Nhật ký cờ mờ 4.0 (phần hai)

(nhấn vào đây để xem toàn bộ nhật ký)

Vài lời phi lộ

Nếu có ai đó muốn sự kiện này thiết thực tạo được các giá trị cụ thể, người đó chính là tôi. Tôi nằm trong nhóm những người đầu tiên nhận được email mời tham dự của ban tổ chức và đã có các đề xuất làm cho sự kiện thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Đầu tiên tôi viết thế này:

Tôi hỏi ý kiến của một người có uy tín mà tôi tin tưởng thì họ nói rằng 1-2 năm trước cũng đã có một chương trình tương tự và họ cũng được mời. Nhưng họ không đi vì họ nghĩ thời gian và tiền bạc nên dành cho các grass-root activities hơn là hoạt động do nhà nước tổ chức. Tổ chức một sự kiện như vầy chắc cũng tốn bộn tiền ngân sách và cũng là một dự án. Số tiền này dùng để mở rộng VietAI hoặc VietSeeds coi bộ tốt hơn.

Tôi nghĩ kết nối chuyên gia ở nước ngoài với Nhà nước và doanh nghiệp trong nước là chuyện nên làm, nhưng mà 1 tuần x 100 người thì hơi lãng phí và số lượng người tham dự lớn như vậy tôi cũng không rõ chất lượng các cuộc trao đổi sẽ như thế nào. Tôi e ngại là sẽ giống như các cuộc gặp gỡ làm quen, sau đó ai về nhà nấy, không được việc gì. Tôi thích các buổi gặp gỡ nhỏ hơn, với nội dung bàn bạc cụ thể hơn.

Mọi người trong nhóm bắt đầu thảo luận. Tôi tổng kết các ý kiến và đưa ra các đề xuất cụ thể cho ban tổ chức như sau:

Tôi thấy nếu không tham dự thì sự kiện này vẫn sẽ diễn ra thôi. Không khó để tìm được 100 người. Thay vì từ chối, hay là mình thử đề nghị xem họ có thay đổi được gì không?

Tôi thấy có thể đề nghị như sau:

1/ Minh bạch tài chính của chương trình. Bộ KHĐT phải công bố tờ trình cho chính phủ về nguồn tiền và chi phí cho toàn bộ chương trình. Nguồn vốn nên hạn chế lấy tiền ngân sách và ưu tiên tiền tài trợ của các công ty tư nhân (các công ty tư nhân tự động có nhu cầu kiểm tra tiền xài vào việc gì). Ưu tiên khách mời tự túc được chi phí.

2/ Rút ngắn chương trình xuống 1-2 ngày, bỏ các hạng mục thăm thú, tiệc tùng để tiết kiệm chi phí và thời gian (có thể giữ lại 1 buổi banquet và buổi này cũng nên do một công ty tư nhân tài trợ, không lấy tiền ngân sách).

3/ Chương trình trong 2 ngày: ngày đầu ở Hà Nội, ngày thứ hai ở Tp.HCM, chủ yếu gặp Chính phủ, chỉ cần một buổi gặp doanh nghiệp là đủ (vì gặp doanh nghiệp không khó bằng gặp Chính phủ, tôi thấy không cần phải cất công lặn lội từ Mỹ về để gặp Viettel hay FPT).

4/ Để trao đổi hiệu quả thì cần phải có chủ đề, không nên chung chung "gặp mặt lãnh đạo". Mỗi chủ đề sẽ có một cuộc họp/bàn tròn thảo luận giữa Chính phủ và nhóm chuyên gia về chủ đề đó. Chính phủ có thể trình bày họ đang gặp vấn đề gì, các chuyên gia có thể thuyết trình về những gì họ có thể giải quyết được và Chính phủ đặt câu hỏi. Kết thúc mỗi cuộc họp là một biên bản ghi nhớ với những việc có thể tiến hành và đầu mối.

Ví dụ những chủ đề khả dĩ để thảo luận:
* Làm sao xây dựng cộng đồng nghiên cứu AI ở Việt Nam?
* Xây dựng chính phủ điện tử, những khó khăn mà Chính phủ đang gặp phải và hướng giải quyết
* Làm sao đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống thông tin của chính phủ không bị Trung Quốc tấn công?
* Biotech là gì, tại sao Chính phủ nên đầu tư cho Biotech?
* Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp cần có những chính sách và đầu tư như thế nào?

Anh [lược bỏ] và mọi người thấy sao? Hi vọng là mình có thể đưa ra một ý kiến chung thống nhất của nhóm chuyên gia VietBay. Nếu bộ KHĐT có những thay đổi cụ thể thì sẽ rất hay. Nếu không thì dẫu sao mình cũng đã góp ý chân thành.

Những email này đều đã được gửi cho ban tổ chức. Phải công nhận là họ đã có phản hồi khá tích cực. Họ tuyên bố Vingroup sẽ tài trợ, rút ngắn chương trình xuống còn 7 ngày (thay vì 8 ngày), các đại biểu không cần tham gia toàn bộ chương trình và buổi họp với các bộ ban ngành trung ương đã được chia nhỏ thành các hội thảo chuyên đề.

Nếu chỉ muốn chê, mà không có tâm đóng góp, tôi đã không góp ý làm gì. Tôi ghi lại đây vì có quá nhiều chuyện buồn cười mà tôi lại là một thanh niên rất nghiêm túc. Vả lại bây giờ ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có cổng dành riêng cho người có công với cách mạng, tôi phải phấn đấu để mai mốt còn được ưu tiên các bác ạ.

--

Ngày 2 - Ngã ngửa

Lúc đang ngồi chờ xe bus thì anh Lê Viết Quốc đến nói với tôi là ban tổ chức nói với ảnh họ sắp xếp cho tôi đưa ý kiến trong buổi gặp bộ trưởng Hùng, nhưng tại tôi không đi! Trời. Trời. Trời.

Buổi gặp ông Hùng không có trong chương trình, mà chỉ tự phát khi ông Hùng gặp đoàn ở phủ thủ tướng. Tôi nhìn vào chương trình rồi mới hẹn bạn và hẹn rồi thì không thể nào hẹn lại vì tôi chỉ ở Hà Nội có vài ngày.

Ban tổ chức chưa từng nói gì với tôi về việc sắp xếp cho tôi đưa ý kiến với ông Hùng. Tôi nghe nói buổi đó mọi người thoải mái đưa ý kiến. Nếu biết như vậy, tôi cũng sẽ tranh thủ đến, nhưng buổi gặp thủ tướng muốn đưa ý kiến phải nằm trong danh sách cho trước. Lúc thế này lúc thế khác, làm sao ai biết mà lần.

Tôi hiểu tại sao ban tổ chức không xếp cho tôi phát biểu khi gặp thủ tướng. Tôi chẳng buồn phiền hay hờn trách gì. Tôi biết rõ giá trị của tôi, được chọn hay không được chọn không làm thay đổi giá trị này. Tôi chỉ tiếc cơ hội nói chuyện trực tiếp với thủ tướng. Nhưng không nói được kiểu này thì nói kiểu khác, chừng nào còn Internet tôi còn có cách để bày tỏ ý kiến.

