Thư ngỏ Tôi và Sứ quán
(chép từ https://toivasuquan.org)
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ
- Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
- Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội
Đồng kính gửi:
- Các cơ quan truyền thông, báo chí
Tôi là Dương Ngọc Thái, kỹ sư phần mềm, đang sống và làm việc ở Silicon Valley. Tôi viết thư này đầu tiên là để giới thiệu với quý vị tấm nhiệt đồ bên dưới, nhìn thì đơn giản nhưng lại chứa trong nó biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bức xúc và uất ức của người Việt ở hải ngoại.
Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, người Việt đã di cư ra khắp thế giới. Những điểm tô màu là nơi có nhiều người Việt, cũng là nơi có Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Việt Nam. Nơi tôi sống có Tổng Lãnh sự quán San Francisco, trên nhiệt đồ đây là điểm nóng nhất, với vòng tròn to nhất và đỏ nhất. Nhìn xuyên qua bờ đông nước Mỹ sẽ thấy một vòng tròn to và đỏ không kém ở khu vực Washington DC của Đại sứ quán Việt Nam. Nếu tiếp tục nhìn về phía Đông sẽ thấy vô số vòng tròn ở Châu Âu, đi xuống phía Nam sẽ thấy Úc và New Zealand, v.v.
Sự thật là nơi nào càng to, càng đỏ thì sứ quán càng tham nhũng, càng sách nhiễu, càng hành dân! Tuồng như các sứ quán nhìn “khúc ruột ngàn dặm" thì chỉ nghĩ ngay đến… miếng dồi trường thơm béo. Họ làm đủ mọi cách để lạm thu phí lãnh sự, từ lập lờ đánh lận con đen, lợi dụng người dân không hiểu luật để tăng giá cho đến ngang nhiên tự ra giá cao hơn quy định nhiều lần. Ai mà không đóng cho đủ số tiền họ muốn thì họ gây khó dễ, hên thì họ ngâm hồ sơ cho vài tháng, xui thì họ trả hồ sơ mà không giải thích tại sao.
Tôi không dám nói thay các cộng đồng khác, nhưng riêng cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Silicon Valley đều là những cá nhân xuất sắc. Chính phủ Mỹ xem nhiều người trong chúng tôi là những tài năng đặc biệt. Các trường đại học, các startup tỷ đô, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới săn đón và tạo điều kiện tối đa để chúng tôi cống hiến, bay cao và bay xa. Chỉ có các sứ quán Việt Nam là luôn tìm mọi cách để kéo chúng tôi xuống, khiến chúng tôi trở nên tùy tiện và phạm pháp giống như họ.
Có lẽ quý vị nghĩ rằng tôi viết thư này để kiến nghị điều chỉnh cái này, điều chỉnh cái kia. Đó quả thật là ý định ban đầu của tôi, nhưng tôi phát hiện thật ra đã có nhiều kiến nghị lắm rồi. Năm 2015 và năm 2018, hai nhóm Việt Kiều, thành viên của diễn đàn dân lập Tôi và Sứ quán, đã đưa kiến nghị rất rõ ràng, thu hút hàng ngàn ý kiến và chữ ký. Nhóm 2015 cũng đã về Việt Nam gặp đại diện Bộ Ngoại giao. Nỗ lực của họ đã tạo ra sự thay đổi đáng ghi nhận, nhiều sứ quán đã bớt thái độ hách dịch, quan liêu. Nhưng lạm thu thì vẫn lạm thu, chỉ khác là tinh vi hơn trước!
Tôi viết thư này không phải để xin, mà, ngược lại, tôi muốn tặng cho Chính phủ một món quà. Tấm nhiệt đồ ở trên là một phần của Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019 mà tôi đã cất công xây dựng từ hơn một tháng nay. Với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè, tôi viết chương trình tự động tải về tất cả khiếu nại mà người dân gửi lên diễn đàn Tôi và Sứ quán, rồi phân tích và làm báo cáo, tự động chia ra theo địa điểm sứ quán và loại nhũng nhiễu.
Chính phủ đã nói rất nhiều về chính phủ điện tử, nhưng làm chính phủ điện tử là làm gì nếu không phải là tăng minh bạch, để dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Dân chúng tôi đã nhiều lần thông báo cho Chính phủ biết tình trạng tham nhũng ở các sứ quán, đã tự giúp đỡ lẫn nhau để đấu tranh, động viên nhau luôn chọn cách làm đúng khi làm việc với sứ quán mặc dù biết sẽ vất vả hơn và bây giờ còn làm cả công cụ để kiểm sát. Vừa rồi Thủ tướng đã nói trước Quốc hội sợ nhất là không chịu hành động vì ngại trách nhiệm. Trách nhiệm chấm dứt nạn nhũng nhiễu lạm thu này rõ ràng là của Chính phủ, vậy thì Chính phủ còn chờ gì nữa mà không hành động?
