Nhật ký trong nhà: khẩu trang

(Một phiên bản hay hơn của bài này đã đăng trên VnExpress)

Khi chúng tôi lên máy bay quay lại California vào đầu tháng hai, dịch COVID-19 đã bùng phát ở Việt Nam và Châu Á. Từ Tân Sơn Nhất đến Hồng Kông, ai cũng đeo khẩu trang. Sân bay Hồng Kông còn kiểm tra thân nhiệt mỗi người. Nhưng khi đến San Francisco thì người đeo khẩu trang trở thành thiểu số. Ngay cả các viên chức hải quan, mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới, cũng không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách an toàn.

Qua khỏi hải quan, vào thang máy để ra về, tôi thấy trong thang máy đã có sẵn một đại gia đình. Thấy chúng tôi đeo khẩu trang, họ ngay lập tức trở nên sợ hãi, nói với nhau xôn xao bằng tiếng Tây Ban Nha. Rồi người thì lấy tay bịt miệng, người kéo khăn choàng lên che, người thì cố gắng đứng càng xa càng tốt. Tình hình còn tệ hơn khi chúng tôi đón Uber về nhà. Anh tài xế khó chịu ra mặt, nhấn hết ga, có vẻ như chỉ muốn kết thúc chuyến đi càng sớm càng tốt.

Ban đầu tôi cũng thấy bực, không hiểu sao dịch bệnh lây lan mà không ai đeo khẩu trang, mình làm đúng mà còn bị phân biệt đối xử. Sau đó tôi mới nhớ ra, trong 10 năm ở đây tôi chưa bao giờ đeo khẩu trang khi ra đường, còn những lúc về thăm Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, không khi nào ra đường mà không có khẩu trang. Từ rất nhiều năm nay, các cơ quan chuyên trách ở Mỹ cũng đã khuyến cáo chỉ những ai bị bệnh mới đeo khẩu trang.

Thôi thì nhập gia tùy tục, chúng tôi cũng không đeo khẩu trang. Trong vòng 14 ngày tiếp theo, chúng tôi tự động hạn chế gặp gỡ bạn bè, tụ tập đông người. Tình hình ở Vũ Hán càng lúc càng căng, nhưng ở Mỹ từ tổng thống đến dân thường và các công ty không mấy ai lo lắng. Khi thấy xung quanh không ai lo, tự dưng tôi cũng bớt đề phòng, mặc dù tất cả các dấu hiệu cho thấy đại dịch đang âm thầm lan đến nước Mỹ. Đây là phản xạ tự nhiên nhưng cũng là bài học mà tôi sẽ nhớ mãi. Khi có nhiều người cùng lo, mỗi người không cần phải quá sợ. Nhưng khi cả cộng đồng không có ai sợ, mỗi người phải rất lo!

Đến hôm nay thì Nhà Trắng, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và các chuyên gia, sau rất nhiều tranh luận, đã khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang vải khi ra đường, để dành khẩu trang phẫu thuật và N95 cho nhân viên y tế. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một người bạn từ cách đây vài tuần, “Nếu bạn nghe lời chính phủ không đi mua khẩu trang thì bạn là công dân tốt và cũng rất ngây thơ". Thật trớ trêu khi chính phủ một siêu cường lại khiến người dân phải rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như vầy.

Đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rất nhiều vấn đề trong hệ thống y tế Mỹ, nhưng riêng về vấn đề khẩu trang, tại sao Mỹ lại không thể làm tốt được như một nước nghèo hơn rất nhiều là Việt Nam? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa hai nền văn hóa.

Công ty của tôi có văn hóa viết tường trình mỗi khi có sự cố xảy ra. Mục tiêu của tờ tường trình không phải là để đổ lỗi cá nhân mà là để rút ra bài học và việc cần làm để đảm bảo sự cố tương tự không xảy ra nữa. Chúng tôi gọi đây là những biên bản “khám nghiệm tử thi” và mỗi biên bản như vậy là một cơ hội học hỏi cho tất cả mọi người.

Trong tờ tường trình có một mục mà tôi rất thích đó là mục “Chúng ta đã may mắn như thế nào". Đây là nơi mà chúng tôi sẽ liệt kê những chỗ mà chúng tôi đã làm đúng (và giúp giảm thiệt hại sự cố), nhưng không phải vì chúng tôi biết, mà là vì chúng tôi hên. Chúng tôi muốn biết chỗ nào chúng tôi gặp may vì có thể lần sau sẽ không may nữa. Những điểm mù như vậy rất nguy hiểm, vì nó tạo ra sự tự tin không có cơ sở. Cần phải rất bình tĩnh, khiêm cung và cầu thị mới có thể tự nhận ra những điểm mù của chính mình.

