồi không hiệu quả, tốn thời gian... rất nhiều lý do, nói chung lợi bất cập hại, nên đã thắng phiên tòa này. Trước đó trong 1 vụ khác, cảnh sát yêu cầu mở khóa 1 chiếc iphone dùng hệ điều hành ios cũ, apple vẫn mở nhé! Rảnh bạn có thể search thêm vụ Microsoft kiện chính phủ Mỹ để ra con số yêu cầu cung cấp thông tin của chính phủ, hình như không dưới 5000 yêu cầu trong hơn 1 năm đâu. Kể chuyện dông dài vậy để rút ra là Mỹ cũng vậy thôi, khi có liên quan an ninh hay tội phạm, cần thông tin điều tra thì các hãng công nghệ đều phải cung cấp, tất nhiên là họ có luật và quy trình riêng, và chắc chắn cũng dễ hơn so vs các nước khác yêu cầu, vì đó là các công ty của Mỹ.
Việc thuật toán của Google tôi biết, tôi chỉ muốn nói, dù dùng thuật toán hay con người cũng vậy thôi, vẫn là đọc và phân tích dữ liệu cá nhân. Tôi băn khoăn một điều, nhiều người chấp nhận cho công ty, chính phủ nước khác dễ dàng tiếp cận thông tin của mình như vậy, trong khi đất nước nơi mình là công dân cần dữ liệu thì lại phản đối tích cực quá?! Mặc dù mặc định chính phủ vẫn có các thông tin cơ bản, cha mẹ, anh em, sinh trắc, bảo hiểm, ngân hàng... Họ chỉ cần thông tin mạng khi có liên quan trật tự và an ninh thôi.
Còn những cá nhân mà bạn nhắc đến, tôi không chắc, công an họ có bằng chứng, lý do để làm gì đó với những người đó, tôi thì tin không có gì là tự dưng, vô tội lại có thể bị như vậy cả. Cái gì không biết rõ thì ta không nên bàn.
Thân.

Thai Duong said…
> Thứ nhất, anh chỉ tập trung vào việc phê phán chính quyền, trong khi tôi nghiên cứu luật còn thấy nhiều quy định về các hành vi phạm tội khác nữa như tấn công mạng, mại dâm, lừa đảo, đánh bạc.

Chào bạn,

Tôi có khen dự thảo đó chứ, mời bạn đọc bài https://vnhacker.blogspot.com/2018/10/nhat-ky-co-mo-40-ve-du-thao-03102018.html.

Qui định mà bạn nói là luật chồng luật, đâu có gì hay đâu, sao tôi khen được? Tấn công mạng đã có qui định trong luật An toàn thông tin mạng, còn mại dâm, lừa đảo hay đánh bạc đã có trong Luật Hình sự.

> Phê phán chính quyền cũng nhiều loại, tôi cũng thích người dân lên tiếng phê phán tiêu cực, nhưng không phải loại nào cũng hay, với tôi, những người xúc phạm quốc kỳ hay lãnh tụ dân tộc là không ổn. Lịch sử là bài học chứ không phải để phê phán hay phán xét.

Tôi đồng ý với bạn không phải cách phê phán nào cũng có tính xây dựng hay có những ý kiến mới.

Tôi không ủng hộ việc đốt hay deface cờ Việt Nam, vì tôi không thấy chuyện đốt cờ đem lại ý tưởng hay câu chuyện gì mới cả. Vả lại nhiều người xem lá cờ đỏ sao vàng là thiêng liêng, là đại diện của họ từ khi họ mới sinh ra, nên tôn trọng lá cờ là một cách thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của cộng đồng.

Về lãnh tụ, từ khi có Internet tôi nhận ra một điều rằng những gì chúng ta biết về Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp là do bộ máy tuyên truyền muốn chúng ta biết về họ như vậy. Họ là anh hùng dân tộc vì chính quyền muốn chúng ta nghĩ họ là anh hùng. Nếu chính quyền không muốn, có lẽ chúng ta sẽ biết rất ít về những con người này. Tôi xin đưa hai ví dụ:

1/ Vua Gia Long Nguyễn Ánh là anh hùng dân tộc, có công rất lớn tạo dựng ra một nước Việt Nam như chúng ta biết ngày hôm nay, nhưng sách giáo khoa không viết như vậy vì chính quyền không thể "khen" triều đình nhà Nguyễn.

2/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những lãnh đạo quân sự, chính trị quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ 20, nhưng có thời điểm tướng Giáp được giao nhiệm vụ lo chuyện sinh đẻ của chị em. Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tướng Giáp không được mời.

Điều mà tôi muốn nói ở đây là mọi thông tin mà chúng ta biết là do chính phủ muốn chúng ta biết như vậy. Cách duy nhất để phá vỡ thế độc quyền thông tin này là phải tìm đến những tiếng nói trái chiều. Luật An ninh mạng muốn dập tắt những tiếng nói này và do đó tôi phản đối nó.
Thai Duong said…
> Việc chính phủ Mỹ truy ra được thông tin từ hệ thống quản lý dân cư của họ không chỉ nằm trên phim bạn ạ. Những dữ liệu cơ bản đó chính phủ nước nào cũng nắm giữ.

Dữ liệu về census như tên tuổi, giới tính (lúc mới đẻ, ngày tháng năm sinh, hay địa chỉ nhà (lúc đăng ký bằng lái xe hoặc chứng minh thư), tôi đồng ý các chính phủ điều có và tôi cũng không nói rằng các chính phủ không có thông tin này.

