Tối cao Pháp viện có quyết định kết quả bầu cử?

Cập nhật 23/11/2020: Tối cao Pháp viện vẫn chưa xử vụ kiện của Trump.

H. nhắn tin hỏi vậy Tối cao Pháp viện Mỹ có xử vụ bầu cử không. Nó nói ngày nào cũng vô blog này canh me canh chua tôi có viết cái gì mới không. Thiệt sự tôi cũng ngán cái món bầu cử này rồi, cả mấy tuần nay không làm ăn gì được cả, nhưng nghe nó nói vậy nên tôi viết tiếp.

Trump đang thưa kiện rất nhiều nơi, nhưng cho đến giờ chỉ mới có một vụ lên tới Tối cao Pháp viện. Trước khi nói về vụ kiện, cần phải làm rõ thế này:

* Kết quả vụ kiện không thay đổi kết quả bầu cử.

* Nếu Trump thắng kiện, Trump vẫn thua ở Pennsylvania.

* Phe của Trump không kiện vì cho rằng có gian lận phiếu bầu, mà kiện vì cho rằng luật bầu cử ở bang Pennsylvania vi phạm hiến pháp. Kể cả Trump thắng kiện, vẫn không có lý do hay bằng chứng để tin rằng đã có gian lận bầu cử. Jones Day, hãng luật sư đại diện đảng Cộng Hòa trong vụ kiện này, cũng nói rằng họ không đại diện cho Trump hay đảng Cộng Hòa trong bất kỳ vụ thưa kiện nào liên quan đến gian lận bầu cử.

* Tòa không quyết định ai sẽ là tổng thống, chỉ có kết quả bầu cử mới quyết định chuyện đó. Tòa cũng không quyết định bầu cử có gian lận hay không. Tòa chỉ quyết định luật bầu cử ở Pennsylvania có vi phạm hiến pháp hay không.

Trước đây luật của Pennsylvania bắt buộc phiếu bầu qua mail phải được gửi đến ủy ban bầu cử trước giờ đóng thùng phiếu (tức cuối ngày 3/11/2020). Sau đó Tòa tối cao Pennsylvania (không phải Tối cao Pháp viện Mỹ) ra phán quyết yêu cầu ủy ban bầu cử chấp nhận tất cả phiếu bầu qua mail nhận được trong vòng 3 ngày sau ngày bầu cử, miễn sao phiếu đó đã được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu. 

Hồi cuối tháng 9, đảng Cộng Hòa đã kiện ra Tối cao Pháp viện một lần rồi. Họ nói rằng Tòa tối cao Pennsylvania không được quyền can thiệp vào luật bầu cử tổng thống và quốc hội liên bang, vì luật này thuộc phạm trù liên bang, được điều chỉnh bởi luật liên bang và Hiến pháp Mỹ. Luật liên bang quy định chỉ có một ngày bầu cử, kéo dài thêm 3 ngày là phạm luật. Hiến pháp Mỹ giao quyền cho những nhà lập pháp bang Pennsylvania tạo ra luật bầu cử ở bang này, hiến pháp bang Pennsylvania không có quyền tài phán trong chuyện đó.

Lúc bấy giờ Tối cao Pháp viện, chỉ có 8 thẩm phán, vì bà RBG vừa qua đời, đã đưa ra phán quyết với tỉ số 4-4. Kết quả huề nghĩa là nguyên đơn thua, tức là phiếu bầu qua mail gửi trễ 3 ngày vẫn được chấp thuận. Nhắc lại, những phiếu bầu này vẫn phải được đóng dấu bưu điện trước giờ đóng thùng phiếu. Đó là tình hình trước bầu cử.

Khi cuộc bầu cử bắt đầu, trong lúc bang Pennsylvania đang kiểm phiếu, nhắm thấy đã thua, đảng Cộng Hòa mở lại vụ kiện cũ. Trước khi Tòa ra quyết định có nhận xử hay không, đảng Cộng Hòa yêu cầu Tối cao Pháp viện ra lệnh buộc các ủy ban bầu cử ở các hạt trong bang Pennsylvania phải tách những phiếu bầu qua mail gửi trễ ra riêng và không được đếm những phiếu bầu này. Thẩm phán tối cao Alito chấp thuận đề nghị đầu tiên, nhưng gạt đề nghị thứ hai.

