loss vs gain

(entry được viết trong một đêm mưa gió bão bùng, sau khi khổ chủ đã bị rớt ví và mất hết tiền trong đó )

Nếu xem x là đơn vị đo cảm xúc của con người, cộng thêm x nghĩa là vui hơn, trừ đi x nghĩa là buồn hơn, thì mất một số tiền bao giờ cũng trừ nhiều x hơn số x được cộng khi tự nhiên được đúng số tiền đó.

Các nhà tâm lý học thấy rằng, với cùng một số tiền, nếu rớt mất, người ta sẽ buồn gấp 2 đến 2.5 lần niềm vui mà họ có được, nếu họ nhặt được số tiền đó. Nói cách khác, nếu làm rớt 10 triệu, thì để bù lại nỗi đau này, người ta phải lượm được 20-25 triệu.

Thực tế cũng cho thấy, đối với một người, việc làm ra được 1 tỉ sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với làm ra 10 tỉ, rồi thua lỗ 9 tỉ, mặc dù tài sản cuối cùng của hai trường hợp là như nhau. Bởi lẽ cái hạnh phúc làm ra 9 tỉ chẳng thể bù lại được cho cái cảm giác đau đớn bị thua lỗ 9 tỉ.

Điều này cũng giải thích tại sao trong các trò đỏ đen, người thua bao giờ cũng *máu me* hơn người thắng. Người thua thường có xu hướng ngày càng đặt cược với số tiền lớn hơn số tiền trước đó, bởi lẽ họ muốn gỡ lại số tiền đã thua, vốn được họ đánh giá cao hơn giá trị thật của nó. Ngược lại, người thắng có xu hướng ngày càng đặt ít hơn, bởi lẽ họ không muốn mất đi số tiền đã thắng, vốn được họ đánh giá thấp hơn giá trị thật của nó.

Tâm lý này của con người được thể hiện khá rõ trong các thí nghiệm nổi tiếng của prospect theory.

Ví dụ như trong một thí nghiệm, các sinh viên được chia làm 2 nhóm. Một nhóm được chọn một trong hai lựa chọn:

* A: chắc chắn được 5 triệu

* B: 50% được 10 triệu, 50% không được đồng nào

Nhóm còn lại được chọn một trong hai lựa chọn:

* C: chắc chắn mất 5 triệu

* D: 50% mất 10 triệu, 50% không mất đồng nào

Nếu nhìn ở góc độ xác suất (và ở góc độ của kinh tế học cổ điển), thì hai lựa chọn A và B là như nhau, bởi cả hai đều có expected utility là +$500. Tương tự cho C và D, cả hai đều có expected utility là -$500. Nghĩa là theo lý thuyết, số người chọn A và C sẽ ngang bằng với số người chọn B và D.

Thật tế kết quả thí nghiệm cho thấy, khi đối diện với gain, hầu hết mọi người (84%) đều chọn A (sure gain) hơn là chọn B (risky larger gain). Nhưng khi đối diện với loss, hầu hết mọi người (70%) lại chọn D (risky larger loss) hơn là chọn C (sure loss).

Quay lại cái sòng bạc ở trên. Đối với người thua, họ đang có một cái sure loss (là số tiền đã thua), họ không muốn chọn giải pháp này, nên họ đặt cược thêm (nghĩa là chọn risky larger loss), chấp nhận sự thật là họ có thể thua thêm, để hi vọng là không bị thua gì hết. Đối với người thắng, họ đang có một cái sure gain (là số tiền họ đã thắng), họ muốn giữ nguyên tình trạng này, nên họ đặt cược ít đi, hay thậm chí là không đặt cược nữa (nghĩa là không chọn risky larger gain).

Tóm lại, người ta có xu hướng tránh rủi ro (risk averse) khi đối diện với gain, và chấp nhận rủi ro (risk seeking) khi đối diện với loss. Đây là hai cái heuristic đã chế ngự bộ não của con người trong quá trình tiến hóa.