Nhưng nghĩ mãi tôi vẫn không hiểu tại sao ban tổ chức lại nói dối với anh Quốc. Chẳng lẽ họ muốn thử xem anh Quốc là người hay là AI? Có thể họ rút kinh nghiệm sau khi bỏ ra 200.000 đô la vác Sophia về mới biết đó là AI dỏm.

--

Ngày 2 - Gặp chủ tịch Hà Nội

Đây là buổi làm việc hiệu quả nhất. Ông Chung làm cho tôi thấy Hà Nội có tương lai.

Ông Chung bắt đầu bằng việc trình bày các thành tựu áp dụng công nghệ của Hà Nội, các vấn đề hiện tại, hướng khắc phục và các dự án trọng điểm về công nghệ mà thủ đô đang đầu tư. Rút kinh nghiệm hôm qua, lần này tôi ghi chép những điểm chính.

Các thành tựu lớn bao gồm:
* Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư
* Học bạ điện tử
* Đưa 36% dịch vụ công lên mạng
* Đăng ký doanh nghiệp, nộp thuế, thủ tục hải quan đều có thể làm thông qua Internet

Các vấn đề lớn của Hà Nội bao gồm:
* dân số tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng thêm một quận
* ô nhiễm môi trường (bầu trời Hà Nội ít khi nào có màu xanh mà thường xám xịt)
* tỉ lệ bị ưng thư là 5.7/1000 người
* cán bộ phường xã trình độ kém, không biết tiếng Anh, gây khó khăn cho việc triển khai chính phủ điện tử
* không tuyển được người giỏi, vì lương thấp và điều kiện làm việc tồi

Các dự án đã và đang làm:
* xây dựng nhà máy xử lý rác thế hệ mới để giảm thiểu khói bụi do đốt rác
* lập các trạm quan trắc chất lượng không khí
* trung tâm điều hành giao thông
* xây dựng nhà máy xử lý nước chất lượng cao, có thể uống được từ vòi
* iParking, ứng dụng đậu xe đầu tiên của Việt Nam, do đích thân ông Chung chỉ đạo
* nghiên cứu, lập bản đồ gen, để phát hiện sớm ung thư
* hệ thống hỏi đáp tự động các thủ tục giấy tờ
* trung tâm bảo mật cho toàn bộ hệ thống mạng máy tính
* trung tâm "quản lý" toàn bộ hệ thống báo chí
* https://startupcity.vn

Ông Chung nói chuyện liên tục trong khoảng 30', với một trí nhớ rất tốt trích dẫn số liệu mà không cần dùng văn bản gì cả. Tôi có cảm giác được trở lại mặt đất, vừa mừng vừa lo cho sự nghiệp chính trị của ông chủ tịch, bởi ổng cả gan không hề nhắc gì đến cách mạng 4.0. Nếu cả nước lên con tàu 4.0 mà đầu tàu Hà Nội lại đếch chịu lên, thì cuộc cách mạng của chúng ta sẽ đi đâu về đâu em hỡi?

Sau đó là màn đối thoại. Ai muốn nói giơ tay. Có rất nhiều ý kiến. Đoạn này tôi không có ghi chép, chỉ nhớ một số ý kiến.

Chị Vũ Elsa yêu cầu lãnh đạo Chung sau buổi họp chia sẻ các vấn đề này để mọi người có thể tiếp tục câu chuyện, nếu không sẽ quên.

Một chị từ VEF thông báo cho chủ tịch Chung biết có khá nhiều VEF Fellow đang sống và làm việc ở Hà Nội. Đây là những người tài năng đã về rồi chỉ cần giữ họ lại mà thôi.

Một bạn đến từ Nhật gợi ý nên tận dụng nguồn nhân lực về hưu ở Nhật. Đây là một ý tưởng rất hay.

Một anh tôi không nhớ từ đâu đề nghị thành phố mở và chia sẻ dữ liệu để giới nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân có thể sử dụng. Tôi cũng có nhắc lại ý này trong góp ý của tôi và sau đó anh Quốc cũng có nhắc lại một lần nữa. Anh Quốc đưa thêm ví dụ về việc mở mã nguồn TensorFlow, đã tốn của Google 100 triệu đô la, nhưng đem lại vô vàn lợi ích khác.

Anh Tuấn Cao đến từ Gene Friend Way cảnh báo về việc sử dụng các sản phẩm phân tích gien của người da trắng cho người Việt Nam và nhấn mạnh cần phải xây dựng kho dữ liệu gien của người Việt Nam.

Anh Kim Phạm gợi ý nên tận dụng nguồn khách du lịch như là một nguồn chất xám -- tôi đoán vậy, nhưng không chắc lắm.

Có vài đại biểu phát biểu không có ý kiến hay thông tin mới, chỉ tự giới thiệu bản thân. Cũng có nhiều ý kiến chủ yếu giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Tôi thông cảm với những người này, vì họ ít có dịp gặp lãnh đạo, đặc biệt trên cương vị chuyên gia.

Nhưng cũng có khá nhiều claim nghe rất đáng nghi. Có một ông đến từ Nhật Bản nói rằng ổng đã chế ra được một công cụ phát hiện ung thư sớm 10-20 năm trước khi phát bệnh với tỉ lệ thành công là 93%. Bạn tôi dò hỏi công trình nghiên cứu thì ổng không nói. Tôi không nghe rõ khúc này, sau này nghe mọi người nói ổng muốn bán công cụ này cho thành phố, với giá 5.000 đô la một bộ. Tôi không hiểu sao vị tỉ phú đô la với công trình xứng đáng đoạt giải Nobel Y học lại đi lạc vô đây.

Có một chị đến từ Thụy Sĩ làm về blockchain cho y tế đề nghị gặp bộ y tế để giải quyết các vấn đề blockchain. Vâng các bệnh viện đông đúc chật chội, những vụ tai biến y khoa làm chết nhiều người, dịch sốt xuất huyết, thuốc giả, các vấn đề của ngành y tế sẽ được giải quyết bằng blockchain các bác ạ. Tôi đề nghị thay vì xây thêm giường bệnh, chúng ta sẽ đẩy họ lên nằm trên blockchain.

Tôi đã đọc sản phẩm của công ty chị này làm. Họ muốn bảo vệ dữ liệu y tế của người dùng, đó không phải một mục tiêu tồi. Chỉ có điều ý tưởng của họ rất khó thực hiện. Tôi dự đoán công ty này sẽ dẹp tiệm trong vòng 1-2 năm tới. Rất có thể tôi sai, lúc đó thì shame on me vì đã không nhìn thấy được viễn kiến của họ. Tôi làm an ninh mạng suốt cả quãng đời trưởng thành, nếu học được gì đó thì đó là muốn an toàn cần phải đơn giản. Blockchain quá phức tạp với quá nhiều thành phần chuyển động (moving parts), tôi luôn thấy nghi ngờ khi người ta muốn dùng blockchain để giải quyêt các vấn đề an toàn và riêng tư.