> Đúng là chỉ có dữ liệu trên mạng giờ đang là vấn đề cần phải bàn cãi thôi. Chính phủ Mỹ đã từng có thể có rất nhiều thông tin từ các công ty công nghệ. Bạn có thể tìm hiểu tại đây: https://en.m.wikipedia.org/wiki/PRISM_(surveillance_program)

Vì bạn nhắc đến PRISM, nên tôi mời bạn xem https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2013/06/12/heres-everything-we-know-about-prism-to-date/?noredirect=on&utm_term=.b5cc581f1888. Washington Post là một trong hai tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin về PRISM.

Nếu bạn từng làm việc ở Google, bạn sẽ hiểu tại sao không thể nào xây dựng một hệ thống tự động cung cấp dữ liệu cho government mà không vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhân viên. Bạn hoàn toàn có thể không tin, tôi cũng không biết cách nào có thể thuyết phục, nhưng PRISM hoàn toàn không có bất kỳ cách nào lấy được dữ liệu tự động từ Google. Nếu có, NSA đã không cố công hack Google làm gì: https://www.washingtonpost.com/world/national-security/nsa-infiltrates-links-to-yahoo-google-data-centers-worldwide-snowden-documents-say/2013/10/30/e51d661e-4166-11e3-8b74-d89d714ca4dd_story.html?Post%20generic=%3Ftid%3Dsm_twitter_washingtonpost&utm_term=.1f683aa0c1f6.

> Sau khi PRISM bị lộ thì không còn dễ dàng như trước. Hiện nay, có thể Mỹ không thể tự do có thông tin fb và thẻ tín dụng của công dân (pass fb thì chắc fb cũng ko có để cung cấp đâu, tôi đoán vậy), nhưng khi họ gặp vấn đề liên quan đến tội phạm hoặc an ninh quốc gia thì hoàn toàn có thể. Ví dụ luôn vụ Apple ko chịu mở khóa, đây là vụ khủng bố xả súng khiến 14 người bị chết và 22 người bị thương, bạn có nghĩ Apple sẽ từ chối yêu cầu cung cấp thông tin trước một vụ án nghiêm trọng như vậy không? Tất nhiên là không, họ đã cung cấp rất nhiều thông tin backup trên icloud của tội phạm để phục vụ điều tra vụ án, tuy nhiên chức năng backup lại bị khóa một thời gian dài trước khi vụ án xảy ra. Cảnh sát Mỹ muốn lấy những thông tin gần đây để điều tra mở rộng kẻ liên quan, tuy nhiên, thay vì yêu cầu apple mở khóa chiếc iphone 5c này thì lại yêu cầu apple tắt chức năng gõ mật khẩu sai 10 lần sẽ khóa máy, để họ về tự bruteforce ra mật khẩu. Yêu cầu này đòi hỏi apple phải tự viết phần mềm hack mình mà lại có thể bị sử dụng cho các yêu cầu khác hoặc bị nước khác chiếm đoạt, rồi không hiệu quả, tốn thời gian... rất nhiều lý do, nói chung lợi bất cập hại, nên đã thắng phiên tòa này. Trước đó trong 1 vụ khác, cảnh sát yêu cầu mở khóa 1 chiếc iphone dùng hệ điều hành ios cũ, apple vẫn mở nhé! Rảnh bạn có thể search thêm vụ Microsoft kiện chính phủ Mỹ để ra con số yêu cầu cung cấp thông tin của chính phủ, hình như không dưới 5000 yêu cầu trong hơn 1 năm đâu. Kể chuyện dông dài vậy để rút ra là Mỹ cũng vậy thôi, khi có liên quan an ninh hay tội phạm, cần thông tin điều tra thì các hãng công nghệ đều phải cung cấp, tất nhiên là họ có luật và quy trình riêng, và chắc chắn cũng dễ hơn so vs các nước khác yêu cầu, vì đó là các công ty của Mỹ.

Đúng rồi, chuyện này hoàn toàn hợp pháp, vì có sự giám sát của tòa án độc lập.

Đây là vấn đề mấu chốt của Luật An ninh mạng Việt Nam. Bộ Công an muốn các công ty phải cung cấp dữ liệu ngay khi nhận được yêu cầu của họ, mà không thông qua bất kỳ sự kiểm soát độc lập nào.

Tôi thấy buồn vì bạn bỏ thời gian viết còm rất dài nhưng lại bỏ qua chi tiết rất quan trọng này. Nó không phải "Mỹ cũng vậy thôi" đâu. Nếu "Mỹ cũng vậy thôi" thì Châu Âu đã không đưa Mỹ vào danh sách các quốc gia có thể chứa dữ liệu của người dân Châu Âu rồi.
Thai Duong said…
> Việc thuật toán của Google tôi biết, tôi chỉ muốn nói, dù dùng thuật toán hay con người cũng vậy thôi, vẫn là đọc và phân tích dữ liệu cá nhân. Tôi băn khoăn một điều, nhiều người chấp nhận cho công ty, chính phủ nước khác dễ dàng tiếp cận thông tin của mình như vậy, trong khi đất nước nơi mình là công dân cần dữ liệu thì lại phản đối tích cực quá?! Mặc dù mặc định chính phủ vẫn có các thông tin cơ bản, cha mẹ, anh em, sinh trắc, bảo hiểm, ngân hàng... Họ chỉ cần thông tin mạng khi có liên quan trật tự và an ninh thôi.

