Việt Nam và 5G

Nhân dịp nhà báo Huy Đức bàn về Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và công nghệ 5G, tôi muốn cung cấp một số thông tin để rộng đường dư luận. Tôi đã gửi bài này cho nhà báo Huy Đức và ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, người đã từng chất vấn Bộ trưởng Hùng về 5G.

3GPP là tổ chức chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển công nghệ viễn thông cho cả thế giới. 3G, 4G, 5G cũng từ đây mà ra. Dữ liệu từ 3GPP cho thấy đóng góp của Việt Nam cho quá trình nghiên cứu phát triển 5G là con số không tròn trĩnh.

754 công ty thành viên của 3GPP từ 45 quốc gia bắt đầu xây dựng chuẩn 5G từ cuối năm 2016. Các tập đoàn hàng đầu như Huawei, Qualcomm, Ericsson, Nokia, v.v. đã chi hàng tỉ USD đầu tư nghiên cứu. Họ cạnh tranh với nhau bằng những đóng góp kỹ thuật gọi là TDoc. 3GPP công bố đầy đủ ai đóng góp cái gì.

Tôi không tìm thấy đóng góp nào của Việt Nam. Cũng đúng thôi, muốn đóng góp phải là thành viên chính thức, nhưng tôi không thấy có tổ chức hay doanh nghiệp Việt Nam nào là thành viên của 3GPP. Trong các thống kê về bằng phát minh công nghệ 5G, tôi cũng không thấy công ty, tổ chức nào đến từ Việt Nam.

Ở Việt Nam người ta hay dùng từ "làm chủ công nghệ". Tôi hiểu làm chủ là có đủ sức ảnh hưởng để thay đổi công nghệ phát triển theo ý đồ của mình. Đó là lý do các hãng tập trung đóng góp qua TDoc, vì đây là cách họ tạo ảnh hưởng để điều chỉnh công nghệ theo hướng có lợi cho họ nhất.

Vì không có đóng góp vào công nghệ lõi 5G, Việt Nam hoàn toàn không có khả năng này, tức là thế giới làm ra sao mình sẽ xài vậy, có thể sẽ thay đổi chút xíu cho đúng với "định hướng xã hội chủ nghĩa", nhưng hoàn toàn không có quyền quyết định gì đối với sự phát triển của công nghệ lõi.

Ngoài 3GPP, còn có một tổ chức liên quan đến 5G là O-RAN Alliance. Viettel, VinSmart (đã giải thể), Mobifone và VNPT là thành viên của tổ chức này. O-RAN Alliance được thành lập năm 2018 để tạo ra một thiết kế mở cho RAN (Radio Access Network).

Trong kiến trúc mạng di động, RAN là phần quan trọng, kết nối thiết bị của người dùng vào mạng lưới của nhà mạng. RAN bao gồm rất nhiều phần cứng, phần mềm phức tạp. Trước đây, muốn xây dựng RAN nhà mạng phải mua giải pháp trọn gói của Nokia, Ericsson hay Huawei. Thiết bị của hãng này không chạy được với hãng kia, khiến các nhà mạng hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty cung cấp giải pháp.

O-RAN Alliance đặt mục tiêu thay đổi tình trạng này bằng cách tạo ra tiêu chuẩn mở, giao diện mở, phần mềm, phần cứng mở. Các nhà mạng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, từ đó giảm lệ thuộc và chi phí vận hành đầu tư. Do đó việc các nhà mạng Việt Nam tham gia O-RAN Alliance là một chiến lược đúng, nhất là trong bối cảnh giải pháp của Huawei tuy rẻ nhưng đem lại nhiều lo ngại về an ninh.

Nhưng tham gia O-RAN không có nghĩa Việt Nam dẫn đầu thế giới về 5G. Ngoài Việt Nam, O-RAN Alliance đã có hơn 200 thành viên. Trong các báo cáotiêu chuẩn đã công bố của O-RAN, tôi không tìm thấy tên người Việt hay công ty Việt trong danh sách tác giả. Việt Nam cũng không có đại diện trong Board of Directors của O-RAN.

Tức là nhiều khả năng, cũng như 3GPP, Việt Nam chỉ dùng lại những gì O-RAN Alliance cung cấp sẵn, có rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến những tiêu chuẩn công nghệ do tổ chức này tạo ra. Tôi hi vọng tôi sai và có ai đó sẽ chỉ ra đóng góp lớn của Việt Nam.

