Công nghiệp open source?

Bài mang tên "Công nghiệp open source" ở blog Kỹ Thuật Máy Tính có đoạn:

Có người bây giờ vẫn còn thắc mắc với tôi “Open source có kinh doanh được hay không?”. Nếu họ chịu khó đọc tin tức tuần qua, thì sẽ biết câu trả lời ngay thôi:

  • Sun đã mua lại MySQL với giá 1 tỷ đô, một sự kiện được cho là nối tiếp với Citrix mua XenSource, RedHat mua JBoss và Yahoo mua Zimbra.
  • Automattic, nhà phát hành WordPress một open source blogging platform (KTMT đang sử dụng) nhận được 29,5 triệu đô tài trợ từ bốn nhà đầu tư True Ventures, Polaris Ventures, Radar Ventures và New York Times (nhờ vậy, dung lượng host free của wordpress.com đã tăng vọt từ 50MB lên 3GB! Tin rất vui cho các blogger trên wordpress).
  • Greenplum, nhà phát triển phần mềm business intelligence dựa trên dự án nguồn mở Bizgres, nhận được 27 triệu đô đầu tư từ Meritech Capital, Sun và SAP Ventures.
  • Alfresco, phát triển phần mềm quản trị nội dung (CMS) cho doanh nghiệp, nhận được 9 triệu đô đầu tư từ SAP Ventures, Accel Partners và Mayfield Fund.
  • Zenoss, nhà phát triển phần mềm quản lý hạ tầng IT cho doanh nghiệp, nhận được 11 triệu đô từ quỹ đầu tư dẫn đầu là Grotech Capital.
  • Openads, một máy chủ quảng cáo trực tuyến open source, nhận được 15,5 triệu đô đầu tư từ quỹ tài chính dẫn đầu bởi Accel Partners.
  • Acquia, chuyên phát triển giải pháp xung quanh Drupal, một nền tảng mã nguồn mở cho web collaboration and publishing (tôi hiện đang dùng làm công cụ quản lý tài liệu cá nhân), nhận được 7 triệu đô từ quỹ đầu tư dẫn đầu bởi North Bridge Venture Partners.

Ngay từ đầu năm, thị trường Open source đã nóng lên. Những vụ giao dịch, đầu tư trên cùng với sự kiện Microsoft, được xem là đối thủ lớn nhất của cộng đồn Open Source, tuyên bố đang “open for business“, cho thấy thế giới đã không còn băn khoăn gì về chất lượng cũng như tính “Free” của Open source nữa, các nhà đầu tư đã quan sát, tìm hiểu khá lâu, và bây giờ chính thức vào cuộc một cách ồ ạt.

Tôi thấy trong danh sách mà Thao, tác giả bài viết, đưa ra, không có cái nào chứng minh là "open source có thể kinh doanh".

Tôi nghĩ nếu muốn chứng minh rằng "open source có thể kinh doanh" thì phải đưa ra được những ví dụ chứng tỏ, khách hàng, chứ không phải nhà đầu tư, chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm open source.

Đồng ý rằng việc thu hút được đầu tư và nhất là bán được toàn bộ công ty cho một "đại gia" cũng là một cách làm ra tiền (đối với người chủ của công ty), nhưng đó không phải là cách kinh doanh.

Vả lại, đa số các công ty mà Thao đưa ra, đều không kinh doanh sản phẩm open source, kiểu như Red Hat (hầu hết sản phẩm của Red Hat đều là open source), mà họ kinh doanh một phiên bản closed source có nhiều tính năng và được hỗ trợ tốt hơn phiên bản open source, vốn được sử dụng như một công cụ marketing và pr.

Đương nhiên marketing và pr là cần thiết cho bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, nên đóng góp của phiên bản open source vào thành công của các công ty kể trên, là rất đáng kể. Nhưng vẫn phải khẳng định rằng, họ không kinh doanh các phiên bản open source. Thậm chí, Alfresco, Zenoss, Zimbra hay MySQL cũng không cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các phiên bản open source hay community version của họ. Đó là chưa nói, license phiên bản open source của một vài công ty như Zimbra (tôi không có thời gian kiểm tra hết) vẫn chưa được OSI xác nhận.

