Truy vết người nhiễm bệnh

(Bài này đã đăng trên VnExpress. Tôi cũng có viết một bài khác, bớt nghiêm túc hơn.)

Sếp mới nhắn tin hỏi tôi có muốn đánh giá an ninh cho một nhóm đang thiết kế công nghệ "truy vết tiếp xúc người nhiễm Covid" hay không.

"Nhóm thiết kế đang quan tâm yếu tố đảm bảo riêng tư của ứng dụng. Họ đang cần người. Nếu anh muốn giúp tôi sẽ gửi anh xem". Tôi đọc tin mà thấy mở cờ trong bụng. Mấy tuần rồi, đóng góp lớn nhất của tôi, nếu có thể xem là đóng góp, là ở nhà. Dự án là cơ hội tuyệt vời để một kỹ sư như tôi làm gì đó hữu ích hơn.

Sau khi qua đỉnh dịch, xã hội sẽ dần trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng không có nghĩa Covid-19 sẽ không trở lại. Cho đến khi có vaccine, các chuyên gia dự báo sẽ còn nhiều đợt bùng phát. Mỗi khi có người nhiễm mới, chúng ta lại phải thực hiện truy vết tiếp xúc, tức là xác định họ đã từng ở đâu, tiếp xúc những ai để cách ly. Khi số người nhiễm bệnh bùng nổ hoặc khi có những ca "siêu lây nhiễm", tiếp xúc hàng trăm người, truy vết thủ công sẽ mất nhiều thời gian và nhân lực. Công nghệ truy vết tự động hứa hẹn giảm tải cho lực lượng chuyên trách.

Các công nghệ truy vết thường dựa vào vị trí của điện thoại di động để suy ra vị trí người sở hữu, rồi quét xem trong bán kính vài mét có xuất hiện điện thoại của ai khác không. Có nhiều cách xác định vị trí của điện thoại, với độ chính xác khác nhau, như dùng sóng viễn thông, GPS, wifi hay bluetooth. Khó có thể đạt được độ chính xác tuyệt đối, nhưng nếu sai lệch quá lớn sẽ dẫn đến nhiều báo động giả, gây hao tổn sức lực cho đội ngũ chống dịch và hoang mang không cần thiết cho người dân. Cho đến nay, bluetooth được cho là trả lại kết quả chính xác nhất.

Xây dựng một giải pháp truy vết dựa trên bluetooth không quá khó. Thử thách đến từ việc đảm bảo riêng tư (privacy-preserving). Để truy vết hiệu quả, ta phải liên tục theo dõi tất cả mọi người. Nhưng các chi tiết về tình trạng sức khỏe, việc họ đã ở đâu, làm gì, gặp ai, vào lúc nào là những thông tin cá nhân thuộc dạng tối mật, nhạy cảm nhất của mỗi người, không thể tùy tiện chia sẻ cho ai khác hay công khai trên mạng.

TraceTogether là công nghệ truy vết đầu tiên do chính phủ Singapore công bố. Công nghệ này đơn giản và hiệu quả, nhưng có nhược điểm là người sử dụng phải chấp nhận bị theo dõi, bất kể có bệnh hay không. Khi Covid-19 bắt đầu lan đến Mỹ và châu Âu, các chuyên gia phương Tây bắt tay vào nghiên cứu và phát triển giải pháp an toàn hơn. Chỉ trong vòng vài tuần, đã có hơn 60 nhóm dự án ra đời, đa số là mã nguồn mở, trong đó có những nhóm đến từ các đại học danh tiếng như ETH ở Thụy Sĩ - nơi Einstein từng thi rớt, MIT và Stanford ở Mỹ hay Waterloo ở Canada. 

Công ty của tôi, Google, cũng đã tuyên bố hợp tác với Apple để phát triển một công nghệ truy vết đảm bảo riêng tư. Mặc dù là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường điện thoại, hai bên đã bắt tay để giải quyết các khác biệt trong công nghệ bluetooth giữa iOS và Android, cùng nhau tạo ra một nền tảng truy vết hợp nhất. Đây là dự án tôi may mắn được tham gia.

Ý tưởng của công nghệ truy vết đảm bảo riêng tư khá thông minh. Điện thoại của A sẽ liên tục phát ra mã số ngẫu nhiên. Khi A ngồi cạnh B, điện thoại của cả hai sẽ trao đổi mã số. Chúng cũng nhớ mã số chúng đã gửi đi và đã nhận được trong vòng 14 ngày. Nếu A nhiễm ‘Cô-vy’, mã số của A sẽ được đánh dấu đã nhiễm. Vì mã số là ngẫu nhiên, danh tính và thông tin cá nhân của A theo đó được giữ kín, nhưng điện thoại của B vẫn có thể kiểm tra xem nó đã từng nhận được mã số bị nhiễm nào không. Nếu đã nhận được quá nhiều mã số bị nhiễm, tức là B đã tiếp xúc với người bệnh đủ lâu. B sẽ được cảnh báo.