Tôi nghĩ ai cũng được quyền nói. Chỉ có điều thế giới luôn chào đón những ý tưởng hay, những sản phẩm tốt. Nếu công ty của bạn có triển vọng tốt, không cần phải về Việt Nam xin đầu tư, mà phải gọi vốn ở nước ngoài rồi về Việt Nam mở văn phòng tạo công ăn việc làm. Nếu làm ra đồ xịn, đem về Việt Nam là để giúp ích đất nước, chứ muốn làm giàu thì bán cho thế giới lấy đô la mới đáng mặt chí tài hoài linh.

Tôi ngồi tít ngoài sau, giơ tay mãi mà chủ tịch không thấy. May sao anh Lê Viết Quốc dùng kỹ xão nhận diện khuôn mặt nhận ra tôi, nên ảnh đến hỏi tôi nếu muốn có ý kiến thì có thể ngồi vào chỗ của ảnh, khá gần với chủ tịch Chung. Tôi đồng ý và được gọi phát biểu.

Tôi tự giới thiệu và nói sẽ góp ý về các dự án liên quan đến chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Tôi hỏi ông Chung tại sao Hà Nội lại có đến 1833 dịch vụ công. Tôi nói từ lúc tôi sang Mỹ đến nay, số lần tôi phải tương tác với chính quyền Mỹ đếm trên đầu ngón tay. Thật sự ở đâu đi chăng nữa, cực chẳng đã người ta mới phải ra chính quyền. Không ai buổi sáng ngủ dậy nói ôi thích quá, hôm nay được đến thăm và làm việc với chính quyền, trừ những người đi trong đoàn này. Thành ra việc cần phải làm là giảm thiểu các thủ tục hành chính. Ông Chung nói ông trong thành ủy ông là người phụ trách việc này, nên tôi nghĩ ổng hiểu rõ việc này.

Việc thứ hai là thành phố nên tích cực chia sẻ dữ liệu, như đã nói ở trên. Một ý mà tôi quên nói là thành phố nên tạo một repository trên GitHub hay đâu đó, gửi tất cả mã nguồn, tài liệu, chương trình phần mềm của thành phố lên đó, để các kỹ sư có thể tham gia đóng góp, cải thiện và sửa lỗi.

Việc thứ ba là chính quyền nên làm ít lại, giao cho tư nhân làm. Ông Chung nói không có người, thì làm sao chính quyền làm tốt bằng tư nhân. Vả lại tư nhân bỏ ra một đồng họ phải luôn đắn đo suy nghĩ, nên hiệu quả đầu tư luôn cao hơn chính quyền. Chính quyền chỉ nên đóng vai trò chủ đầu tư, đặt ra đề bài, tạo ra các cuộc đấu thầu công bằng, tạo điều kiện cho các công ty nhỏ, các startup được tham gia. Nếu không hợp đồng lại rơi vào các tập đoàn với nhiều mối quan hệ mờ ám hoặc các công ty sân sau của lãnh đạo. Ông Chung nói ổng là dân kinh doanh, có mở công ty từ năm 1995, nên từ lúc tiếp quản thủ đô ổng đã luôn thực hiện chính sách cái gì tư nhân làm được để cho tư nhân làm. Ông Chung đưa ra vài ví dụ cụ thể về việc này nhưng tôi quên không ghi lại.

Việc thứ tư là minh bạch. Tôi nói chính phủ điện tử mục tiêu lớn nhất là tăng minh bạch. Không có minh bạch thì sẽ dẫn đến quan liêu, tham nhũng, vì không có kiểm soát chéo. Các vụ đấu thầu phải minh bạch rõ ràng. Những vấn đề của thành phố, chính sách đầu tư trong vòng 5-10 năm tới phải được công khai với tất cả số liệu và kế hoạch triển khai, để các doanh nghiệp tư nhân hoặc các chuyên gia biết chính quyền cần gì để chuẩn bị. Tôi để ý ông Chung ngừng không ghi chép nữa, mà chỉ nhìn tôi nói. Có lẽ ông biết rồi, ý này không có gì mới với ổng.

Cuối cùng tôi nói về nhân lực thì Việt Nam không thể cạnh tranh bằng lương. Các công ty còn không thể cạnh tranh, nói gì đến chính quyền. Một sinh viên mới ra trường ở Silicon Valley đã được trả vài tỉ đồng một năm rồi. Ở mức chuyên gia như anh Quốc anh Hưng thì phải dùng machine learning để đếm tiền. Nhưng không phải ai về Việt Nam cũng chỉ để kiếm tiền. Chúng ta nói về lòng yêu nước, nhưng tôi nghĩ đó là một khái niệm mơ hồ, không rõ ràng. Tôi nghĩ nên nói đến impact, tức là tạo ảnh hưởng, tác động tích cực đến nhiều người. Tôi về Việt Nam vì tôi muốn có impact, mặc dù tiền nhà tôi trí tuệ nhân tạo cũng đã phải bó tay, phải dùng blockchain mới đếm được.

Tôi nói có rất nhiều ý kiến, đề xuất công nghệ ở đây. Ví dụ như blockchain. Đây là một công nghệ mới, tiềm năng nhưng ứng dụng thực tế như thế nào vẫn đang là một cuộc tranh luận lớn trên thế giới. Tôi nghĩ chính quyền cần phải có một nhóm chuyên gia tư vấn độc lập, phi vụ lợi để giúp chính quyền về công nghệ. Lịch sử cũng đã có các nhóm chuyên gia tư vấn cho thủ tướng về chính sách và kinh tế. Tôi tin là nhiều người ở đây sẽ muốn tham gia đóng góp, mà không cần nhận được bất kỳ quyền lợi gì.

Tôi xin hết và cả khán phòng đứng dậy vỗ tay. Vế sau của câu vừa rồi có diễn ra hay không khoa học chưa chứng minh được. Tôi không hài lòng lắm với bài nói chuyện của tôi. Tôi run các bác ạ, tim đập thình thịch thình thịch, nên tôi nói không được trôi chảy như đã viết. Nhưng dẫu sao thì cũng đã nói, nhẹ hết cả người. Cảm ơn anh Quốc.

Còn rất nhiều ý kiến. Đến tận 11h vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên. Vì những vấn đề mà ông Chung đưa ra rất cụ thể rõ ràng nên ai cũng muốn đóng góp ý kiến để giải quyết.

Buổi họp kết thúc mà không có chụp hình với lãnh đạo =), chết không nếu vậy lấy đâu ra hình mà mua với bán. Nhưng lúc ra khỏi cổng ủy ban, tôi lại thấy bọn bán hình các bác ạ!!

Đêm qua họ đã phải in thêm...

(còn nữa)

Comments

huydx said…
This comment has been removed by the author.
huydx said…
Có lẽ lần sau phải bảo các bạn in ảnh sử dụng blockchain, chúng ta sẽ có distributed image mà không cần phải mua.
Unknown said…
... và Mình CChờ Mệt
đọc nhựt ký C.M.
(hay lắm anh Thái, tks!)
HaDzuong said…
Phù, bài viết dài vãi, thế này mà nói cũng phải 30p là ít, hehe.