Chính phủ nước khác thì tôi đã giải thích không hề có chuyện họ được tự ý truy cập dữ liệu như cái cách mà Bộ Công an muốn.

Tôi phản đối chính phủ tất cả các nước, không chỉ Việt Nam, nếu họ muốn truy cập dữ liệu của tôi, mà không thông qua due process. Nên bạn đừng lập lờ rằng tôi chỉ phản đối chính phủ Việt Nam, mà ủng hộ chính phủ Mỹ.

Về các công ty, so sánh họ với các chính phủ rất khập khiễng. Các công ty không có khả năng và cũng không có nhu cầu kiểm soát, đàn áp, ngăn cản tự do ngôn luận hay bắt bỏ tù khách hàng của họ. Ngược lại, để bảo vệ việc kinh doanh, bảo vệ tài sản, uy tín thương hiện và niềm tin của người dùng, các công ty tự khắc có nhu cầu phải bảo vệ người dùng trước sự dòm ngó của các chính phủ.

Vả lại, bạn luôn có lựa chọn khi sử dụng dịch vụ của các công ty. Nếu bạn không thích Google hiện quảng cáo, bạn có thể cài phần mềm chặn quảng cáo hoặc trả tiền để sử dụng dịch vụ. Bạn cũng có thể vào https://myaccount.google.com xóa dữ liệu của mình. Hoặc vào https://takeout.google.com tải hết tất cả dữ liệu về.

Luật An ninh mạng không cho người dân Việt Nam bất kỳ lựa chọn nào.

> Còn những cá nhân mà bạn nhắc đến, tôi không chắc, công an họ có bằng chứng, lý do để làm gì đó với những người đó, tôi thì tin không có gì là tự dưng, vô tội lại có thể bị như vậy cả. Cái gì không biết rõ thì ta không nên bàn.

Tôi thấy còm của bạn chứng tỏ bạn cũng hay nghi ngờ chuyện này chuyện kia. Sao tự dưng đối với công an Việt Nam thì bạn lại tin họ dễ dàng như vậy?

Sao mà không biết rõ? Rõ ràng những người như Mẹ Nấm hoàn toàn không gây hại cho ai. Bạn có thể xem cáo trạng của Mẹ Nấm ở đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%B9_N%E1%BA%A5m#Phi%C3%AAn_to%C3%A0_s%C6%A1_th%E1%BA%A9m. Chị ấy bị bắt vì có tàng trữ một tập thơ trong nhà, nghe có buồn cười không chứ?
Thai Duong said…
Guhnn: mãi còm nên tôi quên mất. Để tuân thủ Luật An ninh mạng, đề nghị bạn tiết lộ tên thật, địa chỉ, giới tính, nghề nghiệp, chỗ ở, email, số điện thoại, số chứng minh thư, số bảo hiểm y tế, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế nhé. Mai mốt Bộ Công an yêu cầu thì tôi cung cấp luôn cho tiện.

Như bạn nói Bộ Công an cũng có những thông tin này rồi, cung cấp thêm cũng đâu có hại gì đâu, chẳng qua là họ liên kết được Guhnn là người nào ở ngoài đời thôi. Vậy cũng tốt mà, mai mốt bạn làm gì họ biết, có chuyện gì xảy ra thì họ sẽ dễ giúp bạn hơn.
Kha Tran Ac said…
Không nên ví NSA, FBI với công an. Về nghiệp vụ 3 cơ quan này có phần giống nhau, nhưng về thẩm quyền pháp lý khác nhau rất xa. NSA là cơ quan tình báo trực thuộc bộ quốc phòng, đối tượng của nó là công dân nước ngoài, chịu sự kiểm soát của tòa án tình báo. FBI là cơ quan điều tra trực thuộc bộ tư pháp, đối tượng của nó là công dân Mỹ, chịu sự kiểm soát của tòa án dân sự. Công an là 1 bộ riêng, theo dõi tất cả, bất chấp quốc tịch, và tự ra luật, tự thi hành luật, chẳng ai kiểm soát nổi.

Apple, Google hợp tác với FBI, NSA vì họ là các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng nghĩ họ sẽ hợp tác với công an Việt Nam, thậm chí ở mức độ còn sâu hơn cả hợp tác với FBI, NSA thì ảo tưởng. Ra luật như thế, chẳng qua để ngăn người VN dùng dịch vụ của họ. Làm thế chỉ tổ chặn họ đầu tư kinh doanh ở VN mà thôi.
DuyNQ said…
Chào anh Thái,
Em thấy anh rất quan tâm đến tự do và nhân quyền, tiện đây anh có suy nghĩ thế nào về việc Google đang xây dựng một phiên bản Google kiểm duyệt cho thị trường China?
Tôi đồng ý với anh Thái là bạn Guhnn nếu đồng ý luật an ninh mạng thì thử post hết thông tin bạn lên đây xem. Bạn có làm sai gì đâu mà sợ?
Theo hồ sơ blogger thì bạn cũng mới tạo để vào đây bình luận thôi.
Chí Thanh said…
Anh nói hay lắm anh. Ở Việt Nam, đất nước độc tài nên nó thế, luật là bố, bố là luật hay Việt Nam có một rừng luật nhưng lúc thực thi thì sử dụng luật rừng. Theo luật an ninh mạng này được thông qua thì em nghĩ ảnh hưởng đến internet không quá nhiều và Google hay Facebook cũng không rút khỏi Việt Nam. Chỉ có điều khi công an muốn bắt một anh nào đó nói xấu chế độ, nói xấu Đảng ẩn danh thì có luật này hổ trợ để tìm mọi cách bắt anh này thôi.
Tính cách và nguồn gốc chúng ta gần với Trung Quốc, ngàn năm nay người Việt Nam luôn bắt chước người Trung Quốc. Nên Việt Nam kiểm duyệt internet cũng học tập theo cách kiểm duyệt internet của Trung Quốc thôi. Mà cũng may là bắt chước không tới, nên chúng ta vẫn còn Google, Facebook để xài.
Guhnn said…
@Thai Duong