Theo thống kê từ ủy ban bầu cử Pennsylvania thì từ ngày 4/11 đến ngày 6/11, họ chỉ nhận được khoảng 10.000 phiếu bầu qua mail. Trong khi đó, Biden đang dẫn hơn 53.000 phiếu rồi. Do đó có đếm hay không những phiếu này thì kết quả bầu cử cũng không thay đổi, Biden vẫn thắng.

Đây là một vụ kiện quan trọng, không phải vì nó ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, không phải vì nó sẽ chứng minh có gian lận hay không, mà vì nó sẽ trả lời câu hỏi: ai được quyền quyết định luật bầu cử? Do đó, nhiều khả năng Tối cao Pháp viện sẽ chấp nhận xử. Tôi đoán Tòa sẽ xử thắng cho đảng Cộng Hòa, nhờ phiếu của thẩm phán Barrett mới thế chỗ RBG.

Lúc đó nhiều người sẽ vin vào kết quả vụ kiện này mà cho rằng Trump đã thắng, rằng đã có gian lận. Đây là cách Trump tìm kiếm sự ủng hộ, mặc dù đã biết rõ vụ kiện không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Tôi hi vọng mọi người sẽ tỉnh táo.

Comments

Kha Tran Ac said…
Ở VN, nếu bạn gửi tiền ở ngân hàng và bạn bị mất trộm tiền, bạn phải tìm tên trộm mà đòi, bất chấp kết quả điều tra đã chỉ ra tên trộm là một nhân viên ngân hàng.

Tôi không sống ở HK, không rành luật pháp ở bển, ngưng tôi tin rằng HK, cũng như nhiều nước có nhân quyền khác, trách nhiệm trong trường hợp này thuộc về ngân hàng.

Trong việc bầu cử ở bang Pennsylvania cũng thế. Nếu chuyển thư là một dịch vụ công ích và luật pháp cho phép bầu cử bằng thư, thì thùng thư và thùng phiếu là bình đẳng. Cử tri chỉ việc bỏ thư vào thùng trước khi hết hạn bầu (ngày 4/11). Thư được đóng dấu trước ngày đó, thư không đóng dấu hoặc dấu đóng bị phai không thể đọc ra, đều giá trị như nhau. Cử tri không chịu trách nhiệm việc đóng dấu lên phong bì thư.

Bởi lẽ đó, tôi cho rằng phán quyết trước kia của tòa án tối cao liên bang chỉ phản ánh cái nhìn của những ngưòi phán xử về 1 vấn đề duy nhất: bưu điện có phải là dịch vụ công ích hay không. Tỷ số 4-4, hơn là 8-0, cho thấy đây là vấn đề còn gây tranh cãi.

Tôi không biết quan điểm của bà Barret về vấn đề đó. Tuy nhiên, vì bà ấy còn khá trẻ, tôi đoán có lẽ câu trả lời của bà ấy là "có". Nói cách khác, nếu bà tham gia vụ kiện trước đây, phán quyết có lẽ sẽ là 5-4 bất lợi cho đảng cộng hòa, bất chấp bà ấy được là một người bảo thủ và bà được đề cử bởi 1 tổng thống cộng hòa.

Tôi không biết lần này ông Trump kiện bang Penn lên tòa án tối cao liên bang chính xác về luật nào (hay phán quyết nào của tòa án bang Penn, vốn dĩ là luật). Nhưng tôi biết một điều, vấn đề càng to tát, khả năng thắng kiện của ông Trump càng vô vọng.

BTW, tôi yêu ông Trump. Nhuwng tôi chưa bao giờ ảo vọng ông Trump thắng cử. Xem thêm Allan Lichtman.
seanxluong said…
Thực ra cái "hay" của vụ kiện này là ở chỗ trong một quốc gia tự hào với sự dân chủ và khái niệm tất cả mọi người đều bình đẳng như Mỹ, thì lá phiếu của một cử tri muốn được tính vào kết quả bầu cử lại bị cố tình làm cho trở nên khó khăn. Ngay cả khi 10000 lá phiếu nhận được qua thư từ ngày 4/11 tới 6/11 đó bị xem là không hợp lệ thì thực chất nó cũng đã là những lá phiếu thể hiện nguyện vọng của cử tri rồi.

Vụ kiện này có thể xem là một trong những ví dụ của voter suppression.
Kha Tran Ac said…
Tôi không bình luận vụ kiện mới này vì không biết chi tiết. Trở lại vụ kiện đã phán quyết vừa rồi. Tỷ số phán quyết 4-4 bất chấp tỷ số tự do - bảo thủ là 3-5 cho thấy một điều sâu xa hơn. Tòa án tối cao liên bang, phù hợp với tinh thần của hiến pháp, tránh can thiệp vào chính trị, nhất là vấn đề bầu cử. Nói cách khác, họ cố tránh sai lầm của 20 năm trước.

