Khi thẩm phán là thần tượng

(Một phiên bản của bài này đã đăng trên BBC)

Chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp tiếc thương thẩm phán Ruth Bader Ginsburg khiến tôi nhớ đến cố luật sư Vũ Trọng Khánh.

Một khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ mà tôi nhận ra sau gần 10 năm ở Mỹ đó là trong ngôn ngữ và câu chuyện hàng ngày của người Mỹ, từ “hiến pháp” (constitution) xuất hiện với tần suất cao hơn người Việt Nam rất nhiều lần. Ở Mỹ hay ở Việt Nam, hiến pháp đều là bộ luật tối thượng của đất nước, theo lý thuyết sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị. Thế thì tại sao người Mỹ thích nói về hiến pháp hơn người Việt?

Tôi nghĩ vì Mỹ là nước pháp quyền, không có ai hay tổ chức nào đứng trên hay ở ngoài hiến pháp. Người Mỹ từ nhỏ đã được dạy về quyền của mình và viện dẫn các tu chính án hiến pháp làm căn cứ. Tổng thống Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức không thề trung thành với đảng phái chính trị mà thề trung thành và bảo vệ hiến pháp. Một nhà báo trong nước giải thích tức là người dân Mỹ có thể dùng hiến pháp để bảo vệ mình, còn ở Việt Nam thì các quyền hiến định của công dân rất dễ dàng bị các loại luật, văn bản dưới luật và ý chí của tòa án phủ định, bóp méo, nên người ta chẳng nhớ hiến pháp mà làm gì cả.

Ba chương đầu tiên của hiến pháp Mỹ tạo ra 3 nhánh quyền lực của nhà nước liên bang: quyền lập pháp thuộc về Thượng viện và Hạ viện, hành pháp thuộc về Tổng thống và tư pháp thuộc về Tối cao pháp viện. Nói nôm na, quốc hội giữ quyền tạo ra luật chơi, chính phủ dựa vào luật chơi mà quản trị đất nước, còn tòa án các cấp là trọng tài, diễn giải, bảo vệ luật chơi và quyết định chơi thế nào là đúng luật. Các nhánh quyền lực này độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau, tạo ra thế kiềng ba chân giúp nước Mỹ phát triển.

Bà thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời là 1 trong 9 thẩm phán của Tối cao pháp viện. Về mặt hình thức, Tối cao pháp viện Mỹ có vị trí tương đương với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, nhưng tòa tối cao ở Mỹ còn giữ vai trò diễn giải và bảo vệ hiến pháp, có quyền phán quyết luật mà Quốc hội tạo ra có vi hiến hay không. Các phán quyết của Tối cao pháp viện tạo thành án lệ, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các vụ kiện tụng trên toàn liên bang.

Vai trò của Tối cao pháp viện tạo ra một hiện tượng văn hóa lý thú không thấy ở Việt Nam: các vị thẩm phán tối cao trở thành nhân vật của công chúng, được nhiều người ngưỡng mộ. Ví dụ như thẩm phán Ginsburg có sức thu hút không thua gì một ngôi sao nhạc rock. Người ta làm phim, viết sách, soạn nhạc về bà.

Di sản lớn nhất các vị thẩm phán để lại cho đời là ý kiến của họ về các vụ án. Tôi còn nhớ trong phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, 17 vị thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phát biểu chính kiến bằng cách giơ tay biểu quyết rồi thôi. Họ không có lựa chọn nào khác vì phải làm theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ngược lại ở Mỹ, mỗi vị thẩm phán có quyền công bố ý kiến cá nhân, bất kể họ có đồng ý hay không đồng ý với phán quyết cuối cùng của tòa. Nhiều lúc họ đồng thuận với số đông, nhưng với một lý do rất khác. Đến nay, Tối cao pháp viện Mỹ đã công bố hơn 30 ngàn ý kiến của các vị thẩm phán. Các ý kiến này được đóng thành sách, trở thành kinh điển để giới luật sư nghiên cứu, học tập và trích dẫn.

Khác biệt văn hóa pháp lý giữa Mỹ và Việt Nam trong hiện tại có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng hai nước đã luôn khác nhau như vậy. Kỳ thực Việt Nam đã từng có một giai đoạn ngắn ngủi nhưng cực kỳ quan trọng trước và sau ngày 2/9/1945 với tư duy pháp lý rất gần gũi với Mỹ. Nhân vật trung tâm của những ngày đó là luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên.

Luật sư Vũ Trọng Khánh qua đời lặng lẽ năm 1996, chính sử Việt Nam trong sách giáo khoa lại không nhắc gì đến ông, cho nên đến mãi sau này tôi mới biết về ông qua Internet. Với cá nhân tôi, luật sư Vũ Trọng Khánh thuộc vào hàng những người cha sáng lập (founding fathers) của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức là của nước Việt Nam như chúng ta biết ngày hôm nay.