Về vấn đề anh nói luật trùng luật, luật An toàn thông tin, về phạm vi điều chỉnh đã khác Luật An ninh mạng rồi, luật hình sự cũng có tội khủng bố nhưng vẫn có Luật phòng, chống khủng bố đấy thôi. Còn thì anh hiểu sai ý tôi, có thể do tôi nói không rõ, ý tôi là trong rất nhiều nội dung bị nghiêm cấm về an ninh mạng, ngoài "phê phán chính quyền" như anh nói (dù từ này không chính xác lắm), thì còn tấn công mạng, mại dâm, lừa đảo, đánh bạc... Tức là Luật không chỉ nhắm vào việc này, nó còn nhằm giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến tội phạm.

Tôi cũng không thích xã hội chỉ có thông tin một chiều và che giấu các thông tin khác, mặt khác, tôi cũng hiểu việc chủ yếu đưa các thông tin có lợi là một nhiệm vụ của tuyên truyền, và quốc gia nào cũng có những bộ máy tuyên truyền riêng, tuy nhiên xã hội đã thay đổi, rồi họ cũng phải thay đổi cách tuyên truyền thôi. Anh nói Luật An ninh mạng muốn dập tắt những tiếng nói trái chiều, tôi đọc thì không thấy chỗ nào như vậy. Tôi tin rằng không có Luật nào có thể cấm được tiếng nói bức xúc của người dân hết.

Tôi cũng không thích xã hội chỉ có thông tin một chiều và che giấu các thông tin khác, mặt khác, tôi cũng hiểu việc chủ yếu đưa các thông tin có lợi là một nhiệm vụ của tuyên truyền, và quốc gia nào cũng có những bộ máy tuyên truyền riêng, tuy nhiên xã hội đã thay đổi, rồi họ cũng phải thay đổi cách tuyên truyền thôi. Anh nói Luật An ninh mạng muốn dập tắt những tiếng nói trái chiều, tôi đọc thì không thấy chỗ nào như vậy. Tôi tin rằng không có Luật nào có thể cấm được tiếng nói bức xúc của người dân hết.

Về PRISM, cám ơn anh đã gửi tôi 2 link, đọc xong chỉ khiến tôi thấy lo ngại hơn. Trước lời giải thích của các hãng công nghệ, tôi không chắc, trước một cú sốc lớn như vậy, ai cũng phải giải thích, thanh minh hoặc phản đối thôi. Tuy nhiên, tôi được biết thêm PRISM làm việc này vì được sự cho phép của Mục 702 luật FISA (đạo luật giám sát tình báo nước ngoài), đạo luật này lại cho phép NSA được quyền đọc dữ liệu của người nước ngoài thông qua Internet mà không cần phải có lệnh (theo tôi hiểu thì là lệnh của tòa). Có thể là PRISM không thể tự động lấy được dữ liệu của Google, nhưng có thể lấy dễ dàng, đặc biệt là dữ liệu của người nước ngoài (bao gồm cả Việt Nam). Vì luật này không cho lấy dữ liệu của người Mỹ, NSA lại đặt tab để thu thập dữ liệu giữa các datacenter của Google và Yahoo. Dù hiện tại việc này cũng chẳng tác dụng vì Google đã triển khai mã hóa giữa các đường truyền này, nhưng, dữ liệu của người dùng nước ngoài (như Việt Nam) vẫn đáng lo ngại khi FISA lại tiếp tục được gia hạn thêm 6 năm nữa. (https://www.eff.org/deeplinks/2018/02/how-congresss-extension-section-702-may-expand-nsas-warrantless-surveillance)
Đây có thể cũng là lý do khiến Châu Âu phải xây dựng GDPR. Vậy anh bảo dữ liệu người dùng Việt Nam có an toàn không? Tôi đồng ý với anh là dữ liệu được lưu trữ ở Việt Nam không thể an toàn bằng lưu trữ tại Mỹ trước các tấn công mạng, trừ phi Google lập hẳn 1 dataCenter tại đây, tuy nhiên, bất khả thi. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một lý do khiến Luật An ninh mạng đưa ra yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Guhnn said…
Nói thêm về vấn đề lưu trữ tại Nghị định mới, tôi nhận định việc lưu trữ dữ liệu này dường như đã không còn bắt buộc nữa, trừ khi các hãng công nghệ như Facebook, Google cung cấp thông tin về người người dùng "để điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng".

