djb

Tôi đi hội thảo, vô tình ngồi kế bên djb. Ổng trông cũng... bình thường, cũng ngủ gục (giống tôi!) khi bài phát biểu chán quá =), nhưng mà ngồi kế một người đặc biệt như djb khiến tôi thấy có thêm cảm hứng học và làm ra cái mới.

Những ai làm quản trị hệ thống Linux hay UNIX có thể không nhớ djb là ai, nhưng mà nhắc qmail hay djbdns chắc nhiều người sẽ biết. Email và DNS là hai dịch vụ quan trọng nhất của Internet. Lúc bấy giờ, khoảng thập niên 80 và đầu 90 của thế kỷ trước, các máy chủ email và DNS thường chạy Sendmail và BIND9. Vấn đề là hai phần mềm này có cực kỳ nhiều lổ hổng bảo mật. djb viết qmail và djbdns để thay thế chúng và tuyên bố "gây sốc" là phần mềm của ông không có lỗi.

Dĩ nhiên là không ai tin, rất nhiều người lao vô tìm lỗi. djb phát hành phiên bản đầu tiên của qmail vào năm 1996, nhưng cho đến tận 10 năm sau đó không có ai phát hiện ra bất kỳ vấn đề gì. Năm 2005, Georgi Guninski, một huyền thoại khác của ngành bảo mật, phát hiện ra một lỗi tràn bộ đệm, nhưng djb cho rằng lỗi này rất khó khai thác trong các cấu hình mặc định của qmail, nên không trao thưởng. Dẫu vậy djb cũng công nhận đây là một lỗi và cho đến tận ngày nay đó là lổ hổng duy nhất được phát hiện. Đối với djbdns tình hình cũng tương tự. Chỉ có một lổ hổng duy nhất được phát hiện và trao thưởng vào năm 2009 (bật mí: người tìm thấy lổ hổng này từng làm ở nhóm của tôi ở Google).

Nếu như qmail và djbdns không có ai xài thì không nói làm gì, nhưng đây là hai phần mềm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hạ tầng Internet. Yahoo! Mail và rất nhiều máy chủ email sử dụng qmail còn djbdns là phần mềm máy chủ DNS đứng thứ hai trên Internet. Chỉ cần qmail hay djbdns là đã đủ để đưa tên tuổi djb trở thành huyền thoại, nhưng ông không dừng lại ở đó. djb học toán ở Berkeley với Hendrik Lenstra (chữ L thứ hai trong thuật toán LLL lừng danh), rồi trở thành nhà nghiên cứu mật mã ứng dụng có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của Internet, nếu không muốn nói là lớn nhất. Lĩnh vực nghiên cứu chính của djb là mật mã tốc độ cao (high speed cryptography). Ổng muốn mã hóa toàn bộ Internet. Không những chế ra thuật toán, mà djb còn cung cấp miễn phí phần mềm triển khai các thuật toán này. Mỗi khi bạn sử dụng Chrome để xem Gmail, rất có thể bạn đang sử dụng những phát minh của djb.

--

Người ta hay nói, "Ba mươi tuổi mà chưa giàu thì phải xem lại mình", hay "Đừng tự hào vì mình Nghèo mà học Giỏi, hãy tự hỏi sao mình Giỏi mà vẫn Nghèo". Tôi không nghĩ làm giàu chân chính là sai, ngược lại, tôi thấy đó là một mục tiêu cao đẹp. Tôi ngưỡng mộ những người tạo ra của cải vật chất và đóng góp cho xã hội bằng cách tạo ra công ăn việc làm hay các hoạt động từ thiện. Xã hội cần phải có thêm nhiều người như thế. Chỉ là khi nhìn vào djb, tôi thấy một con đường khác để sống cuộc đời của mình, mà không phải quá bận tâm về chuyện làm giàu.

Comments

Unknown said…
"Xã hội cần phải có thêm nhiều người như thế. Chỉ là khi nhìn vào djb, tôi thấy một con đường khác để sống cuộc đời của mình, mà không phải quá bận tâm về chuyện làm giàu."

Câu này rất hay anh!
đây cũng là lý do e rất ngưỡng mộ T.Edison.
Unknown said…
Like. Và hiểu rõ hơn về anh chàng djb