Đất nước không thể một ngày không có luật, cho nên chỉ vài ngày sau Cách mạng Tháng 8, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời Vũ Trọng Khánh từ Hải Phòng lên Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tại sao một vị luật sư sinh ra ở Hà Nội, được Pháp đào tạo bài bản, nhưng lúc đó đang là Thị trưởng đầu tiên của Hải phòng trong chính phủ Trần Trọng Kim rồi lại trở thành Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên trong chính phủ Hồ Chí Minh là một câu chuyện hay mọi người nên tìm hiểu.

Bộ trưởng Khánh tại vị chỉ có 181 ngày, nhưng ông đã “dựa vào kinh nghiệm tổ chức nhà nước của Pháp và khoa học pháp lý để xây nền đá cho nhà nước pháp quyền” [1]: soạn thảo và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký khoảng 30 sắc lệnh trong đó quan trọng nhất phải kể đến:

  • Sắc lệnh 46 ngày 10/10/1945 quy định nghề luật sư (sau này ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống của ngành luật Việt Nam);
  • Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 tạm giữ lại các luật lệ hiện hành của chính quyền Pháp “nếu những luật ấy không trái với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và không phương hại đến nền độc lập" (ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Tư pháp từ 1946 đến 1960, bình rằng “luật tồi vẫn hơn là không có luật!”);
  • Sắc lệnh 53 ngày 20/10/1945 quy định về quốc tịch Việt Nam, tức là định nghĩa thế nào là người Việt nam; hay
  • Sắc lệnh 13 ngày 24/1/1946 về tổ chức tòa án và ngạch thẩm phán, khẳng định “Tòa án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính”.

Tức là trung bình 6 ngày ông soạn 1 sắc lệnh, đặt ra những nền tảng căn cơ nhất cho nền tư pháp vì công lý của nhà nước Việt Nam non trẻ. Lúc bấy giờ Bộ trưởng Khánh mới 33-34 tuổi. Chưa hết, Bộ trưởng Khánh còn góp “công đầu” (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong việc soạn thảo Hiến pháp 1946 [1]. Trong Ủy ban Dự thảo Hiến pháp 7 người, Vũ Trọng Khánh là luật sư duy nhất. Ông trực tiếp soạn thảo phần lớn Dự thảo, rồi trên cương vị Bộ trưởng đứng ra tiếp thu ý kiến và giải thích Dự thảo cho toàn dân. Bản Dự thảo này trở thành nền tảng của Hiến pháp 1946. Với cá nhân tôi, Hiến pháp 1946 là một văn kiện lịch sử ngang tầm với Tuyên ngôn Độc lập.

Nhắc đến luật sư Vũ Trọng Khánh thì không thể không nhắc đến cuộc tranh luận năm 1948 về nguyên tắc tư pháp phải độc lập với hành pháp trên báo Sự Thật, lúc bấy giờ là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vũ Trọng Khánh, năm 1948 giữ chức Giám đốc tư pháp khu 10, “đại diện cho một số anh em tư pháp” tranh luận cùng nhà báo Quang Đạm (tức ông Tạ Quang Đệ), biên tập viên báo Sự Thật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Hải Khôi ở Đại học Oregon cho biết cuộc tranh luận này có vai trò cực kỳ quan trọng và đã thu hút sự theo dõi sát sao của các nhân vật chủ chốt trong chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương thời, bởi lẽ, kết quả cuộc tranh luận quyết định con đường tương lai của Việt Nam: cộng sản hay cộng hoà [2].

Ông Quang Đạm cho rằng tư pháp phải phục tùng hành pháp và phải phục vụ mục tiêu đấu tranh giai cấp, tức tòa án phải tuân theo lệnh của ủy ban hành chính. Ông ấy lập luận vì chính phủ là đại diện ưu tú nhất của nhân dân, ý muốn của chính phủ là ý của toàn dân, do đó tư pháp không thể làm khác ý của chính phủ, nếu không muốn đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân [2].

Trong một loạt bài báo mà tôi nghĩ cần được đưa vào sách giáo khoa, luật sư Vũ Trọng Khánh đã bác bỏ hoàn toàn những lập luận “có phần đơn giản và siêu hình" (ông Vũ Đình Hoè thuật lời của chính ông Quang Đạm đăng trên báo Độc Lập số ra ngày 17/8/1988, tức là hơn 40 năm sau) [1]. Luật sư Khánh khẳng khái khẳng định Luật không chỉ là công cụ của giai cấp thống trị mà hơn thế nữa, Luật là công cụ bảo vệ kẻ yếu trước kẻ mạnh, tức bảo vệ công lý. Ông cũng chỉ ra rằng một nền tư pháp độc lập, khỏe mạnh sẽ kéo hành chính đi lên, tạo uy tín chung cho cả nhà nước.