Anh viết "tự ý truy cập dữ liệu như cách Bộ Công an muốn", tôi không thấy trong Luật có điểm nào là tự ý truy cập dữ liệu cả, vẫn là yêu cầu và cung cấp, không phải tự ý. Khác với ở Mỹ về khách thể yêu cầu, nếu tại Mỹ là tòa án thì ở Việt Nam là Bộ Công an. Việc này với các hãng công nghệ là quan trọng, tôi hiểu. Họ chỉ giải quyết các yêu cầu khi có lệnh của tòa (Mặc dù vẫn có luật FISA cho phép NSA lấy dữ liệu mà không cần lệnh, không chỉ thế, NSA còn được quyền chia sẻ cho FBI, CIA...), vì luật pháp của Mỹ họ yêu cầu vậy. Nhưng luật pháp của Việt Nam lại khác. Anh có thể tham khảo ở link này (https://123doc.org/document/4293391-so-do-qua-trinh-to-tung-hinh-su.htm) để thấy là chỉ đến khi xét xử mới có sự can thiệp của tòa án, còn quá trình điều tra là do cơ quan điều tra, ở đây có thể là Bộ Công an (vì còn nhiều cơ quan điều tra khác).
Tôi không so sánh các công ty với chính phủ, tôi thích các công ty công nghệ Mỹ như Google, Facebook... Tôi cũng có thể hiểu khó khăn của họ khi là một công ty toàn cầu, áp lực người dùng, tài chính, giữ chân người tài rồi phải hài lòng chính phủ nữa, nhưng việc họ giải quyết các yêu cầu của Mỹ dễ dàng nhưng lại không dễ dàng với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam thì không ổn chút nào.

Tôi không hay nghi ngờ này kia, nhưng tôi không dễ tin khi chỉ có nguồn tin một chiều. Tôi biết công an Việt Nam còn nhiều cái không được, nhưng tôi tin một ngày thôi, Việt Nam mà không có lực lượng công an sẽ loạn ngay. Hơn nữa, dù gì cũng là công an Việt Nam, sẽ bảo vệ quyền lợi cho tôi, chính phủ Mỹ hay các cơ quan của Mỹ thì không.
Anh sống ở Mỹ, nhiều việc ở Việt Nam anh không thể nắm hết được. Những buổi sáng sớm đi làm, nhìn cảnh các cụ tập thể dục, bố mẹ đi làm, trẻ em chuẩn bị đi học, hàng quán bắt đầu bày biện, tôi có thể cảm nhận cả một guồng máy xã hội phải quay thế nào để giữ được những yên bình này. Lại nói những ngày biểu tình HD981, bao nhiêu người ra ĐSQ TQ biểu tình, những cụ già, bố mẹ dắt theo con cái, giảng dạy về lịch sử Việt Nam, về tình yêu Tổ Quốc, vì sao những người đó không bị bắt mà lại chỉ bắt những cá nhân đặc biệt??? Tôi không biết rõ chi tiết, nhưng tôi tin không phải tự nhiên mà họ bị bắt (tập thơ chỉ là 1 trong các gạch đầu dòng trong link anh đưa thôi). Sai đâu thì sửa đấy, tôi rất ghét kiểu sai thì kêu gọi đạp đổ! Đất nước Việt Nam cần những ngày bình yên để phát triển kinh tế, để phát triển đất nước chứ không phải những kẻ kêu gọi đảo chính. Đấy là quan điểm của tôi, vì vậy tôi chẳng ủng hộ gì những cá nhân kia hết!

Comment cuối anh chọc đểu khiến tôi cũng ngứa ngáy, nếu cần tôi sẽ cung cấp cho công an, không phải cho anh! Còn nữa tôi không làm gì sai pháp luật cả, không động chạm nhiều nên cũng không cần họ giúp lắm.
Kha Tran Ac said…
Luật an ninh mạng siết chặt tự do ngôn luận theo mô hình Trung Quốc. Nó sẽ bịt tai bịt mắt, bịt miệng nhân dân. Nó làm cho xã hội ngừng tiến bộ.

Trung Quốc là nước lớn, chậm tiến là thiệt thòi, nhưng không phải là tai họa. Nhưng đối với nước ta, một nước nhỏ yếu và luôn bị đe dọa bởi cái họa bành trướng, lúc này, chậm tiến là mất nước.
minhem said…
Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Guhnn và đề nghị mọi người trao đổi thẳng thắn, không công kích, mỉa mai cá nhân.

Việc cho rằng mục đích của Luật an ninh mạng (ANN) nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dân là không đúng. Bây giờ ai đi đăng ký thuê bao điện thoại đều được/bị xác minh danh tính và chụp hình cả rồi, tin nhắn bị lưu lại cả, đến một nhân viên quèn của hãng điện thoại còn đọc được tin nhắn của khách, huống gì. Còn những người muốn có tầm ảnh hưởng xã hội, trừ dượng Tony ra, đều phải lộ rõ danh tính, chính quyền không cần rình mò làm gì. Như vậy, chính quyền không cần khổ công ra luật này rồi thuê nhà thầu TQ xây data centers cốt chỉ lấy thông tin người dân. Mọi người đừng quá đa nghi.

