Quyền được gãi ngứa

(Một phiên bản của bài này đã đăng trên VNExpress)

Làm công nghệ gần hai mươi năm, vậy mà tôi phải vã mồ hôi mới đăng ký được cho ba tôi tiêm vaccine trên Cổng tiêm chủng quốc gia.

Ba tôi đã lớn tuổi, biết xài điện thoại thông minh, tuy không thạo lắm. Ông không tự đăng ký được nên tôi phải giúp.

Đó là đầu tháng tám vừa qua. Tôi điền thông tin xong, thấy cũng thuận tiện, nhưng sau đó Cổng tiêm chủng yêu cầu "xác nhận số điện thoại". Họ gửi về điện thoại của ba tôi một mã số, phải nhập đúng mã số đó mới được đăng ký.

Tôi gọi điện từ nước ngoài về, hỏi mã số để nhập lên cổng. Ông ngơ ngác: "Mã gì con?". Tôi ngớ người, hóa ra ba tôi chưa từng nhập mã OTP để giao dịch trực tuyến. Tôi giải thích một hồi, nhấn nút "gửi lại mã" mấy lần, máy của ông vẫn không nhận được. Mỗi lần gửi mã số mới, hệ thống chỉ chờ hai phút thôi, chậm hơn là phải làm lại.

Cuối cùng, tôi quyết định cứ đăng ký bằng số khác, thầm nhủ "họ hỏi thì ráng giải thích". Đăng ký đến giờ đã hơn một tháng, chưa thấy ai gọi ba tôi đi tiêm. May thay, ông đã tiêm một mũi, đăng ký trực tiếp với tổ dân phố bằng công nghệ xưa như trái đất, tức giấy và bút. Tôi vừa thử tra thông tin của ba tôi trên Cổng tiêm chủng quốc gia, website trả lời "không tìm thấy".

Tôi là kỹ sư an ninh mạng, nhưng công việc của tôi không chỉ là làm cho sản phẩm an toàn, mà phải vừa an toàn vừa dễ sử dụng. Tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ về trải nghiệm người dùng, làm sao cho nhanh, thuận tiện mà vẫn an toàn. Tôi hay nói với đồng nghiệp rằng, nếu mẹ tôi, và bây giờ tính luôn cả ba tôi, không dùng được thì thiết kế sản phẩm chưa đạt yêu cầu.

Nhiều năm trước, cứ mỗi vài tuần là Gmail yêu cầu người dùng nhập lại mật khẩu vì lý do an ninh. Chúng tôi quan sát thấy mỗi lần như vậy, lượng lớn người dùng một đi không trở lại, vì không nhớ mật khẩu. Mẹ tôi là một trong số đó. Thế là khá lâu rồi Gmail không còn "đòi" mật khẩu thường xuyên nữa, còn kỹ sư chúng tôi phải tính đến những phương án khác để bảo vệ người dùng.

Tôi nghĩ chắc hẳn Cổng tiêm chủng quốc gia phải có lý do mới yêu cầu "xác thực số điện thoại". Nhưng đâu phải ai muốn tiêm vaccine cũng có điện thoại di động. Và nếu có, họ chưa chắc đều hiểu "mã số xác nhận gửi qua SMS" là gì. Sau này tôi mới biết, nhà mạng khóa sim của ba tôi một chiều nên không nhận được tin nhắn.

Nếu Cổng tiêm chủng vẫn muốn xác nhận số điện thoại, một giải pháp thân thiện hơn với người dùng là gọi điện thay vì nhắn tin. Nhưng tốt nhất hãy hỏi: Liệu có cách nào bỏ xác nhận số điện thoại mà vẫn đạt được yêu cầu dữ liệu không? Tiêu chí thiết kế phải là bỏ được bước nào hay bước đó, chứ không phải thêm được bước nào thì cứ thêm.