Thật may là dù không được nói chuyện với Thủ Tướng Phúc hoặc anh Bộ Trưởng Hùng thì cũng đã nói ra được ít nhiều lòng mình với anh Chung Hà Nội. Dù scope bé hơn nhưng nếu Hanoi thí điểm làm ngon thì sẽ nhân rộng ra toàn quốc.

1833 dịch vụ công đúng là hơi nhiều nhưng có vẻ hợp lý vì TP chủ trương đẩy tất cả thủ tục giấy tờ lên thành dịch vụ công của các bộ Ngành khác nhau Thái ạ.

A Chung có sân sau là Nhật Cường, cái này ai cũng biết. Hiện tại Nhật Cường software đang lớn mạnh rất nhanh. Có nhiều sản phẩm của NCSoftware cho dịch vụ công. Nói chung hiện tại chưa có điều tiếng gì, thế là ổn.



Anonymous said…
Nhin cai ti le ung thu ma em buon qua cac bac a.
Unknown said…
Cảm ơn anh Thái.
zuzi said…
Anh viết rất sâu sắc và dí dỏm. Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Unknown said…
Cái trang startupcity.vn mà có thêm mục Startup Jobs thì đã ra mọt hệ sinh thái startup hoàn chỉnh rồi a nhỉ, như kiểu angel.co
Beo said…
Cảm ơn tác giả. Entry này đậm đặc thông tin và vẫn dí dỏm hài như entry trước. Tôi "muốn" nghe anh nói về bảo mật trước Trung quốc được ko ạ?
Unknown said…
Cảm ơn tác giả đã viết hay và có những thông tin thú vị.
ThaiVu said…
This comment has been removed by the author.
ThaiVu said…
Bài viết của anh thật tuyệt. Thích giọng văn hóm hỉnh, hài hước và châm biếm.
Thai Duong said…
Beo: hồi năm 2016 tôi có viết loạt bài này:
https://vnhacker.blogspot.com/2016/07/co-mot-bien-ong-tren-khong-gian-mang.html
https://vnhacker.blogspot.com/2016/08/co-mot-bien-ong-tren-khong-gian-mang.html

Mời bạn xem. Tôi nghĩ tình hình bây giờ không có gì thay đổi, nhiều khả năng là tệ hơn.
Unknown said…
Cảm ơn anh Thái! Thông tin anh note lại về bài phát biểu của chủ tịch Chung rất có giá trị!
Unknown said…
Cảm ơn tác giả đã có những chia sẻ rất thú vị về những chuyện bên lề hội nghị. Mình có chút thắc mắc về Sophia, tác giả có thể giải thích thêm về câu nói AI DỞM không. cảm ơn tác giả!
Tran Quoc Khanh said…
Cảm ơn anh Thái nhiều. Đến hôm nay mới biết blog của anh, em đã subscribed! Tiếp tục mong chờ các bài của anh.
Unknown said…
Cám ơn anh về bài viết rất thú vị, gợi mở những điều hữu ích. Nhân tiện a có thể chia sẽ thêm hành lang pháp lý về AI của Mỹ như thế nào vì mình đang theo hướng nghiên cứu này a Thái ah. Cảm ơn anh.
Beo said…
Khá nhiều bạn facebook của tôi đã bị report khi share entry này và ko rõ lý do. Tôi đã mạn phép copy lại.
Cảm ơn anh giảng giải về bảo mật...
https://startupcity.vn/

Em không thể access được.
Nha said…
cám ơn anh. Lúc nào cũng canh me đọc bài vì thông tin chia sẻ thực tế, có ích.
KINH TE said…
This comment has been removed by the author.
Vieteconomist said…
Cái gọi là Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đây:

https://drive.google.com/file/d/15XcSs1B2Ebt2UERkZiEwUdTIik4gt-Ep/view

https://drive.google.com/file/d/1wpw4Q_dNZJ9Sn9HfOczUg1XPPz2MpMu1/view
Nhut Truong said…
hóng mãi từ p1, đọc bài anh vừa vui vừa nhiều thông tin bổ ích ông nào vào http://startupcity.vn/ không được thì bỏ https nhé
Unknown said…
Cám ơn vì bài viết dí dỏm, thông tin hữu ích.
RacTun said…
Ở mỹ, vô khu du lịch hoặc điểm tham quan, bảo tàng thì có 1 đội mới vô bảo mình chụp hình giống như thủ tục bắt buộc. Mình đi 10 điểm tham quan thì 8 điểm có chụp hình kiểu vậy.

Sau khi xong route tour tham quan thì điểm exit luôn là chỗ ra nhận hình. nó chỉ vào bảo mình nhận hình. Nếu ra xem được hình thì lấy không thì thôi.

Giá chưa bao giờ thấp hơn 15$ 1 tấm khổ khoảng 15x20 hoặc 20x30. bình quân 20$, chỗ cao thì 25$ tấm. không lúc này chụp thì lúc khác đi lại chụp lại lấy lần sau.

Ở vn các điểm dịch vụ du lịch bắt đầu triển khai chiêu này, vd như ở Đà lạt, giá 60K (~3$) tấm + Khung ảnh luôn. thợ PTS ngồi tại chỗ thích mông má sao đẹp thì lấy ko thì thôi. Cho thấy VN còn rẻ chán.

Chụp với TT, lâu lâu 1 lần hội nghị 200K ~ 10$ là cũng là hợp lý. coi như tiền TIP cho đám chụp hình. chứ thuê 1 thằng bảo nó chụp cho mình thì 10$ đâu ra? cho nên việc chụp hình lấy $ không dùng ngân sách cũng ok mà phải ko?
Vo Cam Quy said…
Nếu về sự kiện thì mình ko bàn, mỗi người có cách nhìn khác nhau, mình thấy cả điểm hay và không hay và những ngày qua các post của mình khen chê đầy đủ cả.
Nếu nói về Cty mình thì thế này
- Mình và Cty không hề nói blockchain là phương án chữa bệnh hoặc blockchain giải quyết được tất cả các vấn đề của y tế. Làm trong ngành lâu nay cái mình nhìn thấy ở healthcare Industry là:centralization, lack of incentives, and the individuals have to comprise their data privacy. Cty mình tập trung giải quyết vấn đề đó, chuyện 1-2 năm sập tiệm thì đó là ý kiến riêng của bạn. Cty bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực sẽ ko để điều đó xảy ra.
Già làng said…
lần sau bác hỏi giúp em: Học gì ra thì có thể đi bán ảnh của thủ tướng? Và lên CM 4.0 thì giá trị tăng lên bao nhiêu ? Em cảm ơn.
Khai Tran said…
Ractun: Có cầu thì tất có cung thôi, Thái đâu phản đối chuyện mua bán, chỉ khen những người bán giỏi khi nhận ra nhu cầu này.