Nếu Chính phủ chưa biết phải làm gì thì tôi thấy có ba việc cần làm trước tiên, hạn chót thực hiện là 1/1/2020 và nếu sau đó phát hiện sai phạm thì cách chức người đứng đầu, đó là:
1. Bắt buộc tất cả các sứ quán phải cấp biên lai theo Phụ lục 3 của Thông tư 264/2016/TT-BTC. Biên lai phải ghi rõ phí và lệ phí của từng loại giấy tờ, có đóng dấu, chữ ký ghi rõ họ tên người nhận tiền.
2. Bắt buộc tất cả sứ quán phải niêm yết công khai, rõ ràng, chi tiết tất cả các thủ tục, biểu mẫu, thời gian trả kết quả, biểu mức thu phí và lệ phí lãnh sự trên website chính thức của các cơ quan này và tại địa điểm thu phí bằng tiếng Việt và tiếng Anh hoặc ngôn ngữ chính thức của nước sở tại.
3. Bắt buộc tất cả nhân viên lãnh sự ở sứ quán phải đeo bảng tên và chức vụ, và khi tiếp xúc với người dân, trực tiếp hay qua điện thoại, phải xưng tên và chức vụ.
Những yêu cầu này nghe cứ như đùa, vì lẽ ra chúng phải là chuyện hiển nhiên. Kỳ thực các cơ quan hành chính trong nước đã làm rất tốt những việc này. Năm 2018, tôi đi với ba tôi ra Sài Gòn làm hộ chiếu rất dễ dàng, thuận lợi. Cán bộ vui vẻ, dễ thương, lễ phép, quy trình rõ ràng, hợp lý, hiện đại, nộp 200.000 đồng đúng 7 ngày sau nhận được hộ chiếu. Tại sao trong nước đã văn minh hiện đại như vậy mà ở hải ngoại, nơi cần giữ thể diện quốc gia nhất, nơi cần phải đi kịp với thế giới nhất, lại vẫn còn kẹt lại ở đêm trước Đổi mới? Đây là câu hỏi tôi muốn dành cho ngài Phó thủ tướng.
Kính thưa quý vị,
Kỳ thực không khó để tôi và bạn bè ở đây làm giấy tờ bằng cách đi cửa sau, nhờ vả người quen hoặc trả thêm tiền cho được việc của mình. Nhưng cuộc sống luôn cho ta hai lựa chọn: dễ hoặc đúng.
Tôi đã đọc cả ngàn bài viết trên diễn đàn Tôi và Sứ quán. Một trong những chủ đề mà bà con hỏi và bàn nhiều nhất là từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Với bộ mặt thảm hại của Việt Nam do các sứ quán tạo ra, không quá khó để hiểu tại sao bà con mình không muốn là người Việt Nam nữa, khi có một lựa chọn khác.
Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ chọn cách làm đúng để người Việt ở hải ngoại ít nhất còn có lý do để đắn đo trước khi từ bỏ quốc tịch.
Silicon Valley, 12/11/2019
Thái "thaidn" Dương
Comments
Vnexpress là của FPT nói xa nói gần cũng là sân sau quốc doanh cổ phẩn trong đó, gốc rễ củng toàn tư bản đỏ mà ra, báo này không nâng bi mới lạ mà đòi đăng bài này sao ? tôi cá với bạn là đến tết congo nhé, cứ chờ mà xem .
Bạn kêu gọi cái quái gì? đập bỏ cái quái gì?
Bạn kêu gọi sửa để "Nhóm" bạn được hưởng sự công bằng. Vậy còn 90 triệu dân trong nước thì sao ??? Bạn muốn 90 triệu dân trong nước ủng hộ, lan toả lời kêu gọi... vậy "Nhóm" của bạn đã bao giờ thấu hiểu sự hách dịch của cán bộ trong nước với người dân Việt Nam không?
Lên tiếng ư? sửa ư? Nếu muốn phải làm từ cái gốc. Còn thể chế cộng sản, còn chế độ cộng sản thì không thể sửa được.
Nhóm Bạn là tri thức, nhưng chỉ là những kẻ ích kỷ !!!
các anh có biết là sau hết nhiệm kỳ 3 năm làm nhân viên sứ quán họ được chia mỗi người bao nhiêu tiền cầm về ko?
các anh có biết là họ phải cố thu gom lại cho thật nhiều để bù lại khoản tiền họ đã bỏ ra chạy chọt để đi ko?
các anh có biết là chính phủ biết và cho họ quyền thu thêm (trong mức giới hạn) hay ko?
mỗi visa việt nam và passport việt nam họ đã được chia phần trăm trong cái 70usd đó rồi nhưng họ vẫn cố thu thêm để bù lại khoản tiền chạy chọt để đi làm nhân viên sứ quán.
nếu các anh biết được những điều trên thì những điều các anh đang làm ko có ý nghĩa gì hết, ko ai xử lý hết
các anh muốn về vn ko? muốn làm passport ko? ko co su lua chon nao khac dau
Những nhũng nhiễu để tham nhũng các ông ấy đều biết và còn biết rất rõ nữa là khác. Nhưng các ông ấy không làm thôi. Bởi vì dây mơ rễ má với nhau hết nên quyết không làm thôi.