Tôi chọn nói về Cổng tiêm chủng quốc gia, nhưng đây không phải vấn đề của riêng hệ thống này. Để viết bài này, tôi đã thử cài đặt hàng loạt app "chống dịch" của Việt Nam. Tôi thấy nhiều app cũng không sao, người dân sẵn sàng cài vài app khác nhau, miễn sao cái nào cũng chạy tốt, dễ dùng, an toàn, đảm bảo riêng tư, và, quan trọng hơn hết, phục vụ đúng nhu cầu của mọi tầng lớp.

Tôi nhấn mạnh nhu cầu vì tôi thấy có những app được tạo ra để phục vụ nhu cầu của cơ quan nhà nước hơn là người dân. Nhu cầu của dân rất đơn giản: tiêm vaccine, đi lại và nhận hỗ trợ an sinh, thất nghiệp. Câu hỏi không phải là tôi có thể làm app gì mà là người dân cần gì?

Thủ tướng mới chỉ đạo các bộ ngành thống nhất thành một ứng dụng chống dịch. Một số người đã nêu ý tưởng về một "siêu ứng dụng" của Việt Nam để "đi ra thế giới". Thật sự, chúng ta không phải đang chế tạo tên lửa để lên thăm chú Cuội trên Cung Trăng. Chúng ta chỉ đang cần một chiếc xe đạp để đi quanh trong làng thôi. Đương nhiên, muốn làm được chiếc xe đạp tốt vẫn cần phải có nghề.

Tin vui là Việt Nam có hàng trăm ngàn kỹ sư và chuyên gia phần mềm. Trong nước đã có những app, website vài chục triệu người dùng, tức là nhiều người đã biết làm cả "ô tô", nói gì "xe đạp". Các tập đoàn công nghệ lớn thế giới cũng không thiếu bóng dáng người Việt.

Những người thạo việc thường đã có việc làm tốt, bình thường chính quyền không có cách gì thu hút được họ, nhưng Covid đem đến một cơ hội. Phải cài bao nhiêu app, mà app nào cũng còn lỗi, họ cũng bức xúc, ngứa nghề chứ. Chỉ cần cho họ một cơ hội, tôi tin nhiều người sẽ nhào vào "tự gãi ngứa".

Chính quyền tạo ra cơ hội đó như thế nào? Câu trả lời, theo tôi, nằm ở mã nguồn mở và một tinh thần mở.

Phong trào phần mềm nguồn mở là một trong những sáng tạo làm nên thành công rực rỡ của giới công nghệ suốt mấy thập kỷ qua.

Không có ngành nào như ngành phần mềm, nơi các công ty thi nhau công bố tài sản trí tuệ, cho phép tất cả mọi người, kể cả đối thủ cạnh tranh, tham khảo, sử dụng lại, cải tiến tất cả thành quả sáng tạo của họ mà không lấy một xu. Nghe thì ngược đời, nhưng đây chính là cách họ cùng nhau phát triển, giúp tất cả đi nhanh hơn phần còn lại của thế giới.

Hầu hết phần mềm xương sống của Internet là phần mềm mã nguồn mở, hoặc được xây dựng dựa trên các phần mềm mã mở. Chính dòng chữ này cũng được tạo ra và đưa đến máy tính của bạn trên những phần mềm như vậy. Nói không ngoa, nếu không có sáng tạo văn hóa nguồn mở thì có lẽ chúng ta đã không có Internet như ngày hôm nay.

Vậy thì trước tiên, thay vì đóng cửa bảo nhau, âm thầm làm, nhà nước phải yêu cầu những đơn vị thực hiện các hệ thống thông tin quốc dân mở mã nguồn, mở thiết kế, công bố rộng rãi kế hoạch phát triển.

Lúc bấy giờ, ai thấy chỗ nào chưa được đều có thể tự do tham gia sửa lỗi và phát triển tính năng mới. Đây chính là cách kích thích sự sáng tạo và đóng góp từ mọi người dân, đặc biệt từ nhóm chuyên môn cao.

Năm ngoái, khi lũ lụt tàn phá miền Trung, một nhóm lập trình viên trẻ đã nhanh chóng tạo ra dự án mã nguồn mở Cứu hộ miền Trung, thu hút sự tham gia của kỹ sư Việt khắp thế giới. Họ cùng đóng góp ý kiến và hoàn thiện trang web. Nhiều kỹ sư làm việc trong các công ty "đối thủ" đã ngồi lại với nhau, chung tay vì đồng bào.