Trong số các nhà mạng Việt Nam, Viettel có nhiều tuyên bố nhất về 5G. Tháng 1/2020, Viettel trình diễn cuộc gọi 5G "Make in Vietnam" đầu tiên, tuyên bố chỉ sau sáu tháng nghiên cứu đã sản xuất thành công thiết bị 5G, trở thành công ty thứ sáu trên thế giới có khả năng này, ngang hàng với những Nokia, Ericsson, Huawei, Samsung, ZTE. Báo chí nước nhà hoan hỉ loan tin Việt Nam đã trở thành cường quốc đứng thứ năm thế giới về 5G, trong khi chuyên gia bày tỏ nghi ngờ.

Viettel nói họ đã chế tạo thành công trạm thu phát sóng 5G gNodeB. Tôi không biết họ đã làm gì, tôi chỉ biết là ai cũng có thể tự "sản xuất" gNodeB, sử dụng phần mềm mã nguồn mở và phần cứng mua ở chợ. Bạn hoàn toàn có thể trình diễn cuộc gọi 5G như Viettel đã làm và trở thành quốc gia thứ sáu sản xuất thành công thiết bị 5G.

Thành viên sáng lập của O-RAN Alliances là năm nhà mạng viễn thông thuộc hàng lớn nhất thế giới: AT&T của Mỹ, China Mobile của Trung Quốc, Deutsche Telekom của Đức, NTT DOCOMO của Nhật và Orange của Pháp. Câu hỏi tự nhiên là sao họ không sản xuất thiết bị như Viettel? Phải chăng Viettel quá siêu, làm được những điều thần kỳ mà các tập đoàn này không thể làm?

Nói vậy không có nghĩa Viettel không có đầu tư nghiên cứu gì. Trong một báo cáo nhan đề "Xu hướng 5G Open-RAN @ Thiết bị mạng 5G MAKE-IN-VIETNAM" ghi ngày 18/11/2020, Viettel cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu gNodeB từ đầu năm 2018. Họ không ghi phiên bản trình diễn vào tháng 1/2020 sử dụng giải pháp gì, kế hoạch đến tháng 6/2021 sẽ dùng O-RAN.

Bộ giao thức 5G bao gồm 3 lớp. Trong một trình diễn vào tháng 1/2021 ở Mobile World Congress Thượng Hải, Viettel cho biết họ tự chế tạo phần mềm cho lớp 2, lớp 3 chạy trên Linux x86 và phần cứng cho lớp 1 theo chuẩn của O-RAN.

Rất khó để biết chính xác Viettel làm được gì. Như tôi đã nói ở trên, có nhiều phần mềm mã nguồn  mở cho 5G, ai cũng có thể tải về xài. Về phần cứng, cũng có nhiều nhà cung cấp. Muốn đạt tốc độ cao, 5G cần công nghệ thiết kế và sản xuất chip mà Việt Nam hoàn toàn không có. Demo của Viettel ở Thượng Hải chỉ đạt tốc độ download 572Mbps, bằng 1/8 so với trình diễn sử dụng thiết bị của Ericsson.

Cuối cùng, có một nhập nhằng trong câu chuyện thương mại hóa 5G. Việt Nam có thể thương mại hóa 5G sử dụng thiết bị nước ngoài. Ngoài Ericsson, Viettel cũng đang thử nghiệm ở Đà Nẵng với Samsung. Cái này dễ làm, vì chỉ cần bỏ tiền ra mua. Câu hỏi là có nên làm 5G ngay bây giờ không? Tôi sẽ quay lại vấn đề này vào một dịp khác.

Còn câu chuyện mà Viettel nói là thương mại hóa bằng thiết bị do họ tự nghiên cứu sản xuất. Nếu họ làm được thì cũng đáng mừng, nhưng ngay cả như vậy cũng không cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới về 5G, một công nghệ chúng ta không có đóng góp gì.

Không tìm thấy đóng góp của Việt Nam. Bà con có thể tự tìm ở đây.

Đóng góp của Huawei.
Thống kê bằng phát minh liên quan đến 5G đến tháng 11/2021 của IPLytics, dựa vào dữ liệu của ETSI

Comments

Anonymous said…
Nói gì về Vinfast đi a
Anonymous said…
"Làm chủ công nghệ" không có nghĩa là tạo ra công nghệ mới hay đi đầu một công nghệ nào đó đâu.