Cho rằng luật ANN sẽ xua các công ty mạng nước ngoài, đưa VN vào thời kỳ đồ đá tăm tối, cũng sai bét. Ra luật là một chuyện, thi hành luật là chuyện khác. VN ta cũng có "tam quyền phân lập" chứ chẳng chơi. Thí dụ có luật môi trường hẳn hoi đấy, có điều Formosa được miễn nhiễm. Luật chống tham nhũng chỉ dành cho "bên thua cuộc." Luật ANN có thể sẽ được áp dụng với Gmail, Facebook nhưng miễn nhiễm với Weibo, WeChat. Việc nước ta mở rộng tiếp xúc, chuyển giao công nghệ với cường quốc số 2 thế giới, nên gọi là mở mang khai sáng chứ không thể nói là tụt lùi.

Tôi đồng ý với bạn Guhnn rằng không phải ai đi biểu tình cũng bị bắt. Xe cảnh sát cơ động, đồn công an chỗ chứa có hạn, nghe đâu hốt vài trăm người vào là chật, rồi họ đái ỉa thối hết cả ủy ban, được một hai ngày, nện cho một trận rồi thả hết bọn tép riu ra, còn trùm sò như Mẹ Nấm, vốn có tiếng tăm trên thế giới, phải giữ lại, chờ tới ngày trao đổi con tin.

Tôi cũng đồng quan điểm rằng đất nước ta cần những ngày bình yên để toàn Đảng toàn dân chuyên tâm xây dựng đất nước. Không như tụi Mỹ, suốt ngày hai đảng phái đánh nhau ầm ĩ mấy chục thập kỷ rồi mà chưa phân thắng bại, người dân chia rẽ, bao nhiêu tiền của đổ dồn vào tranh cử, thay vì dùng để xây tượng đài hay bảo tàng thì ý nghĩa biết bao. Ơn xương máu của cha ông, đất nước ta đã yên bình gần nửa thế kỷ rồi, và đã đạt biết bao nhiêu thành tựu. Mỗi sáng đi làm, nhìn các cụ già, các cha mẹ chở con cái xúm xít bên nhau trên những con đường hẹp đầy ổ gà ổ chó chật cứng xe cộ mà lòng xúc động xốn xang muốn rớt nước ... quá.
Kha Tran Ac said…
An ninh ninh mạng có ba mục tiêu. Sẵn sàng, bảo mật, bảo toàn.

Tương ứng với ba mục tiêu đó, phá hoại an ninh mạng có ba kiểu. Một là tấn công qua mạng, đánh sập site. Hai là đọc lén dữ liệu truyền qua mạng. Ba là thay đổi dữ liệu truyền qua mạng.

Trong kiểu thứ ba, đánh vào DNS là tàn độc nhất. Thoạt nhìn, có vẻ ngu ngốc, nhưng thật ra nó tàn độc. Ngu ngốc bởi vì nó không triệt để: nếu bạn có máy chủ DNS, bạn sẽ được miễn nhiễm. Tàn độc bởi vì đa số người dùng không có khả năng sở hữu một máy chủ DNS, mà phải dựa vào máy chủ DNS của nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc một bên thứ ba nào đó (như là Google Public DNS). Tàn độc bởi vì DNS là chỗ hiểm trong kỹ thuật Internet hiện hành. Tàn độc bởi vì DNS cũng là chỗ yếu ở phần lớn kỹ thuật vượt tường lửa hiện có.

Ở Việt Nam, đánh vào DNS của bên thứ ba được triển khai thí điểm ở một nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nhiều năm và sau đó được nhân rộng ra các nhà cung cấp khác. Việc triển khai kỹ thuật phá hoại an ninh mạng này đã hoàn tất ở tất cả các nhà cung cấp vào cuối tháng 10/2018, trong khuôn khổ của việc thi hành một luật có cái tên thật mỉa mai: luật an ninh mạng.
admin said…
This comment has been removed by the author.
admin said…
nghe đâu có đồng chí nào bên cục an ninh đã có mặt ở đây (Guhnn ?) quyết tâm bảo vệ tính chính danh của luật an ninh mạng trá hình chỉ nhằm mục tiêu bảo về tính toàn trị của đảng cộng sản như cách mà Trung Quốc đang áp dụng ! cứ chờ xem sao lịch sử rồi sẽ phán xét ! nếu anh chính danh đúng như anh nói thì không sợ quần chúng đả kích còn thì anh bố láo thì 1000 đời sau anh sẽ bị họ lật mồ lên mà chửi . Đúng vậy cây ngay không sợ chết đứng nên mình đúng thì không cần bào chữa nào cả các đồng chí ạ cũng chẳng cần lôi Mỹ so sánh dân chủ làm gì ! cứ nhìn sang đại ca Trung Quốc là rõ như ban ngày .
Kha Tran Ac said…
> tôi rất ghét kiểu sai thì kêu gọi đạp đổ! Đất nước Việt Nam cần những ngày bình yên để phát triển kinh tế, để phát triển đất nước chứ không phải những kẻ kêu gọi đảo chính.

Còn tôi ghét các đồng chí soi gương thấy mặt bẩn thì giận đập vỡ gương.