Tôi nghĩ Việt Nam làm tốt hơn Mỹ (và Châu Âu) trong vấn đề khẩu trang, vì chúng ta đã rất may mắn có văn hóa đeo khẩu trang. Chúng ta đeo để hạn chế khói bụi, ô nhiễm môi trường. Rất nhiều người đeo vì lý do thẩm mỹ. Ngoài Việt Nam ra, người dân một số nước Châu Á cũng có văn hóa đeo khẩu trang, nhất là sau các đợt dịch bệnh trước đây. Vì nhiều người khỏe mạnh vẫn đeo khẩu trang, không ai bị phân biệt đối xử khi đeo. Vì rất nhiều người có nhu cầu, việc mua khẩu trang cũng dễ và giá cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ, ngay cả khi không có dịch bệnh.

Có người nói rằng đeo khẩu trang chắc chắn phải tốt hơn không đeo, nên cứ đeo cho chắc ăn, có kiêng có lành, sao phải suy nghĩ nhiều. Tôi nghĩ đây cũng là một chỗ chúng ta gặp may, khi lẽ thường (common sense) phù hợp với thực tiễn khoa học. Không ít người ăn nhiều tỏi cũng vì lý do ăn thêm phải tốt hơn không ăn gì, nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn tỏi có tác dụng phòng ngừa COVID-19. Xã hội Việt Nam cũng có rất nhiều hủ tục mê tín dị đoan nhiều người làm theo vì muốn “có kiêng" nhưng kỳ thực hoàn toàn không “có lành". Thời gian và nguồn lực là có hạn, mỗi việc chúng ta làm đều có chi phí cơ hội, không thể nhắm mắt làm càng, phó mặc cho sự hên xui may rủi.

Chính sách và văn hóa không đeo khẩu trang của phương Tây có từ trước đại dịch COVID-19 rất lâu. Dựa vào những nghiên cứu khoa học lúc bấy giờ, CDC đã thật sự tin rằng khẩu trang không có tác dụng giảm lây nhiễm cộng đồng. Trong những đợt dịch cúm gia cầm trước đây, họ vẫn kiên định và khá thành công với chính sách này. Có lẽ phương Tây đã gặp may để rồi bây giờ phải trả giá vì đã không khắc phục điểm yếu này. Dựa vào những nghiên cứu khoa học mới nhất, nước Mỹ đã nhận ra sai lầm và bắt đầu sửa sai. Thay đổi một thói quen đã có từ rất lâu không bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng là thước đo sự cởi mở của một nền văn hóa.

Về phần mình, tôi đã mạnh dạn thay đổi, luôn đeo khẩu trang kể cả khi làm việc ở nhà để làm gương cho các đồng nghiệp kém may mắn:


Comments

Cuong Phan said…
Vấn đề không nằm ở việc đeo khẩu trang hay không đeo không trang, có khẩu trang để mua hay không mà vấn đề nằm ở thái độ của chính quyền và dân chúng khi có nguy cơ dịch bệnh sảy ra.
Khi Trung Quốc chật vật tìm cách chống đỡ dịch bệnh thì hầu hết (nếu như không nói là tất cả) các nước phương Tây tỏ thái độ coi thường và hỉ hả. Chính trị gia và giới báo chí đưa những nguồn tin và thuyết âm mưu không rõ nguồn gốc.

Chính quyền Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đã ngay từ đầu có thái độ cứng rắn với dịch bệnh, truyền thông báo chí thì ra rả cả ngày lẫn đêm. Quan điểm của những nước này ngay từ đầu là dập dịch chứ không phải "miễn dịch cộng đồng", "chắc nó trừ mình ra" như mấy nước phương tây để rồi kết cục là chọn lọc tự nhiên, khỏe thì sống yếu thì chết.
Thai Duong said…
Cuong Phan: tôi không chắc là có ai hỉ hả không và thuyết âm mưu là do ai đưa ra, nhưng tôi đồng ý là phương Tây đã không có sự chuẩn bị. Tôi có viết trong bài, khi từ VN quay lại Mỹ, tôi cũng thấy ngạc nhiên sao không ai làm gì, sau vài ngày thì tự bản thân cũng không còn lo lắng lắm. Một người bạn có gửi một bài viết trên FB nói rằng sau TQ đại dịch sẽ lan đến Mỹ, tôi có trả lời hệ thống y tế và phòng dịch của Mỹ tốt lắm, không sao đâu. Giờ nghĩ lại thấy mình thật là lạc quan tếu. Về chuyện miễn dịch cộng đồng, tôi chưa thấy ai nhắc đến chuyện này ở Mỹ cả. Tôi không chắc chắn lắm, nhưng có lẽ UK và một số nước Châu Âu có thử mô hình này nhưng họ cũng đã thay đổi, không còn theo đuổi nó nữa.