Và từ khi nào các lãnh đạo Việt Nam được sánh với hiện vật quý giá lưu trong bảo tàng vậy?
Thai Duong said…
> - Mình và Cty không hề nói blockchain là phương án chữa bệnh hoặc blockchain giải quyết được tất cả các vấn đề của y tế. Làm trong ngành lâu nay cái mình nhìn thấy ở healthcare Industry là:centralization, lack of incentives, and the individuals have to comprise their data privacy. Cty mình tập trung giải quyết vấn đề đó, chuyện 1-2 năm sập tiệm thì đó là ý kiến riêng của bạn. Cty bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực sẽ ko để điều đó xảy ra.

Data privacy là vấn đề, nhất là ở các nước phát triển nơi mà hạ tầng y tế đã tốt, nhưng tôi không nghĩ đây là vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất trong ngành y tế ở Việt Nam. Ngay cả khi bộ y tế muốn giải quyết vấn đề data privacy, blockchain cũng không phải là thứ họ cần.

Nói về giải pháp của công ty chị, điều làm tôi nghi ngờ là giải pháp của chị giả định dữ liệu đã phân tán sẵn rồi và mỗi người dân tự sở hữu dữ liệu của họ. Tạo incentive cho người bệnh để họ yêu cầu bệnh viện là một ý hay, nhưng tôi e là nơi cần tạo incentive là các bệnh viện. Tôi không thấy họ có incentive gì để thay đổi hệ thống, quy trình, v.v. để chia sẻ dữ liệu đã số hóa cho bệnh nhân.

Chị nói về chuyện centralization nhưng kỳ thực không có giải pháp nào, kể cả giải pháp của chị, mà không có centralized entities. Các Oracle đánh giá dữ liệu, nếu không phải là những centralized entities thì là gì? Vai trò của công ty của chị như thế nào, liệu cả hệ thống này có phụ thuộc hoàn toàn vào HIT?
Thai Duong said…
> Cty bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực sẽ ko để điều đó xảy ra.

Chị có thể đưa ra vài ví dụ về các chuyên gia trong công ty của chị đã làm gì để có thể xem là đầu ngành? Mà cụ thể là ngành nào?

Tôi nhìn vào danh sách team của chị, tôi không nhận ra ai trong ngành phần mềm nói chung, không kể ngành hẹp như security/privacy.

Xin hỏi riêng chị Quy Vo, chị là chuyên gia đầu ngành của ngành nào?
meocon said…
@Thai Duong: team có GS Eberhard là head của ehealth của Zurich và University Hospital hơn 20 năm, Liz 15 năm làm cho Microsoft, CTO là Vega hơn 15 năm ở Oracle & Google cũng là một người viết micro payment system trên blockchain của anh ta (6 thàng nữa live), Quy 15 năm về Computational Biomedicine, Markus là VP ở Roche và trước đó là Medtech của Bayer & J&J. Roger & Reto là ex-UBS director in marketing. Software developer team (bao gồm cyber security) nằm ở Netcetera, công ty phần mềm lớn nhất ở Thuỵ Sỹ, họ build platform cho UBS là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới.
Advisor thì có Chủ tịch uỷ ban sức khoẻ châu Âu Joseph, Lin là legendary hacker lo về Risk assessment và các giáo sư chuyên về ehealth, Lon là creator của NEM blockchain.

HIT tạo incentive cho các bên tham gia, một nền tảng Blockchain phục vụ giao dịch thông tin y tế
cá nhân phải đáp ứng được nhu cầu của mọi người trong hệ sinh thái HIT. Có lợi nhất là người dùng như bạn đã nói, về phía bệnh viện, họ có thể tối ưu hoá quy trình và giảm thiểu các lỗi không cần thiết.
Một ví dụ nhỏ là preventional program, tức là bệnh viện, nhà nước, bảo hiểm khuyến khích người dân thực hiện một số hành vi (chia sẻ từ thông tin hàng ngày, trong ngành gọi là Real World Evidence, từ một số clinical trial ....) điều này chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng thuận của người dùng cuối và incentive để họ thực hiện các việc đó (economic behavior motivation). Một ví dụ nhỏ khác nữa là đặt lịch khám online để giảm thiểu quá tải cho bệnh viện và bệnh nhân (quy trình hiện giờ hết sức thiếu hiệu quả), chúng tôi tạo ra một cơ chế điểm thưởng (trong token economy) để mỗi lần đặt lịch khám họ sẽ được token, đến khi tích luỹ một số lớn token sẽ redeem lại trong một dịch vụ khám chữa bệnh, hoặc được chọn bác sỹ giỏi hơn, ranking cao hơn....
Về việc centralization, tất nhiên về đặc thù của ngành y tế và dữ liệu sức khoẻ, thì không thể decentralize hoàn toàn được, HIT chỉ tạo ra platform để cho việc chuyển giao token và data diễn ra minh bạch, secrured, và người dùng có thể truy xuất (trace) ai sử dụng dữ liệu y tế của mình. Chúng tôi không phải là người trung gian và không giữ một dữ liệu nào, hệ thống này không hoàn toàn phụ thuoc vao HIT mà phu thuoc tât ca các bên tham gia.

Còn việc anh nói khó thì tất nhiên rồi, một giải pháp disruptive thế này mà dễ thì thiên hạ đã làm từ lâu. Nhưng khó không có nghĩa là chúng tôi nên từ bỏ, chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó và tin vào những điều mình làm, vì vậy em ko đi làm thuê cho mơ ước ngừoi khác mà cày cho đam mê của mình.

Nếu anh Thái có hứng thú để bàn tiếp thì email mình hoặc cho số phone mình nói trực tiếp, viết tiếng Việt thế này lâu phết :D.

PS: các ý kiến góp ý của anh về event rất hay, hi vọng anh có nhiệt huyết để thực hiện nó đến cùng chứ không dừng lại ở mức đề nghị. You rock since you dare to say the true, hat off :-)
meocon said…
Còn chuyện vô bổ hay ko, bạn ko tham gia hết các chương trình, ko ngồi lại bàn với anh chị em trong đoàn về các ctrình cụ thể bọn mình sẽ làm với nhau (mentor program, Thư viện sách miễn phí, các webminar, collaboration giữa những người tham gia, một vài bạn nhận thêm sinh viên cho Cty mình...)
Tất nhiên đứng ở ngoài mà chê mình có thể chê cả tỉ chuyện. Cứ bắt tay làm cái đã, những nội dung bạn đề nghị rất hay. Mong bạn tiếp tục thực hiện nó chứ ko dừng ở bước đề nghị
Ned said…
Xin lỗi bạn Quy Vo nhưng nghe bạn nói chuyện ngành y tế không thể "decentralize" thì tôi vẫn không hiểu là vì sao cần phải dùng đến blockchain. Tôi có tham gia tìm hiểu về blockchain 4, 5 năm nay, vấn đề của blockchain là nó giải quyết được bài toán về niềm tin (trust problem). Đánh đổi lại tính chất trustless của block chain là nó rất kém hiệu quả (giao dịch chậm) và khá phức tạp về mặt thiết kế.