Hơn 70 năm đã qua kể từ lúc luật sư Vũ Trọng Khánh đăng đàn tranh luận, nhưng những gì ông nói về nguyên tắc tư pháp độc lập là trường tồn với thời gian và vẫn còn nguyên tính thời sự. Những lời của luật sư Khánh (lúc đó cũng trạc tuổi tôi bây giờ) khiến tôi pha lẫn ngạc nhiên, tâm đắc và xúc động. Nếu sinh cùng thời, tôi sẽ tìm cách làm quen để được trò chuyện với một người uyên bác và hết lòng vì công lý như vậy. Rất tiếc, Việt Nam đã chọn một hướng đi khác, lịch sử đã không chọn Vũ Trọng Khánh. Sau 1948, sự nghiệp của luật sư Khánh chỉ có một chiều: đi xuống. Lẽ phải có cái giá của nó.

Là một người Việt ở Mỹ, lẽ tự nhiên tôi thường so sánh hai nơi mà tôi đều xem là nhà, nhưng không phải là để chê bai hay ca ngợi, mà là để tìm hiểu cội nguồn của những khác biệt văn hóa mà tôi chứng kiến hàng ngày. Nền tư pháp Mỹ có những vấn đề mà Việt Nam không có (ví dụ như nạn phân biệt chủng tộc hay tỉ lệ tù nhân quá cao), nhưng chứng kiến tòa án các cấp bao lần bác bỏ phán quyết của Trump (và các đời tổng thống khác), tôi nghĩ tư pháp độc lập là điểm sáng không thể phủ nhận và là nguồn gốc của những khác biệt mà tôi đã nói ở trên.

Nhiều người Mỹ đã xăm hình bà thẩm phán Ruth Bader Ginsburg lên thân thể để tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi không thể tưởng tượng được có người Việt Nam nào muốn xăm mình hình ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hay của một vị thẩm phán nào đó. Tôi cho rằng không phải vì các vị thẩm phán Việt Nam bất tài. Không thể xem thường một nền tư pháp được sáng lập bởi một người như luật sư Vũ Trọng Khánh. Vấn đề là từ năm 1948 đến nay các vị thẩm phán và cả nền tư pháp đã bị cầm tù bởi “một siêu quyền lực quyết định tất cả, đó là cấp ủy lãnh đạo” (lời “sám hối" của ông Quang Đạm đăng trên báo Độc Lập như đã dẫn). Chỉ khi nào thoát khỏi nhà tù này, họ mới được là chính mình và khi đó thẩm phán sẽ là thần tượng.

Tài liệu tham khảo

[1] Nhiều tác giả: Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên. Nhà xuất bản Tri thức, 2015.

[2] Nguyễn Lương Hải Khôi: Lịch sử của hai con đường cộng sản – cộng hoà cho nền tư pháp. Trung tâm nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon.

(Cảm ơn M., V.H., N.H.P., D.D.H. đã đọc và cho ý kiến)

Comments

Hiep Duong said…
Viết rất hay em dzai
Eddie D'Angelo said…
a thái đọc quyển homo sapien, lược sừ loài người chưa ạ? Trong đó có nói hết về cách các nhà nước thành lập r đó. Nếu chưa đọc thì a nên đọc đi ạ.
Tan said…
Nếu có xăm mình hình ông Nguyễn Hòa Bình, chắc người ta chỉ xăm vào mông để mỗi khi đi ị thì coi như là ị lên mặt ổng thôi anh Thái.

Cơ quan hành pháp mà thối rữa bung bét ra hết thì hi vọng được gì vào nhà nước Pháp quyền.
Huyy said…
Có quá nhiều điều để nói.
admin said…
ở Việt Nam người dân mà nói đến luật pháp thì đa số là sợ run lên rồi. Kiểu như luật pháp, tòa án là nơi của các ông thần ban phát tha bổng hay bắt giam một thứ sợ hãi bất thành văn. Nhiều người chưa cần biết đúng sai ai nói gì đó về chính quyền, tòa án, công an ... là lảng tránh như sợ một thế lực ma quỷ nào đó rất ghê gớm. Tôi lấy một ví dụ đơn giản ở nhà tôi hay hàng xóm khi ai đó nói đụng chạm đến các lực lượng này là mấy ông bà già sẽ sồn lên : mày nói coi chừng công an bắt mày nghe mậy
tuan said…
Another excellent post. Thanks for sharing, anh Thai.
duyhoang said…
Nền tư pháp Việt Nam chỉ đáng vứt đi khi không tạo ra để bảo vệ lẽ phải mà để bảo vệ kẻ có tiền, có quyền.
invisible said…
VN giờ thực chất không khác gì chế độ quân chủ ngày xưa.