Tôi nói về chiếc khẩu trang vì nó vừa mang tính biểu tượng và vừa thật sự góp phần giảm thiểu lây nhiễm cộng đồng ở các nước Châu Á (ít nhất là dựa vào những hiểu biết hiện tại).
Thai Duong said…
>Khi Trung Quốc chật vật tìm cách chống đỡ dịch bệnh thì hầu hết (nếu như không nói là tất cả) các nước phương Tây tỏ thái độ coi thường và hỉ hả.

Hiện tại phương Tây cũng đang chật vật với COVID-19, tôi hi vọng bạn cũng sẽ có thái độ phù hợp. Tôi e rằng tập trung vô "họ sai, tôi đúng" vào lúc này không giúp được ai.

Việc phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề cũng sẽ giúp có thêm nguồn lực để tìm và chế tạo vaccine và thuốc trị bệnh. Đại dịch chưa qua và là mối đe dọa cho cả thế giới, bây giờ "ta" đang làm tốt hơn "tây" nhưng chưa có ai dám chắc rồi sẽ không có lúc "ta" cần "tây".
Anh Hung said…
dù sao việc này cũng là bài học cho phương tây và tất cả các nước khác khi thế giới connected nhiều như hiện nay,đại dịch nó gần ngay mình dù khởi phát có khi cách nửa vong TĐ. sai một nước cờ là hỏng cả ván, các nước ở sát tàu có sự chuẩn bị rất tốt mà cũng gần vỡ trận như hàn, và sắp tới là nhật. sau vụ này chắc chắn thế giới sẽ thay đổi cực kì lớn, tốt hay xấu thì còn phải tuỳ tình hình mỗi nước thậm chí mỗi người.
Chiennv said…
Hi a Thái, cảm ơn đã chia sẻ,
Xin góp một vài ý kiến cá nhân với cảm nhận của một người cũng trong trận chiến chống dịch này, phần "chúng ta đã may mắn như thế nào" rất hay:

1.Các thành phố lớn và HN ô nhiễm, bụi kinh khủng đã tạo nên văn hóa đeo khẩu trang -> là một phương pháp rất hiệu quả phòng chống covid-19. Trong khi phương Tây ko có may mắn như vầy ^^.

2.Chính phủ Việt Nam đã hành động khá sớm, từ trong Tết âm lịch vừa rồi khi TQ bùng phát dịch bệnh, các lễ hội đã bắt đầu bị dừng, giám sát chặt chẽ người đến đi, khai báo y tế … Người khai báo gian dối có thể bị truy tố, ra nơi công cộng bây giờ không có khẩu trang có khi bị phạt, đi ra đường có nhiều khi găp police hỏi đi đâu, những điều này có khi không có trong luật hoặc phiền hà nhưng mỗi người hiểu đó là cần thiết cho mình và cộng đồng. Trường hợp nước ngoài thì ko dám chắc, nếu căn cứ trên luật không thể triển khai nổi chính sách trên.
3.Các chính sách phòng và chống nhiều khi được đưa ra rất nhanh nhưng từ trung ương đến địa phương thực hiện khá là nghiêm túc, quyết liệt, các doanh nghiệp cũng vậy. Đó là một nguyên nhân VN kiểm soát được không để nó bùng phát, nhưng chặng đường còn nhiều khó khăn, khi mà chưa có thuốc chữa, vaccine thì không biết bao giờ thực sự kiểm soát được.
4.Loại biến thể của corona này hoàn toàn mới đối với nền y tế kể cả Mỹ, lây cực nhanh và khó kiểm soát, ko thuốc chữa, vaccine, nên khi “vỡ trận” ở bất cứ quốc gia nào cũng rất tệ. Một số nước nghĩ mình có nền y học tiên tiến đã chủ quan và phải trả giá: Mỹ, Ý, Đức … Những lúc như thế này các chính sách: cấm đi lại, phải thế này, phải thể kia có vẻ cực đoan, động chạm đến tự do từng cá nhân hóa lại là cần thiết và hiệu quả, song song với đó là rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp lăn quay rồi,từng gia đình phải nhẫn nại cầm cự. Cái Cô Vi này làm thể giới “trải phẳng” hơn bao giờ hết.(Book: the world is flat)
HaDzuong said…
Bài viết rất hay. Nhất là cái ảnh minh họa, kkk.