[Mượn ý của đồng chí Trần Xuân Bách, ủy viên Bộ chính trị, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6228&rb=0403]
Unknown said…
"Cuối cùng, còn gì mỉa mai và cay đắng bằng khi bộ luật tước đi quyền ẩn danh của dân chúng lại được Quốc hội bỏ phiếu ẩn danh. Ngoại trừ lác đác vài ba vị đại biểu đã lên tiếng, cho đến nay dân chúng hoàn toàn không biết ai đã bỏ phiếu thuận, ai đã bỏ phiếu chống Luật An ninh mạng." , em co reference https://www.youtube.com/watch?v=q5o5gTI7slE
DuyNQ said…
Google từng có phương châm là "Don't Be Evil" nhưng giờ đây đã chót evil ở Trung Quốc rồi cho nên có evil thêm tí nữa cũng chả sao, có khi nào Google sẽ bắt đầu kiểm duyệt ở VN hay bất cứ quốc gia nào nếu chính phủ nước đó yêu cầu?
Kha Tran Ac said…
Trong lịch sử các nước theo chủ nghĩa xã hội chỉ có 5 cuộc chính biến (thay đổi chính trị trái pháp luật và điều lệ Đảng). Đó là Hung ga ry năm 1956, Trung Quốc năm 1967, Tiệp Khắc năm 1968, Trung Quốc năm 1989, và Liên Xô năm 1991.

Cả 5 cuộc đảo chính đều là do thiểu số bảo thủ tiến hành, lật đổ đa số tiến bộ. Với Hung ga ry và Tiệp Khắc, lực lượng bảo thủ thật ra chỉ là vài nhân vật vô danh tiểu tốt được dựng lên làm bù nhìn sau cuộc xâm lược của quân đội ngoại bang. Với Liên Xô, đảo chính chỉ được vài hôm rồi thất bại.

Hung ga ry, Tiệp Khắc, Liên Xô đã dân chủ hóa rồi. Họ không cần xuyên tạc lịch sử nữa.

Muốn kiểm duyệt thông tin chặt chẽ, chỉ còn lại Trung Quốc thôi.
Unknown said…
Cảm ơn anh Thái vì bài post cũng như thấy anh rất quan tâm đến đất nước Việt Nam.
Bộ luật ngớ ngẩn có thể tạo ra một đất nước chuyên quyền và có lẽ không xa sẽ đưa nước ta thành Triều Tiền thứ 2. Thật đáng buồn hi vọng sẽ có nhiều người như anh có kiến thức và dám đấu tranh vì tự do, nhân quyền.
Kha Tran Ac said…
Đảng chỉ là chiêu bài. Tiền mới là động lực.

Trong lịch sử các nước theo chủ nghĩa xã hội, việc cổ phần hóa tài sản quốc gia được thực hiện trên nguyên tắc trước hết tài sản nào bị quốc hữu hóa phi pháp thì trả lại cho chủ cũ, sau đó tài sản còn lại thì chia đều cho dân (hoặc bán cho dân, trong trường hợp của nước Đức).

Hung ga ry, Bun ga ry, Tiệp Khắc, LB Nga đều làm như thế. Nhưng Hung ga ry, Bun ga ry, Tiệp Khắc thành công, còn LB Nga thì thất bại. Sau cổ phần hóa, với sự tiếp tay của quan chức tham nhũng, phần lớn tài sản ở LB Nga rơi vào tay giới chủ, còn đa số người dân tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Suốt 20 năm sau đó, nhà nước Nga cố gắng giải quyết nạn này bằng cách thu tóm quyền điều hành doanh nghiệp. Nhà nước có tiền để chi tiêu cho an ninh quốc phòng. Các ông chủ mất quyền điều hành, nhưng vẫn còn quyền sở hữu nên vẫn cứ thu tiền tỷ, vẫn cứ tiêu tiền tỷ, vẫn sống xa hoa, phè phỡn. Người dân vẫn nghèo. Nước Nga ngày nay hội tụ những gì xấu nhất từ cả hai chế độ tư bản và cộng sản: bất công xã hội và nền kinh tế chỉ huy.

Hung ga ry, Bun ga ry, Tiệp Khắc đã thiết lập và ngày càng phát triển công bằng xã hội rồi. Họ không có gì cần che đậy nữa.

Muốn kiểm duyệt thông tin chặt chẽ, chỉ còn lại nước Nga thôi.
Jared Chu said…
Bài viết quá hay, không thể không comment :D
Kha Tran Ac said…
Hôm nay, các nhà mạng lớn ở VN đồng loạt triệt bỏ tường lửa. Truy nhập vào các website tin tức tiếng Việt ở nước ngoài (như BBC,...) sau nhiều năm bị ngăn chặn đột nhiên đã thông trở lại. Tín hiệu chứng tỏ việc bàn giao kỹ thuật đã bắt đầu, mà cụ thể ở đây là các nhà mạng bắt đầu bàn giao quyền giám sát mạng cho công an, theo dự thảo nghị định thi hành luật an ninh mạng sắp sửa có hiệu lực thi hành.
Thai Duong said…
Kha Tran Ac: Bạn có thông tin gì thêm để chứng minh "các nhà mạng lớn ở VN đồng loạt triệt bỏ tường lửa" không? Theo tôi biết thì trước giờ các website này không phải bị chặn đồng loạt mà có chỗ chặn chỗ không, cho nên nếu người này vào được thì cũng chưa chắc người khác vào được, mà còn tùy thuộc vào ISP và thời điểm.
Kha Tran Ac said…
Thai Duong: "tường lửa" là từ tôi tạm dùng để gọi việc ngăn chặn mạng thôi chứ theo tôi biết, các nhà mạng không có tường lửa đúng nghĩa và họ chặn mạng bằng các kỹ thuật kiểu "cây nhà lá vườn", mỗi nhà một kiểu và, đúng như bạn nói, tùy thuộc cả vào địa điểm. Tuy vậy, trong khoảng vài năm gần đây thì kỹ thuật chặn và danh sách các site bị chặn dường như đã tiến đến gần thống nhất ở các nhà mạng. Khác biệt, nếu có, chỉ là ở địa điểm.