Mục đích tối thượng của bất kỳ loài sinh vật nào, kể cả con người, là tồn tại để sinh sản và duy trì nồi giống. Nếu xem các chương trình thiên nhiên hoang dã, thể nào bạn cũng sẽ thấy cảnh một bầy sư tử rượt đuổi một đám bò nai dê ngựa chạy loạn xạ xì ngầu. Đám sư tử luôn chọn những con yếu, nhỏ nhất trong đàn mà rượt, mặc dù chắc chắn những con to khỏe hơn sẽ có nhiều dinh dưỡng hơn. Đơn giản vì chúng thích "smaller gain" hơn là "risky larger gain".

Ngược lại, bầy bò nai dê ngựa biết thể nào đi ra khu vực đó ăn cỏ hay uống nước thì cũng sẽ bị sư tử rượt, nhưng chúng vẫn làm, bất kể xung quanh toàn sư tử. Như đã nói ở trên, mục tiêu tối thượng của đám sinh vật này là tồn tại, là có cái ăn, là không bị chết đói, nên chúng sẵn sàng chấp nhận một cái risky larger loss (là bị sư tử ăn thịt), để hi vọng không bị mất gì cả (là được ăn, được uống mỗi ngày).

Đối với con người, hai cái heuristic này mạnh đến nỗi chúng dẫn đến các kết quả thí nghiệm trái với logic. Thí nghiệm nổi tiếng mang tên "dịch bệnh Châu Á" đã cho thấy điều này. Trong thí nghiệm này, các sinh viên được yêu cầu tưởng tượng rằng có một dịch bệnh có khả năng sẽ giết chết 600 người, rồi chọn một trong hai giải pháp để xử lý dịch bệnh này. Tiếp theo, tương tự như trên, các sinh viên được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất phải chọn một trong hai giải pháp:

* A: 200 người sẽ được cứu.

* B: 1/3 xác suất sẽ cứu được cả 600 người và 2/3 xác suất sẽ không cứu được ai cả.

Nhóm thứ hai phải chọn một trong hai giải pháp:

* C: 400 người sẽ chết.

* D: 1/3 xác suất sẽ không có ai chết, và 2/3 xác suất tất cả 600 người sẽ chết.

Như thí nghiệm ở trên, A và B có cùng expected utility là +200 người, còn expected utility của C và D là -400 người. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ, bạn sẽ thấy thật ra A chính là C, còn B chính là D. Chúng chỉ khác nhau ở cách diễn đạt, A và B diễn đạt theo hình thức cứu được (gain), còn C và D diễn đạt theo hình thức chết chóc (loss).

Nhưng kỳ thực, hầu hết mọi người (72%) chọn A hơn là chọn B, và đồng thời hầu hết mọi người (78%) lại chọn D hơn là chọn C. Nghĩa là, trong cùng một tình huống, con người ta sẽ có những chọn lựa rất khác nhau tùy theo cách diễn đạt tình huống đó là gain hay loss.

Các nhà tâm lý học và kinh tế học hành vi gọi đây là framing effect: nếu các lựa chọn được diễn giải theo hình thức gain, con người ta sẽ có xu hướng tránh rủi ro (risk averse); ngược lại, nếu các lựa chọn được diễn giải theo hình thức loss, con người ta sẽ có xu hướng chấp nhận rủi ro (risk seeking).

Một cách giải thích khác cho những kết quả trái logic này là con người ta có xu hướng đánh giá cao những thay đổi gần với trạng thái hiện tại của họ hơn là những thay đổi cách xa trạng thái hiện tại của họ.

Quay lại với thí nghiệm đầu tiên. Trong cặp lựa chọn thứ nhất, cái gain từ 0 đồng lên 5 triệu giá trị hơn cái gain từ 5 triệu lên 10 triệu, nên không có lý gì người ta mạo hiểm đánh đổi 5 triệu đầu tiên để lấy được 5 triệu thứ hai. Tương tự như thế, trong cặp lựa chọn thứ hai, mất 5 triệu đầu tiên, từ 0 đồng xuống -5 triệu, được đánh giá là mất nhiều hơn 5 triệu thứ hai, từ -5 triệu xuống -10 triệu, nên sẽ là hợp lý nếu người ta chấp nhận mất 10 triệu để không phải bị mất 5 triệu.