-Những nhân viên ĐSQ nói thật cũng chả khác bà con đi LĐ chui ở nc ngoài. Muốn đi phải chạy chịt, tiền bạc cho chỗ này chỗ kia. Coi như khoản đầu tư. Khi đến nơi rồi thì việc của họ là kiếm lại để bù chi phí. Mà đã nhúng chàm, tay bẩn rồi thì bẩn nhiều, bẩn ít như nhau. Nên càng ngày càng tệ.
-Bản thân những người có thể chỉ cần ra 1 cái lệnh là giải quyết vấn đề thì chính là người nhận 1 phần những thứ do sự ko minh bạch kia mang lại. Họ đâu có dễ dàng để ra cái QĐ "dễ dàng" đó
-Ngoài chuyện vật chất thì nhân viên ĐSQ kia còn 1 lô xích xông các loại quan hệ, gửi gắm, ... Ai nhảy vào gỡ dù thực tâm cũng die ngay.
CS quan điểm của họ là chiếm giữ quyền lực, không phải là thúc đẩy phát triển.
Bạn @MinhNK nói quá chuẩn
Khía cạnh của tôi thì tôi thấy là cần có sự tương tác đủ mạnh nhưng đủ tinh tế với chính quyền để thúc đẩy thay đổi dần dần tiến tới minh bạch chứ bạn thấy đó bao nhiêu comment đều nói rồi lương họ nhà nước trả cũng chỉ bằng lương lao động phổ thông, chân tay và lại phải lo này kia các khoản nên họ bắt buộc phải vào thế đó chứ tôi nghĩ làm người không ai là không có lòng tự trọng của mình cả.
Lương thỏa đáng thì chả ai dám làm bậy cả đâu bạn ạ
Họ quan tâm đó bạn ơi, họ có trả lời hay làm gì hay không lại là một chuyện khác.
>Tôi nghĩ bạn chọn sai thời điểm lên tiếng. Thời điểm này là nhạy cảm trong chính trị. Bạn lên tiếng kiểu này khác nào vả vào mặt người ta nên khó có sự tuong tác qua lại.
Ý bạn đây là thời điểm trước Đại hội Đảng? Đúng là tôi không nghĩ đến chuyện này, nhưng nếu quả thật chuyện bầu bán quan trọng thì đây cũng là một cơ hội để "người ta" thể hiện. Trước bầu bán mà còn không muốn làm gì thì thử nghĩ coi sau bầu bán sẽ còn có động lực gì nữa.
>Khía cạnh của tôi thì tôi thấy là cần có sự tương tác đủ mạnh nhưng đủ tinh tế với chính quyền để thúc đẩy thay đổi dần dần tiến tới minh bạch chứ bạn thấy đó bao nhiêu comment đều nói rồi lương họ nhà nước trả cũng chỉ bằng lương lao động phổ thông, chân tay và lại phải lo này kia các khoản nên họ bắt buộc phải vào thế đó chứ tôi nghĩ làm người không ai là không có lòng tự trọng của mình cả.
>Lương thỏa đáng thì chả ai dám làm bậy cả đâu bạn ạ
Đây là một cách cho ý kiến nghe thì hay nhưng nghĩ lại thì không hiểu người viết muốn gì. Thế nào là "tương tác đủ mạnh nhưng đủ tinh tế"? Nếu bạn chỉ cho tôi một cách *cụ thể* tôi sẽ suy nghĩ và phản hồi.
Việc so sánh nhân viên lãnh sự với người dân lao động chân tay ở nước ngoài tôi thấy quá buồn cười nên đã không còm, nhưng bạn nhắc lại ở đây thì tôi nói luôn. Họ có phải đi xe thùng đâu bạn ơi, họ sang đây bằng máy bay, hộ chiếu ngoại giao còn được ưu tiên khi làm thủ tục nhập cảnh. Họ có phải làm việc nặng nhọc gì đâu, trừ khi bạn cho rằng nhũng nhiễu người khác để vòi tiền là hết sức mệt mỏi.
Tôi không biết lương bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ lương thấp cũng đúng, vì công việc không có gì phức tạp (và lẽ ra phải được tự động hóa rồi). Tức là họ được trả lương đúng với năng lực và bản chất công việc rồi. Nếu họ thấy họ có năng lực hơn, sao không tìm việc khác mà làm?
Sao họ lại chọn công việc này, bộ họ bị ai ép buộc hay sao? Tôi chưa từng nghe ai nói "tôi đi nước ngoài vì ở đó lương thấp hơn". Có phải họ qua đến đây mới biết lương thấp, sau đó vì mưu sinh nên mới có ý định phạm tội? Không, họ biết ngay từ ở Việt Nam, nghĩa là đã có ý định phạm pháp ngay từ đầu.
Nói tóm lại, nếu có năng lực, thì tìm việc khác mà làm. Nếu không có năng lực, nhưng muốn việc nhẹ tiền nhiều, thì thôi đừng tự biện hộ rằng "ta là người có lòng tự trọng, chỉ vì cuộc đời đưa đẩy thôi", chẳng ai tin đâu.
Hy vọng lan tỏa được tiếng nói chung để cải thiện tình hình.