Còn nói chuyện economy thì chẳng cần đến blockchain hay token mới tạo được economy. Những công ty game đã có tiền ảo từ 10 năm trước khi blockchain ra đời cho các game thủ sử dụng. Đơn giản như tiệm bán phở cũng có thể tạo ra "token economy" bằng vài cái thẻ điểm thưởng: ai cứ ăn 10 tô phở thì được tô thứ 11 miễn phí mà chẳng cần phải blockchain gì cả. Nếu bạn không hiểu bản chất khác biệt giữa blockchain và tiền ảo thì tôi khó tin tưởng vào cái bạn đang làm.

Việc bạn lấy dẫn chứng cty bạn có những người từng làm Google, Microsoft, hay Netcetera để chứng ra đó là "chuyên gia" cũng chứng tỏ bạn thiếu kinh nghiệm về đánh giá nhân sự trong industry. Những công ty như vậy rất lớn, số lượng nhân viên cả vài chục ngàn. Một kĩ sư bậc 3 ở Google trình độ khác rất nhiều với những người ở cấp bậc 7, 8 trở lên. Anh Vega Paithankar bạn nói từng làm ở Google tôi cũng không thấy có gì nổi bật về khả năng chuyên môn cả.
Vo Cam Quy said…
Những câu bạn hỏi được trả lời hết ở đây
https://hit.foundation/faq/
Token economy ko mới, chị bán phở cũng làm được, nhưng ko làm một hệ thống toàn cầu được, ko có khả năng Traceability. Token của HIT là utilities token, theo phân loại của FINMA https://www.finma.ch/en/news/2018/02/20180216-mm-ico-wegleitung/
Khai Tran said…
Quy Vo: Tiếp ý của Nghĩa, "có kinh nghiệm" làm việc khác với "chuyên gia" và càng khác xa với "chuyên gia đầu ngành" như bạn Quy Vo đề cập. Ví dụ như trong công ty của bạn có bạn gì 15 năm làm ở Microsoft nhưng toàn đi làm sales thì không hiểu thế nào được xếp vào "chuyên gia đầu ngành" được. Nhưng thôi, tôi cũng không muốn đi vào chi tiết về nhân sự của công ty bạn. Thực sự, tôi chúc bạn thành công.

Điều tôi muốn nói ở đây là các bạn đã tận dụng sự kiện bốn chấm này để tiếp thị, quảng bá các sản phẩm nghe thì kêu to như blockchain4healthcare, AI4healthcare nhưng không được kiểm định và không phù hợp với môi trường Việt Nam nhằm trục lợi cá nhân. Những người làm chuyên môn trong nước họ biết hết những mánh khoé này, nhưng truyền thông (và có thể các quan chức chính phủ) dễ bị các bạn qua mặt. Nói thật việc trục lời từ sự thiếu hiểu biết của người khác, nhất là nơi đã sinh ra mình và còn đang nghèo đói như Việt Nam, thì tôi thấy là việc làm rất không có đạo đức.

Một chuyện nhỏ khác mà tôi thấy buồn cười là cách các bạn làm màu trước truyền thông và quan chức. Tôi thấy một số bạn đi đâu cũng chọn ngay hàng ghế đầu đễ dễ bắt mắt với truyền thông, gần các quan chức để được phát biểu và đi đâu cũng một bài phát biểu như nhau để quảng bá hình ảnh và các sản phẩm cá nhân. Bất cứ khi nào có cơ hội là các bạn sẽ tìm cách tiếp cận các nhân vật nổi tiếng để chụp hình rồi đưa lên Facebook khoe là bị bắt ép phải chụp hình chứ bản thân không muốn (chắc cũng không muốn khoe nhưng bị ép phải khoe theo yêu cầu của BTC?). Nếu coi đây là hình ảnh của những nhân tài, trí thức thì có phải trí thức Việt Nam rẻ rúng lắm thay?

Chuyện Thái làm được gì, đóng góp cho cộng đồng như thế nào thì tất những người quen biết bạn ấy đều hiểu rất rõ, không cần đợi đến sự kiến bốn chấm này như bạn gợi ý.
Vo Cam Quy said…
Mình ko có ý kiến về những người khác trong đoàn, bản thân mình về đợt này do đã làm làm việc trực tiếp với bộ y tế và bệnh viện nhiệt đới cho các giải pháp về personal health record và blockchain và AI trong bệnh tiểu đường / ung thư. Trong những phát biểu của mình thì 2/3 kêu gọi hành lang pháp lý hỗ trợ (open database, cryptocurrency...), phần còn lại nói về các giải pháp của ngành y tế. Về nhân sự cty bạn nghĩ chỉ cần developer là đủ!?
Bạn hiểu về mình sao là quyền của bạn, còn bản thân mình sống thế nào thì mình và bạn bè đều biết. Xin chấm dứt cuộc nói chuyện ở đây, chỉ mong khi phán xét một người / sự việc nào đó đừng nên quá phiến diện 😊. Sự kiện này có cả mặt tốt và không tốt, đọc bài của bạn xong thì chỉ thấy negative, như thế không công bằng cho mọi người. Chúc bạn sức khỏe và nếu còn nhiệt huyết thì cùng với anh em đóng góp thành hiện thực những điều bạn đề nghị.
Thân, Q
Nowhere Man said…
Vừa kiểm tra thông tin về "Prof Eberhard Scheuer", thực ra chỉ là Lecturer tại University of Zurich. Như vậy ông ấy khó có thể là một chuyên gia đầu ngành.
eddydn said…
:)) Rất thích phong cách viết blog của anh Thái :)) Hài tinh tế như Gặp nhau cuối năm :))
Nowhere Man said…
Việc chị Vo Quy nói về các chương trình như mentor, thư viện sách miễn phí, ... tất cả những cái đấy đã có nhưng nhóm người làm nhiều năm nay rồi chị ạ. Cái khác là người ta làm nhưng không phải lên báo chí và FB nhiều như nhiều người trong đoàn vừa rồi.

Khá nhiều người trong đoàn nhân sự kiện này để PR về bản thân một cách hơi lố. Trong đoàn nhiều người tự cho mình là tiên phong, là nhân tài xuất chúng mà thực ra chưa có một tiêu chí đánh giá cụ thể về thành tích hay những việc nhiều người trong đấy làm được. Trừ một vài người nổi bật như Quốc thì rất nhiều người trong đoán khó thể nói là nổi bật so với nhiều người khác.

Cái đáng buồn nhất là nhiều người trong đoàn trước đây có vẻ không ưa chính phủ nhưng chỉ cần chính phủ cho một ít danh lợi là đã bắt đầu thay đổi hoàn toàn cách nói về chính phủ. Khá là thất vọng với nhiều trí thức tạm gọi là tiên phong như thế.

Phải đến khi phải bỏ thời gian ngủ, thời gian đi chơi cuối tuần để làm những việc như mentoring, thư viện sách,... mà không bỏ cuộc thì mới nói được về ý nghĩa của chương trình. Kinh nghiệm là những chương trình kiểu này đa phần là không đi đến đâu.
Thai Duong said…
Quy Vo: tôi mới vào được blog vì hổm rày đi chơi và ISP mà tôi sử dụng ở Việt Nam chặn Blogger (và cả Twitter lẫn Wordpress). Tôi đồng ý với nhiều ý kiến ở trên, nhưng đó là ý kiến của những người đọc blog này, không phải ý của tôi.