Tâm lý này cũng giải thích tại sao một số người, khi tham gia đầu tư kinh doanh trên thị trường chứng khoán hay vàng hay bất động sản, thường có hai hành động: bán ra các tài sản đang tăng giá và ôm các tài sản đang tuột giá.

Khi bán ra tài sản đang tăng giá, nghĩa là họ muốn chốt lời, mặc dù cái lời (gain) này chỉ là cái smaller gain, so với một cái risky larger gain có thể đạt được, nếu họ giữ tài sản thêm một thời gian nữa.

Khi ôm tài sản đang tuột giá, nghĩa là họ không muốn cắt lỗ, họ không muốn chấp nhận cái sự thật là họ đang thua lỗ, nên họ ôm tài sản thêm một thời gian, chấp nhận có thể phải hứng chịu một cái risky larger loss, để không phải thua lỗ gì cả.

Sự thật là có rất nhiều người không xem sự thua lỗ trên giấy tờ có giá trị ngang với thua lỗ bằng tiền tươi thóc thật. Có bao nhiêu người vẫn khư khư giữ các cổ phiếu đã mua khi VnIndex ở mức 800, 900 hay 1000 cho đến tận bây giờ? Tôi nghĩ là rất nhiều. Đối với họ, trên giấy tờ, trong tâm tưởng của họ, các cổ phiếu này vẫn có giá trị như lúc VnINDEX ở mức 800, 900 hay 1000, họ không muốn chấp nhận cái sự thật, kèm theo cảm giác đau đớn, khi phải bán chúng ra với giá rẻ như bèo.

Đừng nghĩ những người hành động như thế là ngu nhen, trời ơi, mất tiền đau đớn lắm :((, chẳng ai muốn trải nghiệm cái cảm giác đó đâu.

Bài học rút ra từ entry này: không bao giờ để ví tiền trong cốp xe.

Comments

Unknown said…
Bai viet hay !!

Cho to dem ve blog nhe, se de ten tac gia day du !
Anonymous said…
Sao ở trên bảo là rớt ví tiền , ở dưới khuyên ko để tiền trong cốp xe ?Có một chỗ thái gõ nhầm là kiếm đươc 10 , lỗ 9 . Chứ ko phải kiếm đươc 9
Thai Duong said…
@anonymous: ví để trong cốp, trời mưa, lấy áo mưa ra, ví rớt ra ngoài cốp :((. Còn cái vụ 9 tỉ hay 10 tỉ, tôi viết đúng mà bồ. Bồ đọc kỹ lại xem.
Unknown said…
Chia buồn vì mất ví. Bài viết hay ^^. Hỏi Thái cái này chút chơi, nếu bi h trong ví Thái ko có tiền. Coi như giá cái ví là ko đáng kể, tổng giá trị các loại giấy tờ trong đó (mang bán, cầm đồ...) và tổng số thiệt hại nếu phải đi làm lại chúng (mất vài ngày nghỉ quy ra lương và hao tổn sức khỏe)... cộng lại là 10 tr. Thằng nào đó nhặt đc đòi chuộc 9 tr. Thái chọn cách nào? Tại sao? :D
Thai Duong said…
theha: đây là một câu hỏi hay :p. tôi sẽ trả lời bằng một cái post khác, stay tuned ;).
Thang Man said…
Chào anh!
Em là đọc giả thường xuyên trên blog của anh.
Cảm ơn anh đã có những bài viết "chất lượng" cả về mảng kỹ thuật và non-kỹ-thuật.
Em xin được mạn phép chia sẻ bài viết này về để trên Face của em nhé!
(em đã "tiền trảm hậu tấu" mà không cần đợi anh có đồng ý hay không rồi :)