Việc triệt bỏ tường lửa là tôi kết luận dựa trên quan sát ngày hôm qua. Đầu tiên, tình cờ, ở nhà tôi nhận thấy các trang mạng vốn bị chặn hôm nay sao tự nhiên lại thông. Sau đó tôi nhờ bạn IT công ty tôi, nơi dùng nhiều nhà mạng, xác minh bằng thực nghiệm. Cuối cùng, trong ngày, do công việc tôi đã ngồi ở vài quán cà phê gần công ty và gần nhà, vốn dùng những nhà mạng khác nhau và vốn đều bị chặn, để thấy tận mắt sự thay đổi đồng loạt nói trên.
Thai Duong said…
Kha Tran Ac: cảm ơn nhiều! Tôi sẽ tìm cách kiểm chứng độc lập lại một lần nữa và sẽ báo kết quả lại sau nhé.
DuyNQ said…
Kha Tran Ac
bạn thử dùng 4G của Viettel để vào trang RFA xem, có vào bằng niềm tin. Tôi nghĩ vì nguyên nhân nào đó mà bạn đã vô tình bỏ chặn trên máy mà không biết, ví dụ dùng DNS của google 8.8.8.8 hay DNS của Cloudflare 1.1.1.1. Tôi đã kiểm tra bằng mạng 4G của Viettel và cáp quang của VNPT và không vào được các trang blogspot, BBC, RFA...
Kha Tran Ac said…
My Blog: Đúng vậy. Một số địa điểm như quán cà phê dùng DNS mặc định, do nhà mạng cung cấp, vẫn không vào được các trang như BBC v.v. Các nhà mạng chỉ ngừng phá rối, ngừng cố gắng vô hiệu hóa dịch vụ 8.8.8.8 và các dịch vụ tương tự, chứ họ không hề sửa chữa dịch vụ của bản thân họ.

Chính vì thế, tôi đã phán đoán mục đích của việc làm này không phải là phục vụ khách hàng, mà là phục vụ công an.
Unknown said…
Luật An Ninh Mạng là cái luật lập ra để bắt những người bất đồng chính kiến. Luật này vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân.Tôi thấy bạn Guhnn nói đất nước Việt Nam bình yên, Công an cần kiểm soát nếu không có thì loạn. Cách nói này là kiểu cần phải có luật tào lao này

Việt Nam bình yên khi một năm có vài trăm ngàn người chết vì ung thư , tai nạn giao thông, côn an thì đi cướp ngày và đêm . Ra đường thì lo trộm cướp, thức ăn độc hại, không khí ô nhiễm. Kiểu bình yên chết người và không biết khi nào đến lượt mình.

Công an cần kiểm soát không có thì loạn. Câu này bào chữa cho việc ra cái luật này.
Chưa có luật thì cũng loạn rồi. Cái này dân nổi lên làm loạn vì dân bức xúc quá rồi

Tóm lại.
Nếu ra cái luật này mà có
Anh nào mà lên mạng nói xấu chế độ , đảng vào tù , ngăn chặn từ xa kêu gọi biểu tình giống như vụ phản đổi đặt khu . Đảng nói là phải nghe , phải luôn đúng.
Admin said…
Hello Thái, tôi có bài này:

THƯ GỬI CÁC LÃNH ĐẠO ĐẢNG, CHÍNH PHỦ, QUỐC HỘI: XÂY DỰNG TẦNG LỚP HỌC GIẢ PHÁP LÝ VÀ CHÍNH TRỊ ĐẲNG CẤP, LIÊM CHÍNH VÀ NHÂN BẢN

https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2018/12/thu-gui-cac-lanh-ao-ang-chinh-phu-quoc.html

Unknown said…
This comment has been removed by the author.
Unknown said…
Xin được trả lời anh Thái qua 1 bài viết khác do bình luận quá dài.
Xem bài bình luận ở đây
Có vài người comment ở đây chứng tỏ họ rất hiểu biết thậm chí rất sâu nhưng chắc hơi hèn!
Jacky Vu said…
@Tran Sang: thế bạn giải thích sao về việc lãnh đạo khẳng định luật ANM là để bảo vệ chế độ ? Dùng cái não của mình trước khi muốn bình luận về ý kiến của người khác !
Jacky Vu said…
@Tran Sang: Thế bạn nhận xét thế nào khi lãnh đạo cấp cao khẳng định luật ANM là dùng để bảo vệ chế độ ?
Unknown said…
@Jacky Vu: xin lỗi anh vì trả lời hơi muộn. quan điểm anh đưa ra khá hay, và theo tôi là đáng để bình luận.

Trả lời cho bình luận của anh tôi đã cập nhật vào phần cuối của bài viết. Anh có thể vào đọc và trao đổi thêm ở đây hoặc ở đó :)

https://transang.me/comment-ve-luat-anm/

https://transang.me/comment-ve-luat-anm/

Ngoài ra cũng rất hy vọng nhận được ý kiến phản hồi từ chủ nhân blog này. Tại bài viết của anh cũng thấy được nhiều người hưởng ứng quá nên nếu bài viết có gì đó sai sót thì cũng thật là đáng tiếc.