Tôi nghĩ vầy. Công ty của chị thành bại là chuyện cá nhân của chị và các cộng sự, nên chúng ta không cần bàn thêm ở đây. Tôi quan tâm đến privacy, nên tôi hi vọng công ty của chị sẽ thành công. Dẫu vậy với tư cách một người có đầu tư vào thị trường token và cryptocurrency, tôi không thấy có lý do để đầu tư vào HIT. Tôi thấy HIT là một công ty ăn theo, không có công nghệ cốt lõi và cũng không có nhân sự đặc biệt xuất sắc.

Tôi quan tâm đến Việt Nam và tôi muốn chính phủ đầu tư công nghệ đúng hướng. Tôi thấy trong vòng 5-10 năm tới số lượng vấn đề trong hạ tầng y tế Việt Nam mà blockchain có thể giải quyết là zero. Tôi viết là để cảnh báo chính phủ nên thận trọng khi làm việc với các chuyên gia blockchain.

Về sự kiện lần này, tôi chưa bao giờ viết là nó vô ích hoàn toàn. Muốn tạo ra một sự kiện hoành tráng nhưng hoàn toàn vô ích đòi hỏi một trình độ rất cao, tôi thấy ban tổ chức chưa đủ tầm. Đối với cá nhân tôi sự kiện này như một buổi tiệc networking. Tôi làm quen được một số bạn mới, đặc biệt là những người làm khác ngành. Tôi cũng biết được chính phủ làm việc như thế nào, để rút kinh nghiệm những lần sau. Chỉ có điều buổi tiệc kéo dài lê thê, đồ ăn dở và có quá nhiều tiết mục nhàm chán, nên tôi phải tự đi tìm thú vui cho mình, bằng cách tường thuật những gì tôi thấy và những suy nghĩ của tôi và những người mà tôi có trao đổi. Nếu chị thấy toàn là negative thì có lẽ chị cũng nên tự hỏi sao là chị chỉ toàn thấy negative. Thú thật tôi chỉ thấy mắc cười =).
Unknown said…
Cảm ơn anh Thái , tôi thực sự thích anh đến mức như lên đồng rồi .
Tôi thiết nghĩ anh lên có buổi đối thoại với 2 người mà tôi đặt niềm tin vào nhất trong thời buổi tranh tối tranh sáng hiện nay tại VN . Hai người đó là : Anh Hùng ( bộ trưởng TTTT ) và N.Đ.Đam ( Phó TTCP ) .
Unknown said…
Chào anh Thái !
Bài Viết nhật ký CM 4.0 của anh đã làm em và nhiều người biết thêm về cuộc hội thảo chiêu mộ nhân tài của Chính phủ diễn ra như thế nào, vì có rất nhiều người không biết và không được tham gia trong chương trình (chỉ xem qua truyền hình, báo chí của VN). Thật tiếc khi những người tài giỏi của VN ở nước ngoài khi trở về VN để cống hiến kiến thức của mình góp phần cải thiện thay đổi tình hình kinh tế xã hội mà lại gặp nhưng rào cản về cái người ta gọi là cơ chế ! Có lẽ Chính phủ mời những người tài như các anh về đợt vừa rồi là để các anh nhìn thấy những tồn tại hiện hữu trước mắt mà anh đã nêu ra và mong nhận được nhưng ý kiến góp ý chân thành để thay đổi nó đấy :)
Chúc anh thành công !
_Đắc Viên_
Beo said…
Tôi ngoại đạo công nghệ. Tôi rất thích cuộc trao đổi giũa Vo Cam Quy và tác giả, nó cho thấy tâm thế khác nhau khi các anh chị về nước, một để bán trí tuệ một để cho không trí tuệ. Rất thú vị.
Unknown said…
Rất thích phong cách viết của anh Thái
Thai Duong said…
Beo: tôi nghĩ bán hay cho không đều ổn. Tôi muốn làm việc thiện nguyện cho chính phủ vì nhận tiền ít thì nhận làm gì, nhưng nhận nhiều thì tôi lo phải có lại quả. Nhưng đối với doanh nghiệp tôi không làm miễn phí.

Vấn đề ở đây là cái mình đem về Việt Nam có tốt, có phù hợp, có sử dụng được hay không. Tôi nghĩ nếu không tốt, không phù hợp, không giải quyết được vấn đề cụ thể gì thì cho không cũng không nên nhận, nói chi là bán buôn.
kyris said…
Không biết anh Thái có thể chia sẻ những việc mà giới trẻ công nghệ tại VN nên tham gia đào sâu từ bây giờ để có thể bắt kịp, hoặc chí ít là có thể đóng góp thêm sau này vào Cờ Mờ 4.0 được không ạ?
May said…
Gửi chị Quy Vo,

Để đánh giá một người là chuyên gia đầu ngành, phải dựa vào thành tựu, công trình nghiên cứu, bài báo, chứ con số 15 hay 20 năm làm việc không có ý nghĩa gì mấy. Hơn nữa, chắc chị phải biết Giáo sư với Giảng viên khác nhau thế nào chứ nhỉ. Người tốt nghiệp Thạc sỹ đã có thể đi dạy và gọi là Giảng viên, nhiều nơi chỉ cần tốt nghiệp Đại học đã có thể là Giảng viên. Ngoài ra, việc chị tự claim có 15 năm làm về Computational Biomedicine là ko chính xác.