Hay như chỉ cách đây vài ngày, bạn tôi đang làm ở Amazon phát hiện một lỗ hổng bảo mật sơ đẳng trong một app tạo mã đi đường của Hà Nội, khiến ai cũng có thể làm giả mã đi đường. Nếu thiết kế của app này được công bố rộng rãi ngay từ đầu, những lỗ hổng như thế đã sớm được phát hiện và ngăn chặn. Giống như một căn nhà, sửa lỗi lúc còn trên bản vẽ bao giờ cũng dễ hơn khi đã xây xong.

Như bao phong trào cách tân khác, mã nguồn mở cũng có khi này khi nọ. Bluezone có lẽ là sản phẩm phần mềm mở đầu tiên của một cơ quan chính phủ, nhưng cách làm nửa vời khiến nó chẳng đến đâu, dù đã nhận được nhiều góp ý của cộng đồng.

Tôi là người chuyên đi tìm lỗ hổng trong phần mềm của người khác. Đến khi chuyển sang làm phần mềm nguồn mở, tôi cũng đã rất lo, vì sợ bị chê cười nếu lỡ làm sai. Nhưng rồi tôi nhận ra ai cũng có thể mắc lỗi, quan trọng là xử lý thế nào. Tôi nghiệm ra rằng mỗi lần người khác chỉ ra cái sai của mình là cơ hội để học hỏi, hoàn thiện bản thân và sản phẩm của mình.

Thành ra, mấu chốt theo tôi nằm ở tư duy cởi mở (open-mindedness). Lãnh đạo có tinh thần mở sẽ chào đón mọi người cùng tham gia, dám sai dám sửa. Còn tư duy chưa đủ mở thì có tuyên bố "app mở" cũng chỉ là bình mới rượu cũ, dễ gây cảm giác khoa trương hình thức.

Cách đây nhiều năm, giáo sư Ngô Quang Hưng đã chỉ ra rằng bằng cách tôn trọng và khuyến khích "quyền tự do tí toáy" của mỗi cá nhân, tinh thần mở tạo nền tảng và kích thích tiềm năng sáng tạo vô hạn từ cộng đồng, vì nó ghi nhận các tiếng nói cá nhân trong tiến trình phát triển.

Chính phủ đã nói nhiều về việc thu hút và sử dụng nhân tài. Dẫu không phải ai cũng muốn "làm quan" trong bộ máy nhà nước, nhưng tôi tin vẫn còn rất nhiều tấm lòng hướng về đất nước. Không riêng gì công nghệ, mở cửa tư duy và khuyến khích ai có năng lực đều có thể tham gia giải quyết các vấn đề lớn của xã hội là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam sớm đi cùng thế giới.

Mọi thay đổi sáng tạo trên thế giới này, xét cho cùng, đều đến từ những cá nhân tâm huyết với vấn đề mà họ muốn giải quyết. Bởi có ai bị ngứa mà không muốn được quyền tự gãi?

Comments

Quang Huy said…
Trong bài "Tinh thần mở", Thái có nhắc đến: "Chính quyền tạo ra cơ hội đó như thế nào? Câu trả lời, theo tôi, nằm ở mã nguồn mở và một tinh thần mở"; và "thay vì đóng cửa bảo nhau, âm thầm làm, nhà nước phải yêu cầu những đơn vị thực hiện các hệ thống thông tin quốc dân mở mã nguồn, mở thiết kế, công bố rộng rãi kế hoạch phát triển.
Tuy nhiên, điều này rất khó. Hiện nay, hầu hết lãnh đạo đều không hiểu rõ về mã nguồn mở, họ sợ mở ra sẽ mất thông tin nội bộ, thông tin bí mật, họ sợ không quản lý được, sợ người ta biết hạn chế. Thường đã không biết gì hoặc biết ít thì sẽ không tin ai.
Thái có đề cập đến ý "mấu chốt theo tôi nằm ở tư duy cởi mở (open-mindedness)"; vì vậy, cách để họ mở là cần làm cho họ hiểu và tin tưởng để mở tuy duy. Khi đó, các chuyên gia như Thái mới có thể "thực hiện quyền được giã ngứa" của mình được. Nếu không thì cũng mãi như thế này thôi.
tonyphong said…
Trong bất cứ đất nước hiện đại nào, những người đóng góp nhiều nhất vào xã hội đó là doanh nhân, không phải chuyên gia, nhà khoa học, lập trình viên, công nhân vv.
Trước khi hùng mạnh, Mỹ có Vanderbilt, Andrew Carnegie, Rockefeller, Nhật có gia đình nhà Toyoda Morita Akio, rồi đến Hàn, Thái Lan.
Ở Việt Nam thì có bác Vượng, ko biết thay đổi là tốt hay xấu, nhưng Vin đã làm thay đổi ở mọi nơi ở VN