Thuần túy kinh doanh sản phẩm open source thường là thế này:
  • Chỉ có một code base duy nhất
  • Cung cấp toàn bộ source code
  • License được OSI xác nhận
  • Bán optimized binary version
  • Bán dịch vụ support bao gồm training, customization, bug fix, upgrade, SI, maintainance...
Trước giờ tôi thấy chỉ có mỗi Red Hat là thành công trong việc thuần túy kinh doanh sản phẩm open source. Còn các công ty khác, như đã nói ở trên, thường sử dụng open source để "câu khách" rồi bán sản phẩm chủ lực closed source.

Comments

Anonymous said…
Bác thaidn nhận xét đúng. Nhưng theo em thấy, bên cạnh các công ty như RedHat thì hầu hết các công ty làm về OSS hiện nay đều chủ yếu đi theo hướng consulting các giải pháp mã mở mà thôi.

Hình như chưa có một mô hình kinh doanh OSS nào khác ngoài mô hình kinh doanh của RedHat và các công ty consulting. Nếu vậy, để khách hàng mua các sản phẩm mã mở kiểu gì đây
pclouds said…
Khách hàng không mua sản phẩm mà mua dịch vụ.

Chi phí tạo ra phần mềm là dạng chi phí một lần (ko nói chuyện nâng cấp). Tạo rồi chỉ việc sao chép ra nhiều bản đem bán, thành ra không có chuyện mua sản phẩm phần mềm như kiểu mua nhà.
Anonymous said…
Hi Thái,
Rất vui vì đã xem rất kỹ bài viết của mình, và kiểm tra một số link trong bài (thú thật là mình cũng chưa tìm hiểu kỹ hết các doanh nghiệp có tên trong đó).

Hoàn toàn đồng ý với Thái về quan điểm kinh doanh Open source thuần túy. Ở đây Thao cũng nói quan điểm của mình khi viết bài tổng hợp trên như sau:
* Nhà đầu tư có những lý do riêng của họ khi rót tiền vào những công ty sử dụng open source trong kinh doanh, và lý do tiên quyết là tiềm năng sinh lợi. Vì vậy thông qua thông tin về số lượng nhà đầu tư, khối lượng đầu tư vào doanh nghiệp, thay vì thông tin về khách hàng, cũng có thể thấy khả năng sinh lợi từ các sản phẩm open source. Dĩ nhiên không thể chính xác 100% vì có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, nhưng việc này cũng tương tự như xem giá cổ phiếu để đánh giá giá trị sinh lợi của một doanh nghiệp.
* Đúng là hầu hết (Automattic kinh doanh Wordpress theo mô hình bán upgrade) các công ty trên không kinh doanh open source "thuần tuý", nhưng quan điểm của Thao là không cứ phải dùng open source làm sản phẩm chiến lược thì sản phẩm open source đó mới được gọi là kinh doanh được. Khi open source được trao đổi bằng tiền, khi doanh nghiệp bỏ tiền ra mua/thuê/đầu tư open source để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình (Sun mua MySQL ...), khi mà open source tham gia vào quá trình kinh doanh, sinh ra giá trị cộng thêm, hay thậm chí giá trị cốt lõi cho sản phẩm chiến lược (có thể là closed source), thì đó đã gọi là open source kinh doanh được. Vì nó đã có giá trị trao đổi, đã có thị trường riêng của nó. Thao không có ý đề cập trong bài viết trên về riêng kinh doanh open source "thuần tuý".

Một điều nữa là đúng như Thái nói, số lượng doanh nghiệp kinh doanh và thành công open source theo kiểu "thuần tuý" bây giờ rất hiếm, nhưng không vì thế mà ta phủ nhận các hình thức khác đưa open source vào kinh doanh. Kinh doanh là muôn hình vạn trạng, hơn nhau ở chỗ tầm nhìn khác nhau. Những nhà đầu tư, những doanh nhân sẽ có những cách nhìn chiến lược để sản phẩm của họ có sức cạnh tranh cao nhất trên thị trường, và Open source hiện tại trở thành mục tiêu tuyệt vời để họ tạo nên ưu thế này. Điều đó đã khẳng định vị trí của open source trên thị trường, là một tín hiệu rất đáng mừng mà những người nghi ngờ về khả năng sinh lợi của FOSS nên nhìn vào để tìm ra câu trả lời của mình. Đây là ý mà Thao muốn đưa ra trong bài viết.

Vài ý kiến mong mọi người hiểu thêm về bài viết.

Đông Thao.