Nếu chị tự tin về khả năng của công ty ​mình, sao chị không phát triển nó ở Thụy Sỹ trước, khi nào thành công mang về VN cũng chưa muộn. Tôi thiết nghĩ Việt Nam cũng chưa cần đi trước Thụy Sỹ về công nghệ mà làm gì. Còn lấy tiền thuế của nhân dân cần lao quê nhà để thử nghiệm cho dự án của mình, nếu là một người có tâm với đất nước sẽ không làm thế.
meocon said…
Gửi bạn May
Cty là Non-for-profit foundation, bạn vui lòng đọc kỹ, bạn dựa vào đâu mà nói mình thấy tiền thuế của dân? Hiện giờ tất cả các lần mình về làm việc với các bệnh viện là tiền túi bỏ ra.
Thứ hai bạn nói về việc các bài báo, chỉ đúng với người làm nghiên cứu, kinh doanh và một số ngành không dựa trên bài báo.
Mình bắt đầu vô ngành Computational Biomedicine từ 2002, đến 2017 mới chấm dứt hẳn. Hiện tại vẫn có liên quan về các clinical trials data.
Và cuối cùng, những thứ đem lại được mà bọn mình đang muốn làm ở VN, và các nước có một số lượng lớn người ko có access vô healthcare system: inventivize system to enable everybody to generate value from his data & pay health services with tokens. Ví dụ 30k bước chân của mình ở Thuỵ Sỹ quy đổi thành 25 CHF trong một app về sức khoẻ thì một người dân ở miền núi Hà Giang sẽ sẳn sàng bước như thế mỗi ngày để họ có thể redeem các physical activities. Hơn nữa, các chương trình clinical trials ở VN hiện nay đang rất không hiệu quả và tốn kém, một phần là vì người dùng cuối drop off rất nhiều, ví dụ, tạo cho họ một cơ chế điểm thưởng để họ theo tới cùng, mỗi một data point họ điền vào mỗi ngày họ được thưởng và có thể quy đổi nó ra thành một lần khám chữa bệnh miễn phí, thành các chương trình phục vụ sức khoẻ khác nhau là điều hoàn toàn có thể hướng tới.
Trước khi nói tới AI và các công trình trí tuệ nhân tạo to lớn, trước hết hãy tạo cho người dùng thói quen digitize their health data, collect real world evidence, one step at the time.
Cty làm ở nhiều quốc gia, không riêng gì VN, đối tác lớn nhất ở Mỹ, các công ty dược ở THuỵ Sỹ, nhưng khi họ cần làm clinical trials thì họ vẫn phải đi về phía nơi có bệnh và có người bệnh, trong đó có VN (không có gì đáng tự hào, tỉ lệ các bệnh tiểu đường, ung thư, viêm gan đều hàng top:-(. )
Mình sẵn sàng lắng nghe và trao đổi trên tinh thần xây dựng, không thích các personal attack. Xin phép dừng tại đây và mình sẽ làm tiếp những gì mình đang cố gắng làm, vì mình tin việc đó gíup cho được nhiều người dân. Có thể chuyện chuyên môn mình viết lủng củng khó hiểu thì mọi người chịu khó đọc phần tiếng Anh trên site hoặc trao đổi trực tiếp
Thân mến
meocon said…
* chuyên môn viết lủng củng bằng tiếng Việt
May said…
Tất nhiên trong giai đoạn quảng cáo chưa có hợp đồng thì chưa thể lấy tiền của chính phủ được. Chị Vo Quy có dự định sẽ làm việc thiện nguyện không cần nguồn tiền của Việt Nam trong các dự án sau này không?

​Chị có thể chia sẻ năm 2002 chị làm dự án gì về Computational Biomedicine và làm ở đâu không?​

Theo tôi biết thì năm 2002, chị đang học Đại học ở Việt Nam. Tại thời điểm đó, ở VN chưa có đơn vị nào đào tạo chuyên ngành Computational Biomedicine cả.
Thai Duong said…
> Ví dụ 30k bước chân của mình ở Thuỵ Sỹ quy đổi thành 25 CHF trong một app về sức khoẻ thì một người dân ở miền núi Hà Giang sẽ sẳn sàng bước như thế mỗi ngày để họ có thể redeem các physical activities.

Wow. Thiệt không chị Q? Tôi cũng muốn đăng ký app này, chị cho tôi hỏi đăng ký ở đâu vậy?
Unknown said…
Hiện ở Thuỵ sĩ đúng là một hãng bảo hiểm có chương trình bonus cho những người chơi thể thao hay hoạt động đi bộ nhiều. Ví dụ:
https://www.css.ch/en/home/privatpersonen/kontakt_service/mycss/mystep.html

Tức nhiên theo mình biết từ một số hãng số tiền khá nhỏ. Ví dụ css số tiền redem cho việc đi bộ tối đa 1 năm là 146 chf so với 2500 chf tối thiểu phí bảo hiểm đóng cho họ. Nên họ tính người hay hoạt động thì ít bệnh đi, xác xuất chi trả ít đi thì giảm phí 5% cũng chỉ là một dạng business model của họ.

Dù sao số hoá thông tin y tế mình nghĩ cũng vẫn là vấn đề nước mình phải làm và nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng ngành y và sức khỏe người dân. Vì thế một kỹ sư viết chương trình cho một phòng khám hay viết app hỗ trợ mua bán tư vấn thuốc đều đáng trân trọng ngang bất kỳ một chuyên gia nào. Mong các bạn tiếp tục thảo luận để các đóng góp thực tế hơn cho người dân và đất nước.

Bao giờ Thái qua Zurich lại ới ae ngồi trò chuyện nhé, lúc đấy chắc có cả Q tham gia ;)

A Toàn.
Robot Mister said…
> Cty là Non-for-profit foundation, bạn vui lòng đọc kỹ.

*Non-for-profit foundation* vẫn trả lương cho nhân viên bình thường, chỉ có điều là tax exempt thôi. Từ này có thể làm nhiều người hiểu nhầm. FIFA là một non-profit organization, nhưng vẫn có vài $B trong bank. Non-profit organization giới hạn trong một số lĩnh vực, ví dụ nghiên cứu khoa học, xã hội, etc.


https://money.usnews.com/money/blogs/outside-voices-careers/2014/03/26/thinking-about-a-nonprofit-job-heres-what-you-should-know
https://en.wikipedia.org/wiki/Nonprofit_organization#Nonprofit_vs._not-for-profit
qtpham said…
Không chỉ ở Thụy sĩ mà ở Singapore cũng có chương trình bonus cho những người chơi thể thao hay hoạt động đi bộ nhiều. Ở Sing là do chính phủ đứng ra tổ chức để khuyến khích người dân tích cực hoạt động, giảm nhẹ gánh nặng chi phí y tế cho cả xã hội.
Còn chuyện blockchain cho y tế, chắc mọi người cũng biết có vụ hacker đột nhập vào hệ thống máy tính của SingHealth và lấy cắp hồ sơ y tế của 1.5milion người , trong đó có cả hồ sơ y tế của thủ tướng Lý Hiển Long. Sing đã số hoá hồ sơ y tế từ rất lâu , trước khi có blockchain . Vì thế nên sau vụ này, chính phủ Sing ngừng hết cả các chương trình chính phủ điện tử lại để xem xét và cải tiến theo công nghệ Blockchain. Việt nam đi sau Sing nhiều về chính phủ điện tử nhưng cũng cá cái may, như chuyện tái ông thất mã , là có thể tránh dược những bước đi sai lầm.
qtpham said…
Refer to the incident of SingHealth IT System in this page:
https://www.todayonline.com/singapore/coi-be-convened-look-singhealth-cyberattack
qtpham said…
Refer to this page about the incident of SingHealth IT System:
https://www.todayonline.com/singapore/coi-be-convened-look-singhealth-cyberattack
Thai Duong said…
> https://www.todayonline.com/singapore/coi-be-convened-look-singhealth-cyberattack

Where does it say that the government of Singapore shall use blockchain to secure healthcare data?
tinyKomodo said…
Hỏi a trả lời z.
Chắc cần blockchain để xác thực uy tín mấy bạn.
vu duy giang said…
Cám ơn tác giả viết rất hay,và đúng với sự thật,mà tôi đã từng có kinh nghiệm,khi về VN trong những năm đầu thế kỷ 21,để hỗ trợ VN dùm bộ kinh tế của 1 nước Âu Châu. Bây giờ thì chán rồi, vì thấy vẫn chỉ là"Vũ như cẩn"
Thaonx said…
Cảm ơn anh, bài viết rất hay!