Đúng như Thái và các anh em đã comments, văn hóa nào cũng có thể thay đổi, Phương Đông huyền bí hay Phương Tây khoa học kỹ thuật phát triển đều là thế giới của những người hùng đeo khẩu trang. Việt Nam đã 'may mắn' thế nào vì môi trường ô nhiễm nên thói quen đeo khẩu trang nó là 1 nét văn hóa rồi, không ai kì thị. Nhưng Tây thì lần đầu thật.

Với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như vậy, giờ không thể nói là ai cười trước ai cười sau được mà tất cả đều phải chung tay đẩy lùi con Covid19 ra khỏi xã hội, trở về nơi nó thuộc về. Rất mong Thái, với khả năng và trí thức của một IT Scientist, có thể chia sẻ thêm về cách thức mà IT chúng ta có thể làm để hỗ trợ, khắc chế, tìm ra root cause và xử lý vấn đề.

Luôn khỏe và an toàn nhé. Stay home, Stay strong.

Unknown said…
Chào Thái mình là Dung, đúng là khi sự viẹc xảy ra việc viết lại tường trình là một cách hay để chiêm nghiệm lại nó sâu sắc hơn.
Mình cũng khá tò mò về form tường trình ở công ty bạn, không biết bạn có thể chia sẻ để mình tham khảo không?
Thai Duong said…
Dung: bạn có thể xem ở https://landing.google.com/sre/sre-book/chapters/postmortem-culture/.
Chào Thái!
Thái ơi mình rất thích bài báo "Cuộc chiến khẩu trang" của Thái trên VNExpress.
trong đó mình đặc biệt thích " tường trình “khám nghiệm tử thi” khi gặp sự cố" mà Thái đã đề cập, rất mong được Thái chia sẽ thêm về kết cấu và nội dung cơ bản của tường trình này.
Nếu được mong Thái chia sẽ qua Email Tplnguyentienphap@gmail.com giúp mình nhé!
Cảm ơn Thái! chúc Thái nhiều sức khỏe!
Thai Duong said…
Bạn có thể xem ở đây: https://landing.google.com/sre/sre-book/chapters/postmortem-culture/.
Cảm ơn Thái!
Hoangdacviet said…
Cảm ơn bạn đã cho Kami hơn về văn hoá của Google, hiểu hơn về văn hoá cũng như hiện trạng của nước Mỹ
Bạn cũ A4 said…
Đọc nhiều bài rồi giờ mới post cmt.Văn hóa viết tường trình “khám nghiệm tử thi” khi gặp sự cố rất cần, đặc biệt trong kỹ thuật, các ngành thực nghiệm. Điều này thấy các nước tiên tiến đã làm rồi nhưng ở VN còn khá yếu. Hy vọng qua đợt dịch này sẽ thấy các bản "tường trình" thế này để khắc phục khủng hoảng trong tương lai.
Ned said…
Blog https://slatestarcodex.com/2020/04/14/a-failure-but-not-of-prediction/ có đoạn rất hay phân tích vì sao CDC & WHO thất bại trong việc khuyến cáo khẩu trang (see III).

"Only two options exist. The first is that we accept that, under exceptional circumstances, common sense might be applied when considering the potential risks and benefits of interventions. The second is that we continue our quest for the holy grail of exclusively evidence based interventions and preclude parachute use outside the context of a properly conducted trial. The dependency we have created in our population may make recruitment of the unenlightened masses to such a trial difficult. If so, we feel assured that those who advocate evidence based medicine and criticise use of interventions that lack an evidence base will not hesitate to demonstrate their commitment by volunteering for a double blind, randomised, placebo controlled, crossover trial."

Nha said…
Em cùng ý kiến ạ! Đó là do văn hoá và ngừng đổ lỗi, chỉ trích, mà nên rút bài học để không lặp lại lần 2. Kể cả trong công việc nữa.
dochanh said…
"Chúng tôi muốn biết chỗ nào chúng tôi gặp may vì có thể lần sau sẽ không may nữa. Những điểm mù như vậy rất nguy hiểm, vì nó tạo ra sự tự tin không có cơ sở. Cần phải rất bình tĩnh, khiêm cung và cầu thị mới có thể tự nhận ra những điểm mù của chính mình." Thích câu này của bạn.