Nó chỉ có nghĩa là bắt chước lại được công nghệ đã có sẵn một cách thành thạo thôi. Ví dụ như mình nhập một cái máy về, bóc ra xem nó chạy thế nào, gọi là giải mã công nghệ. Đến khi hiểu nó làm thế nào rồi thì có thể bắt chước làm một cái máy tương tự và làm một cách thành thạo. Tức là nếu nó có lỗi ở đâu thì biết đường sửa, không cần thuê người nắm công nghệ đó ở nước ngoài về để sửa.

Việc giải mã công nghệ chỉ áp dụng với công nghệ đóng, còn công nghệ mở thì không cần giải mã. Nhưng sử dụng công nghệ mở thành thạo đôi khi cũng được gọi là làm chủ công nghệ rồi.


Ah Tho said…
Đường vẻ la mã còn lâu lắm.
Anonymous said…
Cảm ơn anh Thái đã chia sẻ. Bọn kia bọn nó vẽ ghê lắm.
Thai Duong said…
>Nó chỉ có nghĩa là bắt chước lại được công nghệ đã có sẵn một cách thành thạo thôi.

Tôi nghĩ đây là một tiêu chí quá thấp. Đôi khi người ta chỉ tải phần mềm về cài đặt, Việt hóa nhưng vẫn hiên ngang làm chủ. Tiêu chí mà tôi đặt ra cao hơn và sẽ phản ánh chính xác hơn khả năng thật sự của người phát ngôn.
Anonymous said…
Anh có thể đọc Luật Chuyển giao công nghệ, Điều 6.2. Một trong những phương thức của chuyển giao công nghệ là: "2. Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận."

Bốn chữ "làm chủ công nghệ" trong tiếng Việt chỉ có nghĩa vậy thôi. Nó rất thấp, mình thừa nhận.

Nguyen Manh Lan said…
Cám ơn anh về bài viết, em vẫn biết là anh hùng nổ, nhưng giờ thì đã rõ là nổ to như thế nào.
x2pi3141 said…
Nổ để kiếm tiền kiếm tiếng.
Linhnc308 said…
This comment has been removed by a blog administrator.
Anonymous said…
Nhờ bài viết này mà người Việt sẽ có tên đóng góp trong 6G, 7G.
Anonymous said…
Anh Hùng từ viettel ra, Khi ở Viettel ảnh cũng làm chủ công nghệ modem ADSL bằng cách nhập của tàu về thay logo và Việt hóa lại nội dung bên trong.

Làm chủ công nghệ của anh Hùng là vậy thôi chứ có tài năng gì nhiều đâu anh.

Đâu chỉ riêng anh Hùng hàng mấy chục ông bự bự đứng đầu dân cũng chỉ mong họ viết tiếng việt rõ chữ không sai chính tả, đọc hiểu tốt là dân vui lắm rồi. (không phát biểu kiểu cờ vờ lờ mờ.., không đổ lỗi cho đánh máy nữa là hạnh phúc của dân tộc rồi anh)
Anonymous said…
Bạn Thái cực đoan quá rồi. Làm chủ công nghệ không bắt buộc là phải "có ảnh hưởng thay đổi". Hơn nữa việc làm được ra cái gNodeB nếu theo kiểu bạn nói thì chỉ là kiểu thú vui cá nhân thôi chứ để thành sản phẩm đại trà, hoạt động ổn định trong điều kiện thực tế nó khác nhiều lắm, tự làm đại trà được là cũng rất khá đấy, không đơn giản đâu. Túm lại, bước từng bước một, nhà nghèo phải vậy thôi.
Anonymous said…
Ở Viettel có nói đến văn hóa: Ăn - Tiêu hóa - Sáng tạo. Cách làm 5G của Viettel đang đến giai đoạn Tiêu hóa rồi, phải tiêu hóa được tri thức, công nghệ của thế giới thì mới mong có Sáng tạo và đóng góp chuẩn cho thế giới. Làm nghiên cứu là cả một chặng đường dài chứ không phải chỉ đơn giản bảo làm chủ 5G là cứ phải có đóng góp ở 3GPP. Nếu tri thức của người Việt thực sự được tập trung, hợp lực thì hy vọng một ngày không xa Việt Nam sẽ có tên trong đóng góp cho 6G, 7G. Viettel và nhiều công ty ở VN đang cố gắng làm việc đó, tạo ra được lứa lớp làm R&D thực sự và định hướng lâu dài. Quan trọng hơn là đất nước phải giàu đã, thì mới có tiền để dành cho R&D.
Thai Duong said…
>Hơn nữa việc làm được ra cái gNodeB nếu theo kiểu bạn nói thì chỉ là kiểu thú vui cá nhân thôi chứ để thành sản phẩm đại trà, hoạt động ổn định trong điều kiện thực tế nó khác nhiều lắm, tự làm đại trà được là cũng rất khá đấy, không đơn giản đâu. Túm lại, bước từng bước một, nhà nghèo phải vậy thôi.