Nếu hiểu điều này, ông Trump có thể khai thác tòa án tối cao liên bang theo lộ trình sau.

Bước 1, nghị viện bang X tuyên bố A thắng và lên danh sách đại cử tri tương ứng (do đảng A đề nghị) đồng thời thống đốc bang X tuyên bố B thắng và lên danh sách đại cử tri trái ngược.

Bước 2, trên cơ sở đó, tòa án tối cao liên bang vô hiệu hóa cả 2 đại cử tri đoàn của bang X (và tuyên vi hiến bất cứ phán quyết nào của tòa án bang X nếu tòa án này dám mở miệng).

Lặp lại 2 bước trên cho bang Y, Z,... đến khi cả A lẫn B không còn đủ 270 phiếu đại cử tri.

Bước 3, quốc hội liên bang, nơi đảng cộng hòa chiếm ưu thế trong thượng viện và cả hạ viện tính theo số bang (hơn là số nghị sỹ) chiểu theo tu chính án 12 bầu ra tổng thống và phó tổng thống.

Nhắc lại, tôi chưa bao giờ ảo vọng ông Trump thắng cử. Song tôi với hiểu biết nông cạn thấy rằng ông Trump chỉ có mỗi cách ấy thôi.
Thai Duong said…
>Bởi lẽ đó, tôi cho rằng phán quyết trước kia của tòa án tối cao liên bang chỉ phản ánh cái nhìn của những ngưòi phán xử về 1 vấn đề duy nhất: bưu điện có phải là dịch vụ công ích hay không. Tỷ số 4-4, hơn là 8-0, cho thấy đây là vấn đề còn gây tranh cãi.

Cho đến giờ các vị thẩm phán tối cao vẫn chưa công bố ý kiến của họ. Họ chỉ công bố ai ủng hộ, ai phản đối trong vụ kiện ban đầu mà thôi.

>Tôi không biết lần này ông Trump kiện bang Penn lên tòa án tối cao liên bang chính xác về luật nào (hay phán quyết nào của tòa án bang Penn, vốn dĩ là luật). Nhưng tôi biết một điều, vấn đề càng to tát, khả năng thắng kiện của ông Trump càng vô vọng.

Bạn có thể coi đơn kiện để biết. Tôi có link đến và có tóm tắt nội dung kiện của họ.
Loc Bui said…
"Hiến pháp Mỹ giao quyền cho những nhà lập pháp bang Pennsylvania tạo ra luật bầu cử ở bang này, hiến pháp bang Pennsylvania không có quyền tài phán trong chuyện đó." -- Ý của Thái có phải là "tư pháp bang Pennsylvania không có quyền tài phán trong chuyện đó"?
Thai Duong said…
Loc Bui: lập luận của đảng Cộng Hòa là tư pháp bang PA có quyền, nhưng hiến pháp bang thì không. Vì hiến pháp Mỹ giao quyền cho tư pháp bang.
Kha Tran Ac said…
Thai Duong: tôi không thấy link. Có phải Thái đề cập đến đề nghị của ông Trump tham gia, với tư cách nguyên đơn, vào 2 vụ kiện 20-542 (đảng cộng hòa Penn kiện bộ trưởng nội vụ Penn) và 20-574 (1 công dân kiện đảng dân chủ Penn) về phán quyết của tòa án tối cao bang Penn cho phép nhận phiếu gửi qua thư thêm 3 ngày?

Nếu thế, mục tiêu của nguyên đơn trong 2 vụ kiện này bao trùm cả vụ kiện trước đây (vốn đã kết thúc với tỷ số hòa 4-4). Vụ kiện trước đây chỉ phản đối _nội dung_ của phán quyết, còn 2 vụ kiện mới phản đối _tư cách_ của người phán quyết (tư pháp bang Penn).

Để tránh tác động đến chính trị, cụ thể cuộc bầu cử năm 2020, tòa án tối cao đã quyết định hoãn xét xử đến khi bầu xong.

Và, như tôi đã nói trên, điều mà nguyên đơn yêu cầu thực chất là _xét lại_ cách diễn giải hiến pháp không chỉ về việc bầu cử mà còn cả nguyên lý nền tảng của hệ thống pháp luật, một vấn đề lớn, tôi không nghĩ nguyên đơn có cơ hội thắng kiện.