Cha truyền con nối

Tôi đi Florence chơi, ghé thăm tiệm giày Francesco da Firenze (tức Francesco ở Florence, giống như Leonardo da Vinci nghĩa là Leonardo ở Vinci).

Francesco ngồi làm giày ở xưởng ở phía sau của tiệm (hình chôm trên Internet)
Nhà Francesco làm giày cha truyền con nối, cho đến nay đã ba bốn thế hệ. Giày của Francesco được làm bằng tay, tùy nghi tinh chỉnh, kiểu dáng cổ điển và quan trọng hơn hết là bền. Mua một đôi, hẹn không gặp lại, vì mang hoài không hư. Tôi hỏi con trai của Francesco, trông trên dưới bốn mươi, làm giày lâu chưa, ảnh cười nói lâu lắm rồi. Nghề dạy nghề, giày của nhà Francesco được nhiều người biết đến, mặc dù Florence không thiếu những cửa tiệm sang trọng và, đôi khi, phải chăng hơn.

--

Nếu làm giày cha truyền con nối được, sao quan chức truyền ngôi cho con lại bị chúng chửi?! Hồi xưa ba ở trong rừng, bây giờ con đi học ở Tây, rõ ràng tốt hơn nhiều rồi mà. Gia đình có truyền thống, con cái cũng có nhiều cơ hội được tiếp xúc và rèn luyện sớm hơn. Người ta nói, con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh, không phải là không có cơ sở.

Tôi nghĩ ai cũng đồng ý nghề nghiệp nào cũng có kế thừa, người sau thường có xuất phát điểm tốt hơn người trước. Quản trị quốc gia cũng cần phải có kế thừa, người đi sau phải nhìn vào người đi trước, học cái hay và loại bỏ cái dở. Chính vì thiếu kế thừa -- những người giỏi kinh bang tế thế lũ lượt bị bắt bỏ tù hoặc đi vượt biên -- mà Việt Nam rơi vào đại khủng hoảng những năm sau 1975.

Người ta bức xúc không phải vì con nhà quan có điều kiện để học nghề làm quan tốt hơn, nhưng vì câu hỏi ngỡ là hiển nhiên không cần phải hỏi: con quan, kế thừa kinh nghiệm của quan và truyền thống của gia đình quan, liệu có đủ khả năng làm lãnh đạo hay không? Câu trả lời là hên xui, mà xui nhiều hơn hên. Không phải cứ con Einstein thì nghiễm nhiên là thiên tài. Chẳng ai biết được những người vừa được bầu lên có tài cán như thế nào, có những sáng kiến kinh bang tế thế ra sao, hay họ sẽ làm gì để dân giàu, nước mạnh.

Dẫu những người này có tài thật, vẫn còn câu hỏi nhức nách nhất: liệu họ có phải là người tốt nhất, giỏi nhất, tài năng nhất, xứng đáng nhất để lãnh đạo Việt Nam? Nếu có, bằng chứng? Nếu không, tại sao chúng ta phải hạ thấp tiêu chuẩn? Tại sao!

Nếu như Mỹ là dân chủ trị (democracy) -- ai thuyết phục được dân chúng, người đó làm lãnh đạo, nếu như Singapore (và Trung Quốc) là tinh anh trị (meritocracy) -- ai giỏi nhất trong giới tinh hoa, người đó làm lãnh đạo, thì Việt Nam chọn lãnh đạo không phải dựa vào tài năng mà cũng chẳng phải dựa vào sự tín nhiệm của dân chúng.

Thử tưởng tượng những công ty như Google chọn lãnh đạo không dựa vào tài năng mà dựa vào huyết thống. Thử tưởng tượng những câu lạc bộ như Barcelona chọn cầu thủ không dựa vào tài năng mà dựa vào truyền thống gia đình. Nghe có khó tin hay không? Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục chọn lãnh đạo một cách khó tin như vậy. Hỏi sao không nghèo không hèn.

Comments