Ý tưởng cơ bản là vậy, nhưng để xây dựng được giải pháp tối ưu, chúng tôi sẽ phải thử nghiệm, tính toán chi li từng phần triệu giây và từng byte bộ nhớ. Mục tiêu là tìm được điểm cân bằng giữa nhiều yếu tố đối nghịch nhau, như an toàn, riêng tư, chi phí và sự tiện lợi cho người dùng. Một bài toán vừa khó vừa hết sức thú vị. Tin vui là có rất nhiều người thông minh ở Google, Apple và nhiều đại học trên thế giới cũng đang ngày đêm suy nghĩ về việc này. Sản phẩm chưa hoàn thành, tôi không thể chia sẻ thêm gì nữa, nhưng ở đây tôi còn muốn bàn đến một khía cạnh khác: quyền riêng tư.

Tại sao người phương Tây lại rất quan tâm đến quyền riêng tư? Sẽ có người nghĩ, phải chăng họ có tật mới giật mình, chứ quang minh chính đại thì có gì phải giấu. Không phải vậy. Trước nhất, quan tâm và bảo vệ riêng tư không có nghĩa là giấu giếm sai trái. Có rất nhiều chuyện ở đời ta không muốn người khác biết, đơn giản vì đó là chuyện cá nhân. Từ việc thường ngày gặp ai, làm gì, ở đâu đến xu hướng tình dục, tôn giáo, quan điểm chính trị... Chẳng có gì sai trái, nhưng không phải ai cũng muốn khoe với thiên hạ. Chẳng ai muốn bị đặt camera theo dõi trong nhà, kể cả những người trong sạch nhất.

Suốt thế kỷ 20, người phương Tây đã trải qua nhiều cuộc bể dâu, phần lớn do các chính phủ gây ra. Lịch sử đau thương đã tạo dựng văn hóa và nền tảng pháp lý không cho phép các chính phủ ngang nhiên xâm phạm đời sống riêng tư của mỗi người. Người phương Tây hiểu rằng, nhà cầm quyền có thể bỏ tù hoặc thậm chí tử hình công dân, cho nên hạn chế chia sẻ thông tin với chính phủ là một cách tự vệ. Vì một khi thông tin cá nhân lọt vào tay người có quyền, không ai đoán được nó có thể bị sử dụng hay diễn dịch như thế nào. Cùng một dữ liệu, thông số, khi diễn dịch trong những ngữ cảnh khác nhau sẽ dẫn đến những kết luận rất khác nhau.

Có người lý lẽ rằng, lúc bình thường ta cần phải bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng giữa đại dịch, việc chia sẻ tên tuổi, đã ở đâu, làm gì, với ai của người nhiễm hoặc nghi nhiễm sẽ giúp giảm lây lan cho cộng đồng. Đó là việc nên làm, không có gì phải suy nghĩ. Họ lập luận rằng từng người phải hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích cộng đồng. Sau này hết dịch, mọi thứ sẽ quay về như cũ.

Khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua, nhưng kỳ thực những thay đổi về chính sách tưởng là tạm thời thường sẽ ở lại rất lâu. Sau vụ 11/9, nước Mỹ gấp rút thông qua Đạo luật Yêu nước, trong đó có những điều khoản xâm phạm nghiêm trọng đến nhiều quyền Hiến định của người dân Mỹ. Năm sau là 20 năm xảy ra vụ 11/9, nhưng đa số các chính sách trong Đạo luật này vẫn còn hiệu lực sau khi được gia hạn nhiều lần.

Người dân phương Tây đang chật vật chống đỡ dịch bệnh, đang mất mát quá nhiều, nhưng đa số vẫn không chấp nhận từ bỏ riêng tư của mình hay xâm phạm riêng tư của người khác trên danh nghĩa chống dịch. Tôi không dám khẳng định họ đúng hay không, bởi mỗi lựa chọn đều có giá của nó. Trong những ngày này, khi cùng với nhiều đồng nghiệp Âu, Mỹ tìm giải pháp ưu việt bảo vệ riêng tư cho người dùng sản phẩm, tôi nhận ra rằng, nếu không quan tâm đến quyền lợi của người khác, người ta có thể dễ dàng triển khai ngay một giải pháp truy vết hiệu quả.

Nhưng, cuộc đời thường đưa ra hai lựa chọn: dễ hoặc đúng. Chọn điều đúng luôn khó hơn việc dễ gấp nhiều lần, không chỉ với mỗi người và cả với mỗi chính phủ.

Comments

HaDzuong said…
Bài viết này và video hội thảo mini trên youtube rất hay và công phu.

Giải pháp truy vết này sử dụng Bluetooth có nhiều bất tiện quá nhỉ. Mỗi cá nhân sẽ phải bật bluetooth lên mỗi khi ra đường, chủ yếu là để kết nối với thiết bị nghe nhạc là chính. Còn không thì sẽ mặc định là Off cho đỡ tốn pin.

Vậy nên giải pháp đưa ra là 1 chuyện, còn để áp vào thực tế cuộc sống, coi là điều bắt buộc, lại có thể khiến người dùng hồ nghi về việc theo dõi, là tương đối khó.
Thai Duong said…
HaDzuong: Giải pháp này không bắt buộc, mà người dùng phải bật lên. Tưởng tượng điện thoại sẽ có COVID-19 mode giống như Airplane mode, khi người dùng mở lên thì điện thoại mới thực hiện việc phát và thu mã số ngẫu nhiên.

Như tôi nói trong hội thảo, làm sao để tiết kiệm pin chính là một trong những thử thách lớn nhất. Cái này phải test mới biết được thôi. Tôi biết là có nhiều người đang làm thử nghiệm và sẽ sớm biết được chi phí như thế nào.