Từ tháng 1/2020, khi demo cuộc gọi đầu tiên Viettel đã tuyên bố "công ty thứ năm trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G" rồi bạn ơi. Demo như vậy thì ai cũng làm được.

Tôi không phản đối gì chuyện Viettel tự sản xuất thiết bị 5G và cũng đã ghi nhận những kết quả ban đầu của Viettel. Tôi cũng là kỹ sư, tôi không muốn belittle thành quả của đồng nghiệp, dẫu nhỏ hay lớn.

Tôi không biết Viettel có sản xuất đại trà chưa và trong mỗi thiết bị thì phần nào Viettel làm, phần nào mua, phần nào sử dụng lại đồ có sẵn. Tôi đã tìm nhưng không thấy thông tin cụ thể, ngoài những gì tôi đã liệt kê trong bài. Nếu bạn có thông tin chi tiết mời bạn chia sẻ.
Thai Duong said…
>This comment has been removed by a blog administrator.

Tôi xoá comment này theo yêu cầu của tác giả.
Anonymous said…
- Anh Thái có vẻ không thạo ý nghĩa cụm từ tiếng Việt "làm chủ công nghệ" như vài comment ở trên đã chỉ ra, cái này có thể thông cảm sau mấy chục năm anh không dùng tiếng Việt, truyền thông khoe khoang "làm chủ công nghệ" là muốn nói tới có thể sản xuất. Anh hiểu sai tiếng Việt rồi thấy có nghĩa vụ phải viết bài đính chính cho bà con trong nước là Việt Nam/Viettel chỉ hướng tới sản xuất chứ không phát minh hay định nghĩa ra chuẩn 5G ?
- Tôi nghĩ các anh truyền thông Viettel không dốt đến mức tuyên bố là công ty thứ 5, tôi vừa google lại cho chắc thì họ tuyên bố VN là quốc gia thứ 5 hoặc 6 tuỳ bài báo, anh làm ở google chắc cũng nên dùng google để xác thực lại thông tin ?
- Thử nghiệm DIY 5G đúng là có thể cho sinh viên tự lắp theo hướng dẫn youtube, nhưng tôi lại vừa google báo tiếng việt, cuối năm 2021 thì đã thử nghiệm công cộng ở quy mô (5?) thành phố.
Cái link anh dẫn, thử nghiệm video call trên thiết bị tự sản xuất, lại nhắc anh tiếng Việt, sản xuất khác với sinh viên tự lắp.
Tôi lấy 1 ví dụ tương tự, phần mềm mạng xã hội sinh viên cũng làm được, nhẽ khi Google tuyên bố làm/thử nghiệm thành công MXH anh nên đập vào mặt team đó câu "ai cũng có thể làm được không nên to mồm" nhỉ.
- Việt Nam không dẫn đầu công nghệ 5G theo cách anh hiểu tiếng Việt thôi, chứ tôi nghĩ tự chủ sản xuất được là rất quý, sản xuất cái gì ứng dụng thực tế được là rất tốt rồi, các anh rảnh việc ngồi google thì mới mất ít công sức như tôi đang google và gõ mấy dòng này thôi.
Anonymous said…
tuyen bo "lam chu cong nghe" la ho da khiem ton roi, chung nao ma tuyen bo "lam day to cong nghe" moi goi la no cac ban ah :D:D:D
Thai Duong said…
Anonymous:

Trích từ http://viettelrd.com.vn/quoc-gia-thu-sau-co-nang-luc-san-xuat-thiet-bi-mang-cho-5g:

>Việc Viettel cho thử nghiệm thành công mạng 5G với phạm vi phòng thí nghiệm năm 2019 đã đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia thử nghiệm thành công 5G. Tiếp đó với việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G thành công tiếp tục đưa Viettel vào top 6 công ty viễn thông cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei,... Và đặc biệt hơn chính là việc Viettel là nhà mạng viễn thông duy nhất trong 6 công ty trên. Việc Việt Nam thử nghiệm thành công mạng 5G trên chiếc điện thoại 5G thuần Việt đã khiến công đồng thế giới xôn xao về năng lực và tiềm lực công nghệ của nước ta.
Thai Duong said…
>tuyen bo "lam chu cong nghe" la ho da khiem ton roi, chung nao ma tuyen bo "lam day to cong nghe" moi goi la no cac ban ah :D:D:D

Hahaha phát hiện quá hay :))
Anonymous said…
>"Anh Thái có vẻ không thạo ý nghĩa cụm từ tiếng Việt..."
Đọc lại phần comment bên trên của anh Thái? Dù gì trong bài cũng nói rõ cách hiểu của tác giả trước khi nêu vấn đề mà!?

>"Tôi nghĩ các anh truyền thông Viettel không dốt đến mức tuyên bố là công ty thứ 5,..."
Hả là sao thì anh Thái nói sai chỗ nào bạn hiền, đọc kỹ bài viết dùm u là chời ???

>"Thử nghiệm DIY 5G đúng là có thể cho sinh viên tự lắp..."
Thì anh Thái bảo ai cũng có thể tự "sản xuất", chứ có bảo ai cũng đem thử nghiệm cấp thành phố được đâu?

>"Việt Nam không dẫn đầu... đáng quý...rảnh việc...gõ mấy dòng này thôi."
Đọc lại comment phía trên của anh Thái -_-

Tóm lại ha, thứ duy nhất bạn hiền cần google là từ khóa "nhét chữ vào mồm", "loaded question", "put words in someone’s mouth".

Anh Thái ơi, em nghĩ chính các anh chị kỹ sư khi hoàn thành project cũng tự hiểu khả năng, nguồn lực hiện tại ở đâu so với thế giới. Chỉ có nhà báo ngốc nghếch về công nghệ, hoặc thừa hiểu nhưng vì abc&$* gì đó nên mới ra bài kiểu vậy.
Anonymous said…
Lính của anh Hùng "cứu nỗi đau của nhân dân" thay vì vô đây cà khịa thì nên dành thời gian học bảng cửu chương. Ảnh trả bài không thuộc là ăn lựu đạn chứ chẳng chơi.
Anonymous said…
Ô, hoá ra mấy ông Viettel bảo công ty thứ mấy thật, truyền thông mà ngô nghê quá. Cái này lỗi tôi, ghi nhận là google xong đọc tít chứ không đọc bài.
Bài của anh Thái tóm gọn trong 3 câu
- Việt Nam chỉ sản xuất chứ không phát minh hay áp đặt chuẩn 5G
- Thử nghiệm lắp mạch 5G tự làm DIY theo youtube được, trình diễn 5G như Viettel thì ai cũng làm được (nội dung này anh Thái nói chưa chuẩn, ai cũng làm được bằng mồm thôi, vì chưa có ai làm thật video call như bọn nó làm cả)
- Anh Thái không biết Viettel đang làm gì, nhưng làm được thì cũng mừng

Tôi gặp vài người đọc xong không hiểu lắm anh Thái nói gì nhưng tạm kết luận là VN toàn bốc phét chứ không làm được 5G như bọn nó bảo đâu. Đây không phải lỗi hay liên quan anh Thái nhưng coi như phản hồi tình hình người đọc cho anh biết thôi.