Nên câu trả lời cho những vấn đề kiểu này, hoặc mọi vấn đề ở VN là phải có một lớp doanh nhân đủ tầm và đủ tâm, để có thể kết nối được nguồn lực từ trong và ngoài nước, giải quyết những bài toán của xã hội.
Chứ các chuyên gia thì cũng tranh luận chán xong thì thôi, cũng ko giải quyết đc việc gì, nhất ở các nước đang phát triển như ở VN.
Đông said…
Vì tư duy quản lý và điều hành của "họ" chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có cái "tinh thần mở" để mà mở!
Thai Duong said…
tonyphong: những vị founding fathers của Mỹ đâu có ai là doanh nhân đâu bạn. Tôi luôn ủng hộ doanh nhân đóng thuế, tạo ra vật chất của cải, công ăn việc làm. Họ có đóng góp rất lớn, còn có phải lớn nhất hay không thì tôi không dám chắc.

Tôi cũng không kỳ vọng những gì tôi viết sẽ thay đổi được gì, chỉ hi vọng cung cấp một góc nhìn để bà con có thêm thông tin và ý tưởng nếu muốn làm thì nên làm sao.
kyris said…
...
Những người thạo việc thường đã có việc làm tốt, bình thường chính quyền không có cách gì thu hút được họ, nhưng Covid đem đến một cơ hội. Phải cài bao nhiêu app, mà app nào cũng còn lỗi, họ cũng bức xúc, ngứa nghề chứ. Chỉ cần cho họ một cơ hội, tôi tin nhiều người sẽ nhào vào "tự gãi ngứa".
...

Em có trăn trở về việc này và suốt tháng nay em có tìm hiểu cách thức để apply vào làm cho nhà nước, với mong muốn để sản phẩm tốt hơn, dù là Product hay Engineer. Nhưng tiếc là em không biết tìm ở đâu. Nếu anh hay mọi người ai có thông tin để apply vào thì mong mọi người giúp đỡ. Em có thể không giỏi nhưng em mong muốn phần mềm của nhà nước VN tốt hơn.
admin said…
@kyris muốn làm cho nhà nước ? bạn apply thẳng vào BKAV của anh Quảng bom ấy, vì cty của anh ta thầu rất nhiều hàng họ quốc doanh : bluezone, vneid ... bạn nên tìm hiểu cơ chế nhà nước là chỉ định các gói thầu cho các cty thân hữu sân sau như kiểu BKAV chứ tìm đâu cho xa. Chúc bạn thành công
Quyền Vu said…
Cảm ơn anh Thái, một bài viết rất hay, phần mềm pc covid lại bị bkav "phát triển", một lần nữa chúng ta lại được thấy lợi ích nhóm đặt trên lợi ích quốc gia.
Anonymous said…
@Quyền Vũ: PC covid là bluezone nâng lên, thông tin về ứng dụng trên googleplay vẫn là bluezone, trên IOS thì ứng dụng bluezone tự chuyển thành pc-Covid. Và kỹ sư trưởng của cái trung tâm công nghệ ứng phó covid lại mua cả tên miền trumlaynhiem.hcdt.vn