Tuy anh Thái có bảo nó làm được thì cũng mừng, nhưng câu chuyện tôi nhìn thấy là Viettel/ông Hùng khoe, nếu mà lựa chọn câu từ cẩn thận đừng nói chữ công ty thì tôi cũng không thấy có gì sai sự thật, anh bảo thường thôi ai cũng làm được, không có gì đáng khoe. Tôi chỉ thấy ở bài viết của anh sự mỉa mai không nên có, thay vì vui mừng với những việc đã làm được.
Anonymous said…
Các bạn google với từ khóa "Viettel high tech brings 5G to Vietnam" sẽ thấy có một bài Whitepaper của Intel nói về việc làm 5G này. Intel chắc không đến mức nhận tiền để đăng quảng cáo đâu. Tôi nghĩ họ đã làm thật và đã có chút kết quả trong việc sản xuất ra trạm BTS 5G. Có chăng truyền thông làm hơi quá lên thôi. Vậy là cũng mừng cho Việt Nam mình rồi.
Anonymous said…
ho chi don gian la "tiep nhan/tiep thu cong nghe" hoac "su dung cong nghe" la dc roi, phai "lam chu cong nghe" cac kieu (cung giong nhu kieu "di tac don dau"), phan dong nguoi nghe qua se thay rat la dao to bua lon :D:D:D
Nguyễn Viết Thành Chương said…
Các anh em đừng nghĩ anh Thái chỉ muốn dìm VN. Chắc chắn anh Thái cũng cảm thấy mừng cho mọi thành tựu của đồng bào mình, chỉ là anh Thái ghét cái kiểu nổ của phía báo chí thôi nên mới có cái bài cà khịa này. Làm được thế nào thì nói thế đó, khiêm tốn, trung thực thì ai cũng mến, cũng tôn trọng.
Anonymous said…
Haha hẳn là ông Thái hacker sừng sỏ nghĩ làm chủ là own như nghĩa của các hacker, nên mới có chuyện *Tôi hiểu làm chủ là có đủ sức ảnh hưởng để thay đổi công nghệ phát triển theo ý đồ của mình*, nếu hiểu đúng thì đã không bức xúc với mấy bài báo truyền thông
Anonymous said…
Câu chất vấn của ôNLH với ôNMH về 5G nhắc đến ở đầu bài viết thực ra là nội dung đã được bên bị chất vấn chuẩn bị sẵn Q&A trước rồi.
Thai Duong said…
>Câu chất vấn của ôNLH với ôNMH về 5G nhắc đến ở đầu bài viết thực ra là nội dung đã được bên bị chất vấn chuẩn bị sẵn Q&A trước rồi.

Interesting. Bạn có bằng chứng nào về việc này không?

>Các bạn google với từ khóa "Viettel high tech brings 5G to Vietnam" sẽ thấy có một bài Whitepaper của Intel nói về việc làm 5G này. Intel chắc không đến mức nhận tiền để đăng quảng cáo đâu. Tôi nghĩ họ đã làm thật và đã có chút kết quả trong việc sản xuất ra trạm BTS 5G. Có chăng truyền thông làm hơi quá lên thôi. Vậy là cũng mừng cho Việt Nam mình rồi.

Cảm ơn bạn. Trong bài của tôi cũng có ghi nhận họ đã làm gì, ai nói họ chỉ nhập hàng Tàu về bán là không đúng.

Bài báo của Intel (https://builders.intel.com/docs/networkbuilders/viettel-high-tech-brings-5g-to-vietnam-1639554451.pdf) có nhiều thông tin về cách Viettel làm:

Viettel High Tech based its RAN platform on Intel based FlexRANTM, which provides a blueprint for baseband processing on Intel architecture. Using FlexRANTM, Viettel High Tech was able to speed up the development of its Layer 1 (physical layer) RAN
processing. For Layer 2 and Layer 3 processing, Viettel High Tech
licensed software from Altran, which is now part of Capgemini
Engineering. The Altran software covered about 60 percent of Viettel
High Tech’s requirements, with the rest developed by Viettel High
Tech. Viettel High Tech carried out its own systems integration and testing.
meoDien said…
altran thực ra là aricent, đã làm với viettel từ 2010 rồi
Anonymous said…
Bây giờ xứ Đông Lào vẫn tiếp nối truyền thống lươn lẹo trong cách nói, "ta thì giữ vững lập trường, địch thì lải nhải luận điệu cũ", còn lâu mới khá được.
Làm Chủ=có mọi quyền, mọi khả năng để làm, xử lý theo ý riêng ... đối với 1 cái gì đó.
Anonymous said…
Làm chủ công nghệ ở VN được hiểu là nhập máy về,Trong quá trình chạy nó có thông báo về điều kiện để khởi động khí chưa đủ hoặc nó báo lỗi không phải gọi tây sang chữa.